Hôm 01/12, Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã khai mạc tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).

Ảnh minh họa

Tại sự kiện lần này, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ cùng đánh giá kết quả của việc thực thi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu ra đời tại COP21 cách đây 8 năm. Dựa vào các kết quả nghiên cứu khoa học gần đây, kênh truyền hình Channel NewsAsia của Singapore đã tổng kết những diễn biến chính của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu kể từ sau COP21.

Về nhiệt độ Trái đất, Thỏa thuận Paris là thỏa thuận quốc tế đầu tiên đặt mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện đã tăng thêm 1,7 độ C và riêng trong tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm nay sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử loài người.

Về nước biển dâng, theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), mực nước biển đang gia tăng do hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến các sông băng và băng tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng có. Kết quả nhiều nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy, ngay cả khi mức tăng nhiệt độ của Trái đất được giữ ở mức dưới 2 độ C thì nhiều khu vực từng được băng tuyết bao phủ và các vùng ven biển trên Trái đất vẫn hứng chịu những thiệt hại không thể đảo ngược.

Về năng lượng sạch, Cơ quan Năng lượng Quốc tế mới đây cho biết, tỷ lệ điện năng đến từ các nguồn năng lượng sạch như Mặt trời, gió, thủy triều, nhiên liệu sinh học đã không thay đổi nhiều kể từ năm 2015. Tuy nhiên, số xe điện được bán ra trên toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ từ mức chỉ 0,7% vào năm 2015 lên mức 14% vào năm 2022.

Mặc dù còn nhiều điều phải làm để đạt được các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, song theo các chuyên gia, văn kiện này vẫn được đánh giá là nền tảng quan trọng, thể hiện quyết tâm của các nước trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Và COP28 được xem là cơ hội để biến các kế hoạch trong Thỏa thuận Paris thành hành động cụ thể, thực chất, tạo ra bước đột phá nhằm cứu lấy hành tinh xanh./.

Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *