Bên bờ hạnh phúc

  Suốt nửa tháng nay bị vây bủa giữa bốn bề nước lũ, người dân ở Phước Giang, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, thắc thỏm không yên. Ngồi bó gối nhìn mưa trắng trời, những người đàn bà lo hết gạo hết mắm, lo con cái phải nghỉ học dài dài. Còn những người đàn ông tự hỏi đến khi nào thì dòng Bàn Thạch thôi hung hãn, để họ chèo sõng thả lưới kiếm con cá con tôm…   

 
Sau đợt mua lũ liên tiếp 10 ngày qua, nhiều làng xã khu vực Nam Trung bộ bị cô lập, người dân đứng trước nguy cơ đói ăn. Trong ảnh bộ đội cõng gạo cứu đói cho người dân hai xã Thành Sơn và Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, Khánh Hoà. Ảnh: Thái Bình

 Con đường từ quốc lộ 1A đi xuống lẫn đường Phước Tân – Bãi Ngà đi lên đều bị nước lũ cắt thành nhiều đoạn. Đến uỷ ban xã Hoà Tâm đã khó, ra “ốc đảo” Phước Giang càng gian nan, bởi sông Bàn Thạch vẫn còn chảy xiết và không một chiếc thuyền máy nhỏ nào dám nhổ neo. Sáng 11.11, khi tôi đến đồn biên phòng Hoà Hiệp “cầu cứu”, thiếu tá Trịnh Đình Bá chìa ra sơ đồ đường sông cơ động cứu hộ cứu nạn thôn Phước Giang, chỉ cho tôi thấy hàng loạt nguy cơ nếu đi bằng đường thuỷ. Thấy tôi vẫn khăng khăng, đồn trưởng Trịnh Đình Bá gọi thiếu uý Trần Văn Thương – phụ trách địa bàn Hoà Tâm – giao nhiệm vụ “dẫn đường”. Sau hơn chục cuộc gọi, thiếu uý Thương tìm được một ngư dân đồng ý đưa chúng tôi ngược dòng Bàn Thạch đến “ốc đảo”, trên chiếc thuyền 20CV dưới trời mưa. Sau 30 phút ngược sông, chúng tôi thấy thôn Phước Giang trôi gần hơn vào tầm mắt.  

Trăn trở giữa biển nước

“Hai tuần nay không đi đâu ra khỏi thôn, cũng chẳng làm gì được. Nhà thì hết củi, hết gạo, nhà thì hết mắm. Tụi tui ở “vùng sâu vùng xa”, hễ có lũ lụt là bị cô lập. Biết vậy nên cũng chuẩn bị gạo ăn trong năm, mười bữa. Ai dè “nó” cô lập đến nửa tháng trời. Thiệt khổ!”, bà Trần Thị Mít than thở.

Rồi người phụ nữ 66 tuổi này lại nghĩ về những năm trước, khi dịch bệnh tôm chưa bùng phát ở hạ lưu sông Bàn Thạch – một trong hai vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Phú Yên. Hồi đó, dòng Bàn Thạch được mệnh danh là dòng sông bạc, và cuộc sống của những người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng – trong đó có dân Phước Giang – khá thong thả. Mấy năm gần đây, tôm nuôi mùa được mùa mất. Có mùa mất trắng, cuộc sống trở nên chật vật. Người Phước Giang lại chỉ trông chờ vào những hồ tôm và việc đánh bắt tôm cá trên sông, không ai làm ruộng và cũng không có chỗ nào để trồng lúa, nên quanh năm suốt tháng mua gạo ăn. Kẹt tiền thì mua nợ, tới mùa thu hoạch, bán tôm đem trả. Nếu vụ tôm thất bát, họ đi làm thuê làm mướn để trả nợ. “Bữa giờ kẹt quá, tui mượn của ông trưởng thôn 10 ký gạo. Nhà đông người, giờ số gạo đó cũng hết rồi”, bà Mít trầm ngâm.

Trước thềm ngôi nhà được trợ giúp xây dựng để “xoá nhà tạm”, bà Cao Thị Hớn, 71 tuổi, đang sửa soạn lại tấm lưới. Bà thổ lộ: “Mưa gió, không có gì ăn. Bữa giờ tui chỉ ăn mì tôm do Đoàn Thanh niên cứu trợ. Nước lớn nên không dám ra sông thả lưới. Phải chờ hết lũ mới đi được”.

Những người hàng xóm của bà Hớn cũng đang đỏ mắt chờ lũ rút để ra sông bắt con cá con tôm về cải thiện bữa ăn. Bà Nguyễn Thị Trang là người sống dựa vào dòng Bàn Thạch. Chiều, bà chèo chiếc sõng tôn ra sông thả lưới. Khuya, với cây đèn pin, bà chèo sõng đi gỡ lưới. Những con cá ngách, cá rô phi, cá đối đánh bắt được cũng không giúp người phụ nữ 63 tuổi này vơi đi gánh nặng, khi chồng bà đau bệnh suốt, còn hai đứa con trai chưa lập gia đình thì lên tận Đăk Lăk hái càphê thuê. Cách đây bốn ngày, chồng bà trút hơi thở cuối cùng giữa lúc mưa gió bời bời.

Phước Giang gần mà xa

Theo lời ông Trương Văn Tứ, trưởng thôn Phước Giang, cách thành phố Tuy Hoà chỉ hơn 30 cây số nhưng mãi đến năm 2009, Phước Giang mới có điện lưới quốc gia, còn trước đó, nhà nào nhà nấy leo lét đèn dầu. Rồi một con đường bêtông được trải từ Hoà Xuân (huyện Đông Hoà) đến thôn “vùng sâu vùng xa” này. Hơn 380 dân ở Phước Giang, từ trẻ con đến người lớn, đều rất vui. Nhưng cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Trương Văn Tứ cho biết: “Nước lũ làm hầu hết hồ tôm ở Phước Giang bị vỡ bờ. Mùa này người ta đã bắt hết tôm nhưng rồi đây cũng tốn tiền sửa sang, nếu muốn nuôi tiếp. Đợt lũ vừa rồi cũng đã làm hư hai cây cầu gỗ nối Phước Giang với trung tâm xã Hoà Tâm…”

Ông Tứ cho biết, sau đợt lũ trước, mỗi gia đình trong thôn nhận một thùng mì ăn liền do tỉnh đoàn Phú Yên cứu trợ. Cũng đợt đó, chính quyền địa phương mua giúp và cho thuyền chuyển đến bà con 240kg gạo. Cơn lũ này chưa rút thì cơn lũ khác chồng lên. Bị nước bao vây, bà con có gì ăn nấy, người còn gạo san sẻ cho người hết gạo. Dân ở quê, cuộc sống còn khó khăn nhưng tấm lòng thì rộng thênh.

Sáng ngày 10.11, lãnh đạo xã Hoà Tâm điện về Phước Giang, nói sẽ về thăm và đưa hàng cứu trợ về. Nhưng rồi nước chảy xiết quá nên không về được. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Đặng Tín, chủ tịch UBND xã Hòa Tâm cho biết đợi khi nước không còn chảy xiết, địa phương sẽ đưa hàng cứu trợ về cho người dân Phước Giang. Còn tuyến đường có hai cây cầu gỗ là do huyện quản lý, sau lũ sẽ có phương án sửa chữa.

Chúng tôi rời Phước Giang khi mưa nhoà mặt sông. Lòng thầm mong mau hết những cơn mưa này, hết những đám mây nặng trĩu này để cuộc sống của đồng bào ở Phước Giang vơi đi vất vả. 

Theo SGTT

   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *