Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (gọi tắt là CFR) cho rằng, cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng vừa qua chứng tỏ quan hệ giữa đôi bên vẫn gần gũi và tích cực. Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Israel đang căng thẳng xoay quanh vấn đề chương trình hạt nhân của Iran và tiến trình hòa bình Trung Đông.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp gỡ Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc

Tờ Nhật báo Phố Wall cho biết, sau cuộc gặp kéo dài một giờ tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel là “không thể phá vỡ”, đồng thời tái khẳng định, hai nước có chung lợi ích, đặc biệt là về vấn đề an ninh quốc gia và hòa bình. Còn theo CFR, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Netanyahu diễn ra trước hai thời hạn chót vô cùng quan trọng trong tháng 9 năm nay.

Thứ nhất, vào đầu tháng 9, Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas phải chứng tỏ với Liên đoàn Ả-rập thấy rằng, cuộc thương lượng gián tiếp giữa Palestine và Israel, thông qua đặc phái viên Mỹ George Mitchell, thật sự có tiến triển.

Thứ hai, cam kết đình chỉ xây dựng các khu định cư mới của Israel sẽ hết hạn vào ngày 26/09/2010. Vào ngày 02/07 vừa qua, đảng Likud của Thủ tướng Israel Netanyahu đã tuyên bố không gia hạn lệnh cấm này và hoạt động xây dựng các khu định cư mới sẽ được tiếp nối sau khi cam kết hiện nay hết hiệu lực.

Ngoài ra, vào giữa tháng 9, kỳ họp mới của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc sẽ khai mạc và đây thường là dịp để nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu và LHQ) thảo luận về các vấn đề liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông. Do vậy, Tổng thống Mỹ Obama muốn đạt được một số tiến bộ trong đàm phán hòa bình để trình với cuộc gặp của nhóm.

Về tiến trình hòa bình Trung Đông, một chuyên gia của CFR cho biết, việc thảo luận gián tiếp giữa Israel và Palestine không phải là cách thức mà Israel và Mỹ mong muốn, sau khi hai bên đã từng đàm phán trực tiếp với nhau từ năm 1991. Israel đã đặt điều kiện không thương lượng gián tiếp về các vấn đề liên quan đến quy chế cuối cùng. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng không muốn thương lượng gián tiếp về quy chế cuối cùng vì e ngại phía Israel sẽ tìm cách kéo dài các cuộc thương lượng mà không có hồi kết. Trong khi đó, Tổng thống Abbas trông chờ một lời đảm bảo từ Thủ tướng Netanyahu hoặc từ phía Mỹ về các cuộc thảo luận trực tiếp giữa Palestine và Israel.

Cũng theo Nhật báo Phố Wall, Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu đã nhất trí những bước đi cụ thể nhằm bắt đầu các cuộc đối thoại trực tiếp về hòa bình Trung Đông. Ông Obama hy vọng các cuộc đối thoại trực tiếp có thể diễn ra trước khi lệnh đình chỉ xây dựng các khu định cư mới hết hạn vào cuối tháng 9/2010. Tại cuộc gặp này, Tổng thống Obama “trông đợi” một số cam kết quan trọng từ phía Israel.

Trước hết, ông muốn Israel gia hạn lệnh tạm đình chỉ xây dựng các khu định cư mới. Nếu lệnh cấm này không được gia hạn, Tổng thống Abbas khó có thể tiếp tục các cuộc thương lượng cả gián tiếp lẫn trực tiếp.

Tổng thống Obama cũng muốn Israel thực hiện cam kết nới lỏng hơn nữa các biện pháp phong tỏa Dải Gaza trên thực tế. Hôm 20/06 vừa qua, Israel tuyên bố sẽ nới lỏng chính sách bao vây vùng lãnh thổ Palestine này bằng cách chuyển từ danh sách những mặt hàng được đưa vào Dải Gaza sang danh sách những mặt hàng không được phép đưa vào. Tổng thống Obama muốn Israel chứng tỏ đã thực sự thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề này, cho phép đưa hàng hóa vào Dải Gaza và thậm chí có thể cho phép xuất khẩu từ đây.

Trong khi đó, tờ Thời báo New York của Mỹ cho biết, vào ngày 05/07, Israel đã ra quyết định cụ thể hơn về nới lỏng phong tỏa Dải Gaza. Sau đó, ngay trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Netanyahu tại Nhà Trắng, tức vào ngày 06/07, quân đội Israel thông báo truy tố một số sỹ quan về hành vi của họ trong chiến dịch tấn công Dải Gaza hồi cuối năm 2008 và đầu năm ngoái.

Về vấn đề hạt nhân của Iran, hai ông Netanyahu và Obama đã không hoàn toàn nhất trí với nhau. Thủ tướng Netanyahu coi đây là thách thức chiến lược và là ưu tiên chiến lược, trong khi Tổng thống Obama nói rằng, ông vẫn đang “rất tập trung vào vấn đề hạt nhân của Iran” và để có thể giải quyết vấn đề này qua con đường ngoại giao, ông muốn Israel hỗ trợ bằng cách thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.

Hồng Hậu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *