Phần thường xoàng xĩnh (chính xác phải nói như vậy), nhưng cả đội ai cũng vui. Niềm vui chân thành ấy chứng minh một sự thật: Cầu thủ QK4 thời điểm đó không đá bóng vì tiền, mà đơn giản là vì màu cờ sắc áo.

Bạn đọc thấy gì và nghĩ gì khi nghe chuyện này? Thấy bất ngờ? Có thể! Thấy lạ lùng? Có thể! Nhưng dù có bất ngờ, lạ lùng đi nữa thì có lẽ bạn cũng phải công nhận rằng, câu chuyện đó ít nhiều cũng đánh thức trong bạn một niềm tin nào đó.

Cứ nghĩ mà xem: Làng bóng này vốn đã quá hào nhoáng và cũng quá ngột ngạt bởi những chuyện liên quan tới tiền bạc. Bạn có thể dễ dàng nghe tin một cầu thủ nọ mới được chuyển nhượng với giá tiền tỷ và mức lương hàng mấy chục triệu đồng/tháng. Ngồi uống cà phê, bạn cũng có thể nghe thấy chuyện một cầu thủ kia mới tậu xe cỡ hàng vài tỷ đồng, và đang hứa hẹn là sẽ “rửa xe” với một kinh phí lên tới hàng chục triệu…

Image
Tướng Đoàn Sinh Hưởng hòa chung niềm vui thăng hạng cùng đội bóng QK4 – Ảnh: Phan Tùng

Phải nói rằng, ở một làng bóng mà đồng tiền đang lên ngôi, trong một quĩ đạo mà những ngôi sao sân cỏ luôn xuất hiện sang trọng chẳng khác gì minh tinh màn bạc thì câu chuyện về 1 bát phở và 2 quả trứng thực sự làm chúng ta phải suy nghĩ.

Nghe chuyện, ta sẽ phải “mắt tròn mắt dẹt”: À, hóa ra, vẫn có những con người không đá bóng vì tiền. À, hóa ra vẫn có những cầu thủ ra sân với đam mê chân chính.

Chính vì vậy mà đội bóng Quân khu hiện lên một cách đáng yêu, đáng phục, đáng nhớ hơn rất nhiều.

2. Thế nhưng, đúng là những sức mạnh tinh thần chỉ có thể phát huy giá trị trong một bối cảnh và một khoảng thời gian nhất định. Nó không thể giúp cho một đội bóng có thể nâng tầm đẳng cấp. Nó thậm chí cũng chẳng giúp cho một đội bóng có thể tồn tại một cách yên ổn giữa dòng chảy cuồn cuộn của thời cuộc.

Vậy nên, lên đến V.League, sau một cú “đề-pa” tinh thần tiếp theo, những người lính QK4 bắt đầu nhìn sang hàng xóm. Và một khi họ đã nhìn sang nhà khác thì chắc chắn sự so bì, đối chiếu của họ rồi sẽ lớn hơn mọi bản năng khác.

Họ sẽ chạnh lòng khi thấy mình đá bóng hùng hục mà mỗi tháng chỉ nhận khoảng 5-6 triệu/đồng, trong khi những cầu thủ đội khác cũng với chừng ấy sức bỏ ra (thậm chí còn ít hơn) lại có thể bỏ túi từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng, thậm chí lớn hơn rất nhiều. Họ sẽ lấn cấn khi thấy sau một trận thắng, cả đội mình chỉ được thưởng nhiều nhất là 50 triệu đồng (mà để có được số tiền ấy lại phải trải qua một hành trình xin xỏ – giấy tờ gian nan) trong khi chỉ cần một trận hòa, các đồng nghiệp của họ đã có thể nhận ngay hàng trăm triệu “tiền tươi thóc thật”…

Một khi đã so sánh như thế, tủi thân như thế, lấn cấn như thế thì chắc chắn từ đôi chân cho đến cái đầu của họ đều sẽ ở vào trạng thái “bất bình thường”. Mà với đội bóng QK4 thì những sự “bất bình thường” ấy đã được chứng minh ở giai đoạn 2 của V.League 2009: Hàng loạt ngoại binh, mà đứng đầu là “át chủ át” Lazaro giở chứng. Một số cầu thủ nội, dù không phản ứng mạnh như mấy cầu thủ ngoại, nhưng cũng đã có những biểu hiện chơi vơi, buông lỏng hơn hẳn so với giai đoạn lượt đi.

Tới đây, một sự thật được làm sáng tỏ: Câu chuyện về 1 bát phở và 2 quả trứng đúng là một câu chuyện rất đẹp. Một câu chuyện thể hiện trọn vẹn sự trong sáng của một tập thể. Thế nhưng khi tập thể ấy phát triển lên những nấc thang mới thì đừng nói là 1 bát phở và 2 quả trứng, mà kể cả 100 bát phở cùng 200 quả trứng rồi cũng trở nên vô giá trị.

Hãy cứ tưởng tượng thế này: Trong môi trường bóng đá nghiệp dư hay “bóng đá chuyên nghiệp vui vẻ” (trạng thái tồn tại của QK4 ở giải hạng Nhất năm 2008) thì 1 bát phở và 2 quả trứng là đáng quý lắm. Thế nhưng ở môi trường chuyên nghiệp đúng nghĩa (trạng thái tồn tại của QK4 ở giải V.League 2009) thì 1 bát phở và 2 quả trứng lại dẫn người ta đến chỗ bất bình thường…

Nhìn nhận như vậy sẽ thấy rằng việc QK4 đổi mới (chuyển giao cho Ngân hàng Nam Việt) để thích ứng với một hoàn cảnh mới cũng là chuyện hợp quy luật và hợp thời đại.

3. Ở đời, chúng ta vẫn thường có tâm lý nuối tiếc, thậm chí là than khóc cho những hệ giá trị đã một đi không trở lại. Thế nhưng cũng phải thấy rằng cuộc sống nhiều lúc buộc chúng ta phải thay đổi, vì không thay đổi sẽ tiệm cận sự diệt vong.

1 bát phở và 2 quả trứng – câu chuyện ấy thật đẹp. Nhưng câu chuyện ấy cũng đã đến lúc phải kết thúc “sứ mệnh” của mình. Mà kết thúc sự tồn tại để trở nên vĩnh cửu trong bảo tàng ký ức – điều ấy há chẳng đẹp hơn so với một thực tại phũ phàng hay sao?

Theo Pháp luật TPHCM

Từ khóa:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *