Bên bờ hạnh phúc

Cuộc vượt vòng vây của Trung đoàn Thủ đô và sự hy sinh anh dũng của Ban liên lạc Nguyễn Ngọc Nại* đã được ghi vào trang sử vàng của đất nước. Song ít ai biết rằng người duy nhất của tiểu đội còn sống cho đến nay vẫn đang sinh sống giữa lòng Hà Nội.

Trong cái rét ngày Đông chí (22/12) gợi nhớ tới cái rét cắt da thịt 64 năm trước, ông Đỗ Văn Túc (tức Ninh), người còn lại cuối cùng của Ban liên lạc Nguyễn Ngọc Nại kể về đêm vượt sông Hồng đưa hơn 1000 chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thoát vòng vây của địch.

Đêm vượt sông “huyền thoại”

Đêm đó trời rét buốt, sương mù dày đặc, các đội viên Ban liên lạc dẫn hàng nghìn chiến sĩ quyết tử đi theo lối cũ, vượt sông Hồng về tới làng Tứ Tổng, huy động thuyền đò của dân làng đưa Trung đoàn qua sông Đuống về vùng tự do của ta tại Vĩnh Phúc. Thuyền chở suốt đêm không ngừng nghỉ.

Khi dẫn đoàn người vượt sông, ông Túc cho biết, đoạn nguy hiểm nhất là làm sao qua được gầm cầu Long Biên bởi khu vực đó, địch kiểm soát rất gắt gao. Hai bên đầu cầu đều có xe bọc thép, xe tăng trấn giữ, quân địch với đầy đủ vũ khí hiện đại xếp hàng trên thành cầu chĩa súng xuống dưới, đèn pha của chúng quét khắp nơi, kinh khủng nhất là những con chó săn được huấn luyện, ăn được thịt người, chỉ cần một tiếng động nhỏ phát ra, cả nghìn chiến sĩ chết hết như chơi.

“Vừa đi, chúng tôi vừa ý thức được sự sống và cái chết chỉ cách nhau đường tơ kẽ tóc và trách nhiệm lớn là phải đưa được đoàn quân ra vùng tự do an toàn, trời tối mịt mùng, có khi vừa đi vừa dẫm phải xác người. Đến gầm cầu Long Biên, nhìn lên thấy lính Pháp dàn hàng đang chĩa súng vào đầu mình, đến bây giờ nghĩ lại, tôi không thể ngờ được chúng tôi đã làm được điều thần kỳ đến thế…”

Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô được đưa sang vùng tự do tại Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu

 

Mờ sáng 19/2, khi Ban liên lạc đã đưa được gần hết Trung đoàn Thủ đô sang vùng tự do an toàn, chỉ còn số ít anh em chưa kịp qua đò thì bị địch phát hiện. Chúng tức điên cuồng nã đại bác và thả quân truy sát theo đoàn quân về tận hai làng Tầm Xá và Tứ Tổng. Ông Túc cùng một người tên Xuân được đồng chí Nại giao nhiệm vụ dẫn nốt số anh em Trung đoàn ra bến đò. Số còn lại cùng với tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại xuống giao thông hào chiến đấu bảo vệ đường ra bến. “Cũng vì nhiệm vụ anh Nại giao mà tôi còn sống sót đến bây giờ”, ông Túc trầm ngâm.

Vừa dẫn người ra bến, ông Túc vừa chỉ đạo cho số anh em còn lại nấp dưới những kẽ đất nứt để tránh thương vong. Nằm dưới khe đất chỉ cách nơi tiểu đội của mình đang chiến đấu 50 mét, ông nghe rõ tiếng đồng chí Nại chỉ đạo phải để địch tiến giáp lá cà mới được bắn vì đạn của ta ít, không được phung phí.

Cuối cùng ông cũng hoàn thành nhiệm vụ đưa nốt số chiến sĩ còn lại sang đến làng Dâu , huyện Đông Anh an toàn. Nhưng Ban liên lạc của ông đã không còn ai sống sót. Sau khi bắn hết đạn, ném hết lựu đạn, các đồng chí đã anh dũng hy sinh tại bãi Tầm Xá. Khoảng 11h trưa, địch rút về phía Hà Nội.

“Địch rút, chúng tôi lao về phía đồng chí Nại và tiểu đội chiến đấu nhưng không còn ai sống sót…bọn ác ôn bắn nát người, mặt, xé rách quần áo anh em, trên cổ mỗi người đã hy sinh đều có một vết cắt sâu…chúng tôi chỉ nhận ra mỗi người qua hình dáng…”, nói đến đây, giọng ông Túc như nghẹn lại, đôi mắt đục mờ vì thời gian đã không còn nước mắt nhưng tôi có thể cảm nhận được nỗi đau trong đôi mắt ông, nỗi đau đã theo ông hơn nửa thế kỷ mỗi khi nhắc đến câu chuyện năm xưa.

Người đầu tiên mặc áo “Vệ quốc quân”

Ông Túc cho biết, cái "duyên" đưa ông đến với Ban liên lạc Nguyễn Ngọc Nại cũng thật ngẫu nhiên. Sau Cách mạng tháng Tám, ông Minh Tiến (nguyên Thứ trưởng Bộ công an), là Chủ tịch khu Phúc Xá thành lập một lực lượng dân quân tự vệ. Khi đó, ông Túc vừa tròn 18 tuổi cũng hăng hái tham gia.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tử thủ cùng Hà Nội bị địch bao vây tứ phía. Tháng 1 năm 1947, ông Túc được chỉ huy giao cho một công văn để trong ruột xăm xe đạp, yêu cầu đi cùng một người tên Kim, bằng mọi cách phải mang được vào trong cho Ban chỉ huy Trung đoàn đóng tại 98 Hàng Bạc.

Ông Túc đang say sưa kể lại câu chuyện vượt sông năm xưa. Ảnh: Như Biển

Đêm đó, trời mưa phùn, cái lạnh thấu tim gan, sau khi bơi quãng hơn 600 mét trong lòng sông Hồng, ngụp lặn giữa đống bùn đất ngay dưới mũi súng địch, hai người đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tại trụ sở 98 Hàng Bạc, ông Túc và ông Kim được ông Lê Trung Toản, Chính ủy của Trung đoàn tuyên dương tinh thần gan dạ và phát cho mỗi người một bộ quần áo. “Khi đó tôi sung sướng lắm, 18 năm, lần đầu tiên được mặc quần áo mới. Về sau, tôi mới biết đó là bộ quần áo Vệ quốc quân được Trung đoàn may nhưng chưa phát cho anh em chiến sĩ, tôi và anh Kim là hai người được mặc đầu tiên, tôi hạnh phúc đến phát khóc, tự hào lắm chứ… ” ông Túc bồi hồi nhớ lại.

Lần đưa công văn đó cũng là tiền đề để ông tham gia cuộc vượt sông đêm 18/2/1947.

Cùng thời gian này, con đường tiếp tế lương thực, vũ khí cho Trung đoàn Thủ đô của ta bị lộ. Ban liên lạc Nguyễn Ngọc Nại với 16 đội viên, bao gồm những người nhanh nhẹn, gan dạ, thông thuộc địa hình nhanh chóng được thành lập để tiếp tục nhiệm vụ tiếp tế. Nghiễm nhiên Ông Túc được chọn vào đội.

Đêm 30 tết âm lịch năm 1946, Đội được giao nhiệm vụ đầu tiên là mỗi người đeo một ba lô lương thực khoảng hơn 20 kg mang vào nội thành. Con đường huyền thoại hình thành từ đây.

Các đội viên băng qua làng Tứ Tổng (nay là xã Tứ Liên, huyện Từ Liêm, Hà Nội) lội qua sông, đi qua đầu bãi đóng quân tại làng Phúc Xá, lại tiếp tục lội qua sông, rồi chui qua gầm cầu Long Biên thẳng hướng cột Đồng hồ (đoạn cầu Chương Dương bây giờ) tới chân đê và thoát vào nội thành, đưa hàng tiếp tế tới ban Ban chỉ huy Trung đoàn.

Ông Túc không nhớ nổi Ban liên lạc của mình đã đi lại như thế bao nhiêu lần để tiếp tế cho Trung đoàn, nhưng đêm lịch sử dẫn hơn 1.000 người trong nội thành thoát khỏi vòng vây của địch thì vẫn vẹn nguyên trong ông từng hình ảnh, chi tiết.

* Nguyễn Ngọc Nại (1947) là đội trưởng đội du kích Hồng Hà, một đội du kích của các xã ven sông Hồng ở phía Hà Nội. Trong 60 ngày đêm Hà Nội chiến đấu chống lại quân Pháp kể từ khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đội du kích làm nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế cho các đơn vị tại Liên khu I. Ngày 18 tháng 2 năm 1947, đội du kích Hồng Hà đã thực hiện trận đánh cảm tử chống lại một lực lượng áp đảo của quân đội Pháp có tàu chiến yểm trợ trên bãi Tàm Xá để bảo vệ cho Trung đoàn Thủ đô rút lui qua gầm cầu Long Biên. Gần như toàn bộ đội du kích trong đó có Nguyễn Ngọc Nại đã tử trận ngày 19 tháng 2 năm 1947[1]. Năm 1996, Đội du kích Hồng Hà của Nguyễn Ngọc Nại được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội (nối giữa phố Hoàng Văn Thái và phố Vương Thừa Vũ).

Theo Đất Việt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *