Trước đây, người nô lệ châu Phi đã góp phần rất lớn trong việc biến cây mía đường thành một trong những loại nông sản quan trọng nhất thế giới. Lịch sử của những người nô lệ và chế độ thuộc địa đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trên các công trình kiến trúc ở nhiều thành phố thuộc quần đảo Guadeloupe.

Người nô lệ châu Phi đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử trên vùng đất xinh đẹp này của vùng biển Caribe. Pháo đài Delgrès là một danh thắng đáng chú ý trên đảo Bass-terre. Tên của pháo đài được đặt theo tên của ông Louis Delgrès, người đã cùng đội quân những người nô lệ anh dũng hy sinh trong trận chiến chống lại quân Pháp vào năm 1802 . Hiện, trên đảo vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện lịch sử về ông.

Pháo đài Delgrès

Người nô lệ đã được giải phóng vào năm 1848 nhưng nhiều người vẫn tiếp tục định cư ở vùng đất này. Cư dân sống trên đảo Guadeloupe ngày nay chủ yếu là con cháu của những nô lệ châu Phi khi xưa. Họ vẫn duy trì truyền thống của tổ tiên dù đang sống xa quê hương. Sự hòa hợp về văn hóa giữa các tộc người khác nhau được thể hiện qua trang phục, ẩm thực, âm nhạc và cả ngôn ngữ Creole của họ.

Creole tức là người gốc châu Phi. Ẩm thực của người Creole là sự kết hợp giữa cách chế biến của người châu Âu, nguyên liệu của người châu Phi, gia vị của người phương Đông…

Những bộ trang phục nhiều sắc màu của cư dân địa phương cũng thể hiện sự ảnh hưởng văn hóa của người châu Phi, người châu Âu và người Tây Ban Nha. Người dân nơi đây rất thích mặc trang phục nhiều màu sắc. Với những bộ quần áo rực rỡ như thế, mọi người cảm thấy vui vẻ, không còn buồn bã nữa. Các loại trang phục nhiều màu sắc như thế này đã có từ thời kỳ nô lệ, chúng chịu ảnh hưởng từ phong cách ăn mặc và văn hóa của người Tây Ban Nha, người châu Phi…

Những bộ trang phục nhiều màu sắc được mặc phối hợp với nhiều phụ kiện khác nhau. Trang sức được chế tác tinh xảo bằng vàng cũng có lịch sử lâu đời như trang phục.

 

Trang phục đầy màu sắc của người Creole

Những món đồ trang sức trên vùng này cũng có nguồn gốc từ thời kỳ nô lệ trong quá khứ. Những người phụ nữ da trắng thời bấy giờ thường đeo rất nhiều đồ trang sức, đấy là niềm mơ ước mà những người phụ nữ da đen rất muốn học theo. Sau khi người nô lệ được giải phóng, họ bắt đầu tích cóp vàng để làm các món trang sức và đeo trên người. Họ muốn chứng tỏ cho mọi người biết rằng, họ cũng có của cải, họ cũng là những người phụ nữ giàu có.

Khi mặc những bộ trang phục nhiều màu, người ta thường dùng kết hợp với chiếc khăn choàng tóc. Khăn choàng tóc của phụ nữ Guadeloup được quấn gọn gàng. Trên đầu họ chỉ có một chỗ khăn nhô cao. Nếu vấn khăn nhô lên ở bên phải thì có nghĩa là người phụ nữ chưa yêu ai, nếu là ở trung tâm thì người phụ nữ đó còn tự do, nếu khăn vấn nhô ở bên trái thì cô ấy đã yêu một ai đó.

Gwo ka là thể loại âm nhạc truyền thống với tiếng trống và có nguồn gốc từ thời kỳ thuộc địa. Cái tên Gwo ka xuất phát từ chữ Crô – kha của người Creole có nghĩa là “cái trống lớn” – loại trống đóng vai trò trung tâm trong thể loại nhạc Gwo ka. Khi chơi loại nhạc cụ này, người ta thường dùng 2 tay vỗ lên mặt của nó. Người Creole cũng dùng trống để thông tin liên lạc và biểu lộ cảm xúc.

Gwo ka là loại trống lớn đóng vai trò quan trọng trong một thể loại nhạc cùng tên

Khi người nô lệ châu Phi được đưa đến Guadeloupe, họ không được mang theo nhạc cụ nào cả trong khi ở quê nhà trống là loại nhạc cụ phổ biến. Vì thế, họ đã dùng những miếng da dê căng ra thật thẳng rồi phủ lên bề mặt cái thùng rỗng bằng gỗ chứa hàng. Với sự sáng tạo, họ đã biến những cái thùng gỗ thành nhạc cụ. Loại nhạc cụ này từng bị cấm sử dụng trong một khoảng thời gian dài vào thời thuộc địa vì nhà cầm quyền sợ tiếng trống mạnh mẽ thúc giục người nô lệ vùng lên đấu tranh giành quyền tự do. Người nô lệ da đen đã gửi gắm tâm tư của họ qua tiếng trống. Ngoài ra, họ còn thể hiện những tình cảm, tình yêu, niềm vui, công việc qua bài hát.

Thanh Trúc
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *