Trong những ngày qua, làn sóng đánh bom và tấn công khủng bố tại Iraq đã bùng phát trở lại và càng lúc càng dữ dội hơn. Các chuyên gia cho rằng tình trạng bạo lực leo thang nói trên một lần nữa cho thấy những mâu thuẫn về giai cấp, sắc tộc và tôn giáo tại quốc gia Vùng Vịnh này vẫn còn rất sâu sắc dù cuộc chiến kéo dài 10 năm đã kết thúc. Điều này cũng chứng minh không phải chỉ cần lật đổ một chính phủ và lập nên một chính phủ mới thì có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Hiện trường một vụ đánh bom bên đường ở Iraq (Ảnh: Press TV)

Không ngày nào trên khắp đất nước Iraq không có máu đổ bởi những vụ đánh bom liều chết. Song tháng Ramadan vừa kết thúc hôm 10/8 lại được xem là tháng Ramadan đẫm máu nhất ở nước này trong vòng 5 năm qua với hơn 800 người thiệt mạng. Chỉ hai ngày sau đó, tức vào hôm 12/8, các vụ tấn công bằng bom diễn ra trên khắp Iraq cũng đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và 140 người khác bị thương.

Mặc dù lực lượng an ninh đã tăng cường tuần tra và lập nhiều chốt chặn, song một số vụ đánh bom lại xảy ra ngay ở các chốt kiểm soát của họ. Các vụ tấn công còn nhằm vào đường ống dẫn dầu, gây ảnh hưởng đến kế hoạch của chính phủ Iraq đưa nước này trở thành nhà cung cấp dầu mỏ thương mại mới lớn nhất thế giới.

Việc không thể ngăn chặn được làn sóng bạo lực đã khiến người dân Iraq không còn lòng tin với chính phủ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cái khó hiện nay của Iraq là nước này không chỉ đối mặt với các vụ tấn công do các phần tử thuộc Mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda thực hiện mà còn phải đối mặt với các vụ tấn công nhằm trả đũa lẫn nhau giữa những người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni.

Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến chống khủng bố sẽ dễ dàng hơn với Iraq nếu như những mâu thuẫn về giai cấp, sắc tộc và tôn giáo được giải quyết. Bắt nguồn từ sự thù hận do chính sách phân biệt đối xử của chính phủ do người Hồi giáo dòng Shiite nắm quyền, những người Sunni đã thực hiện nhiều vụ tấn công nhắm vào những nơi có nhiều người Shiite sinh sống. Và nguy hiểm hơn, sau mỗi vụ đánh bom, những lời kêu gọi trả thù lại được truyền đi trong cộng đồng của người Shiite. Cái vòng lẩn quẩn đó đã đẩy tình trạng bạo lực giữa người Sunni và Shiite vượt ngoài tầm kiểm soát khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng Iraq đang đứng trước nguy cơ tái diễn cuộc nội chiến từng xảy ra hồi năm 2006-2007 làm khoảng 3.000 người thương vong mỗi tháng.

Dù đã 3 năm kể từ khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Iraq, quốc gia vùng Vịnh này hàng ngày vẫn phải đối mặt với các vụ bạo lực, gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng. Có thể thấy, việc thiếu sự khoan dung và đồng thuận cùng với cuộc tranh giành quyền lợi chính là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển và là nguyên nhân chính tạo nên cục diện căng thẳng hiện nay tại Iraq.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *