Điều mà hàng triệu người dân Mỹ không muốn đối mặt như đã từng xảy ra cách đây 17 năm cuối cùng cũng đã đến. Vào lúc 0h ngày 1/10 giờ địa phương, tức 11h trưa 1/10 giờ VN, các cơ quan chính phủ liên bang Mỹ đã chính thức ngừng hoạt động vì hết ngân sách, sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ  không đạt được thỏa thuận về dự thảo ngân sách mới. Theo giới phân tích, điều này không chỉ khiến nền kinh tế số 1 thế giới hứng chịu những thiệt hại nặng nề trước mắt, mà còn đối mặt với mối đe dọa lớn hơn trong thời gian tới.

Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động từ sớm ngày 1/10 vì các nghị sĩ không thể nhất trí về ngân sách cho năm tiếp theo.

Trong thông báo được Nhà Trắng đưa ra ít phút trước khi bước sang ngày 1/10, Cơ quan quản lý hành chính và ngân sách Mỹ đã ra chỉ thị cho các cơ quan liên bang của chính phủ thực thi kế hoạch tạm ngừng một phần hoạt động.

Các công viên quốc gia, tượng đài và viện bảo tàng cũng đóng cửa. Ước tính có từ 800.000 đến 1 triệu công chức liên bang buộc phải nghỉ việc không lương, trong khi hàng chục ngàn công chức khác như các nhân viên kiểm soát không lưu, quản giáo nhà tù, nhân viên tuần tra biên giới sẽ phải tiếp tục làm việc mà không biết có được trả lương bù sau khi chính phủ hoạt động bình thường trở lại hay không.

Vài giờ trước thời điểm kết thúc năm tài khóa 2013 vào ngày 30/9, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời để cấp kinh phí hoạt động cho chính phủ đến ngày 15/12/2013, nhưng lại trì hoãn 1 năm tài trợ cho đạo luật cải cách y tế do Tổng thống Barack Obama đề xuất. Tuy nhiên, Thượng viện do đảng Dân chủ nắm quyền đã quyết không nhượng bộ và chính thức bác bỏ dự luật trên. Bế tắc này đã buộc chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa các công sở liên bang do không có ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo.

Trước đây, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa tổng cộng 17 lần kể từ năm 1977. Lần cuối cùng và cũng là lần lâu nhất, kéo dài 21 ngày, từ cuối năm 1995 đến đầu 1996. Khi đó, chính phủ liên bang bị thiệt hại đến 2,1 tỷ đôla. Với việc chính phủ liên bang đóng cửa một phần hoạt động kể từ ngày 1/10, Hãng nghiên cứu thị trường Mỹ HIS ước tính nền kinh tế số một thế giới sẽ bị thiệt hại ít nhất 300 triệu đôla mỗi ngày do sản lượng kinh tế sụt giảm. Các chuyên gia kinh tế cũng dự đoán tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ lần này có thể lên tới 2 tỷ đôla.

Không chỉ thế, việc nền kinh tế đầu tàu thế giới một lần nữa rơi vào vòng xoáy khủng hoảng ngân sách có thể sẽ gây ra những hiệu ứng tiêu cực đối với các nền kinh tế khác, cũng như tâm lý hoang mang trên các thị trường tài chính toàn cầu.

Theo giới phân tích, đây chỉ là một phần trong hàng loạt những hệ lụy tiềm ẩn mà nền kinh tế Mỹ đang và sẽ đối mặt. Nếu đến ngày 17/10/2013 mà Quốc hội nước này không nâng được mức trần nợ công, thì nền kinh tế số 1 thế giới sẽ lần đầu tiên bị vỡ nợ và khi đó, những thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *