Trong những ngày gần đây, các cuộc biểu tình bạo lực giáo phái đã bùng phát trên khắp lãnh thổ Libăng theo sau vụ đánh bom xe ở thủ đô Beirut ngày 19/10 vừa qua khiến Giám đốc tình báo thuộc Lực lượng an ninh nội địa nước này Wissam al-Hassan thiệt mạng. Căng thẳng dâng cao buộc quân đội Libăng hôm 22/10 đã phải tuyên bố tình trạng khủng hoảng. Giới phân tích lo ngại đây sẽ là mồi lửa cho một cuộc xung đột giáo phái tại quốc gia vốn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn tôn giáo này.

Theo các nguồn tin an ninh Libăng, đã có ít nhất 7 người thiệt mạng và 12 người bị thương trong các vụ bạo lực giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite trong những ngày qua.

Libăng là một quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo với người Thiên Chúa giáo, người Hồi giáo Shiite và Sunni, mỗi cộng đồng chiếm khoảng 1/3 dân số. Người Sunni ở Libăng đang giận dữ sau cái chết của ông al-Hassan, cũng là một người Sunni. Ông al-Hassan là người phụ trách điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Libăng Rafik Hariri cách đây 7 năm, vụ việc được cho là có liên quan đến Syria và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah, đồng minh của Damascus ở Libăng.

Căng thẳng sắc tộc không phải là vấn đề mới tại Libăng. Năm 2008, đụng độ giữa các nhóm vũ trang người Sunni và Shiite tại Beirut đã đẩy quốc gia này đến bên bờ vực nội chiến. Li-băng cũng từng trải qua cuộc nội chiến từ năm 1975 đến năm 1990, cuộc chiến chỉ chấm dứt khi những người Sunni, Shiite và Thiên Chúa giáo thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định sự ổn định này rất mong manh trước các biến cố xảy ra trong khu vực, điển hình hiện nay là cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria.

Trong vụ tấn công ngày 19/10 vừa qua, cựu Thủ tướng Li-băng Saad al-Hariri đã cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad chịu trách nhiệm. Những người biểu tình cũng đã yêu cầu Thủ tướng Libăng Najib Mikati từ chức, họ cho rằng ông Mikati quá thân thiết với Tổng thống Syria al-Assad và Hezbollah.

Hiện trường vụ đánh bom xe tại Thủ đô Bây-rút của Li-băng ngày 19/10.

 

Giới quan sát nhận định vụ đánh bom có thể sẽ là một mồi lửa châm ngòi cho sự hiềm khích tôn giáo bùng phát tại Libăng nếu chính phủ nước này không có các biện pháp xử lý tích cực và khéo léo. Nó cũng cho thấy cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua ở Syria đã ảnh hưởng sâu sắc đến căng thẳng sắc tộc ở Libăng khi mà cộng đồng tôn giáo ở nước này đang bị chia rẽ giữa một bên ủng hộ tổng thống Assad và một bên ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Syria.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *