Ngày 15/1 vừa qua Tòa án tối cao Pakistan đã ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Raja Pervez Ashraf với cáo buộc dính líu tới tham nhũng liên quan đến các dự án điện. Cùng lúc, các cuộc biểu tình đòi chính phủ từ chức cũng bắt đầu nổ ra với quy mô lớn chưa từng thấy. Theo giới phân tích, khủng hoảng chính trị có nguy cơ tái diễn ở Pakistan trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng nữa quốc gia Nam Á này sẽ tiến hành bầu cử quốc hội.

Thủ tướng Pakistan Raja Pervez Ashraf. Ảnh: AFP

Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, đây không phải là lần đầu tiên Tòa án tối cao Pakistan có hành động đối đầu với chính phủ. Trước đó, tòa án này đã từng phế truất Thủ tướng Yusuf Raza Gilani, người tiền nhiệm của ông Ashraf, với cáo buộc ông Gilani coi thường bộ máy tư pháp khi không chấp hành lệnh của tòa án về việc đề nghị giới chức Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari.

Đến khi chính phủ của Thủ tướng Ashraf nhậm chức hồi tháng 6 năm ngoái, các thẩm phán của tòa án tối cao tiếp tục gây áp lực và chính phủ buộc phải chấp nhận yêu cầu của phía tòa án đề nghị Thụy Sĩ tiếp tục theo đuổi việc điều tra đối với Tổng thống Zardari. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Thụy Sĩ cho biết không làm được việc này vì ông Zardari được hưởng quyền miễn trừ khi còn tại vị.

Có thể nói, những sự việc trên một lần nữa làm tái bùng phát những căng thẳng trên chính trường Pakistan. Tình hình còn trở nên căng thẳng hơn khi hàng trăm ngàn người theo lời kêu gọi của Giáo sĩ Tahir-ul Qadri xuống đường biểu tình liên tiếp trong những ngày qua, đòi tổng thống, chính phủ từ chức, giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm.

Theo giới quan sát, Giáo sĩ Qadri, người từ Canada trở về nước vào năm 2011, đã trở thành nhân vật có ảnh hưởng khi đưa ra các cáo buộc tham nhũng đối với các quan chức chính phủ, đồng thời ca ngợi Tòa án tối cao và quân đội.

Giới phân tích cho rằng, hành động của Giáo sĩ Qadri có thể không đe dọa trực tiếp chính quyền Pakistan, song sự phản đối của ông này là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính phủ của Thủ tướng Ashraf, vốn được nhận định là đang đánh mất lòng tin trong dân chúng.

Trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố ngày càng trở nên khó khăn hơn khi gần đây Taliban thực hiện nhiều vụ đánh bom liên hoàn gây thương vong lớn, các chuyên gia cho rằng cuộc cạnh tranh quyền lực tiếp diễn trên chính trường Pakistan sẽ đẩy nước này ngày càng lún sâu vào vòng xoáy bất ổn.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *