Bên bờ hạnh phúc

Sau khi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 11/5 vừa qua tại Pakistan, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, thủ lĩnh Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N), đã bắt tay vào việc lập ra chính phủ mới. Thế nhưng, giới phân tích nhận định chiến thắng đó không mấy ngọt ngào bởi ông sẽ phải đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ hết sức khó khăn là thành lập một liên minh cầm quyền và giải quyết những vấn đề hóc búa của đất nước.

Ông Nawaz Sharif

Ông Nawar Sharif từng bị phế truất khỏi ghế Thủ tướng trong cuộc đảo chính quân sự năm 1999, bị bắt giam và phải sống lưu vong sau đó. Giờ đây, với chiến thắng này, ông sẽ quay lại cương vị lãnh đạo chính quyền Islamabad và trở thành chính khách đầu tiên trong lịch sử Pakistan 3 lần giữ chức thủ tướng.

Giữa lúc người dân ngày càng bất mãn đối với chính phủ của Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), ông Sharif đã nổi lên như một nhân vật được nhiều cử tri tin tưởng và kỳ vọng. Thậm chí, ông đã vượt qua cả chính khách Imran Khan, người cũng tập hợp được sự ủng hộ của đông đảo cử tri, nhất là giới trẻ.

Từng 2 lần giữ chức thủ tướng trong những năm 1990, đối với ông Sharif, kinh nghiệm đương đầu với môi trường chính trị vốn luôn khốc liệt tại Pakistan là điều đã sẵn có. Song giới chuyên gia cảnh báo lần này, ông sẽ phải tiếp quản chính quyền trong tình trạng rối ren, khi nền kinh tế đất nước kiệt quệ, nạn tham nhũng tràn lan, và làn sóng khủng bố gia tăng mạnh mẽ…

Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif mừng chiến thắng tại Islamabad, ngày 12/5/2013.

Khôi phục kinh tế được xem là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Trong hơn 5 năm qua, Pakistan tăng trưởng yếu kém, lạm phát tăng cao, không tạo ra đủ việc làm cho hàng triệu thanh niên gia nhập lực lượng lao động mỗi năm. Ngoài những khó khăn kinh tế, Pakistan còn phải đối mặt với thách thức từ lực lượng Taliban (có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda) và chủ nghĩa cực đoan ngày càng gia tăng. Bằng chứng trước mắt là nhiều vụ đánh bom đã xảy ra ngay trong ngày bầu cử vừa qua. Về vấn đề này, ông Sharif đã công khai kêu gọi đối thoại với Taliban, và coi đây là giải pháp để chấm dứt bất ổn kéo dài gần 7 năm qua tại quốc gia Nam Á này.

Về việc thành lập liên minh cầm quyền, ông Sharif có thể phải hợp tác với một số cựu đối thủ từ chính quyền sắp mãn nhiệm, trong khi điều đó thật không dễ dàng. Giới phân tích cảnh báo nếu không nhanh chóng và khéo léo giải quyết những thách thức đó, thì ông Sharif sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích, và nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng mới là điều có thể.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *