Bên bờ hạnh phúc

Một cô giáo chủ nhiệm tận tâm “chuyên trị” học sinh cá biệt. Cô quan niệm ngựa chứng là ngựa hay, mỗi học sinh có một hoàn cảnh riêng, cần phải hiểu để chia sẻ và nâng đỡ. Bao năm qua cô đã dìu dắt, uốn nắn nhiều học sinh cá biệt thành người tốt.

Gắn bó được ba năm với Trường Quang Trung, năm 1997 cô về Trường Trần Phú cho đến giờ. Cô cười: “Không biết có phải là duyên mà hầu như năm nào tôi cũng được phân vào lớp có nhiều học sinh cá biệt…”.

Học trò và tướng cướp

Cô nhớ lại: “Ngày mới ra trường, làm chủ nhiệm lớp 10A4, trong lớp có P. học yếu do hoàn cảnh nghèo, mẹ làm thuê, bản thân P. phải đi bán vé số kiếm tiền cho cha ăn nhậu. Ngày nào không mang đủ tiền về thì bị ba đánh. Tôi nhiều lần nói chuyện với người cha ấy nhưng thất bại. Rồi một ngày tôi nhận tin em bị bắt vì tội trộm cắp và lãnh án tù hai năm. Tôi lặng người… Trong tù, P. viết thư cho bạn thông qua địa chỉ trường, trong đó có câu: “Tú ơi, tao nhờ mày nhắn với cô Trinh tao nhớ cô, tao kính trọng cô nhất trên đời. Tao ân hận vì không nghe lời cô dạy nên mới ngồi tù”. Đọc những dòng chữ thân quen đến thân thương của học trò tôi nghẹn ngào, giấu nước mắt. Tôi ân hận trách mình đã không dạy học sinh sống tốt!”.

Hai năm sau em ra tù. Một lần tình cờ em gặp tôi trên đường. Vừa trông thấy tôi, em quăng chiếc xe đạp ở ven đường, chạy lại bên tôi, vòng tay rồi quỳ xuống, nói: “Em xin lỗi cô, em mới ra tù!”. Nước mắt lưng tròng, tôi cũng chỉ kịp nói: “Cố gắng sống tốt nghe em!”. Sau này, được biết em vẫn sống bằng nghề bán vé số dạo, lương thiện!…

Và đời nở hoa

“Tôi quan niệm ngựa chứng là ngựa hay. Mỗi học sinh có một hoàn cảnh riêng, cần phải hiểu để sẻ chia và nâng đỡ” – cô chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy học sinh cá biệt.

Cô giáo Nguyễn Tuyết Trinh

Cách đây năm năm, cô chủ nhiệm một lớp bán công, chỉ có vài em học lực trung bình, còn lại là yếu. Tìm hiểu từng học sinh, thấy tới 60% học sinh có hoàn cảnh gia đình phức tạp, nếu thất học thì cuộc đời các em sẽ càng bi đát. Cô dành nhiều thời gian trò chuyện, tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh của từng em một để có cách dìu dắt. Em Ngô Xuân H. nghịch phá, chọc giận thầy cô, bạn bè rồi nằm dài trên bàn. Qua tìm hiểu, biết cha mẹ ly hôn, H. sống cùng mẹ. Mẹ em vất vả làm mướn từ sáng đến tối, không có thời gian quan tâm, dạy dỗ em. Cô đề nghị nhà trường miễn học phí cho em. Thế nhưng H. lại xài điện thoại di động (ba em “bù đắp” tình cảm cha con bằng món quà này). Các bạn trong lớp bức xúc và tỏ ra xem thường H. Cô gọi H. lại phân tích: “Con có bao giờ nhìn thấy mẹ xanh xao, tảo tần đi làm thuê để có tiền cho con ăn học không. Mẹ chỉ trông vào con và mong ngày mai con được đi học, có công việc làm đàng hoàng, nuôi mẹ”. Nghe tới đây, H. khóc nức nở và nói: “Cô nói đúng!”. Cô gặp cha mẹ H. nhỏ to tâm sự, đề nghị họ quan tâm tới em hơn, vật chất không bù đắp được tình thương. Đến hết học kỳ một, H. học khá hẳn lên, vượt hai bậc học lực. Cô đề xuất nhà trường khen thưởng đặc biệt. H. hạ quyết tâm với cô: “Cuối năm con quyết đạt học sinh giỏi”. Và thật sự H. đạt học sinh khá-giỏi, rồi đậu vào đại học ngay trong năm đó. Năm học mới 2006-2007, H. về trường nhận phần thưởng danh dự là học sinh đậu đại học. “H. đã hát bài Tình mẹ tặng tôi. Tôi hạnh phúc vô cùng, phần thưởng lớn mà H. đã dành cho tôi và tôi như được tiếp thêm sức mạnh để đến với các học sinh cá biệt sau” – cô Trinh nói.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *