Gần 25 năm nay, người Sài Gòn đã quá quen thuộc với một giọng nói của người Hà Nội – phát thanh viên Thuý Hoa. Chị cùng gia đình chuyển công tác vào Sài Gòn từ năm 1986. Từ đó đến nay, đài Truyền hình thành phố có thêm một gương mặt phát thanh viên với giọng Hà Nội truyền cảm.

Chị đã bén duyên với đài Truyền hình thành phố như thế nào?

 Từ năm 1977, tôi đã là phát thanh viên của đài Tiếng nói Việt Nam. Đến năm 1986, ông xã tôi vốn là huấn luyện viên thể thao và phải chuyển công tác vào Sài Gòn. Ông ấy và cô con gái lớn đi trước. Còn tôi sau khi được giới thiệu và đến HTV để thử hình, được chấp nhận thì chuyển công tác vào sau. Trước tôi, cũng đã có hai phát thanh viên trong đài truyền hình nói giọng Bắc, tôi là người thứ ba, may mắn là đáp ứng được yêu cầu của đài cả về tiếng và hình. Và từ đó đến nay, tôi gắn bó với màn ảnh truyền hình của người dân thành phố.

Khi đó, chị có bất ngờ không khi một giọng Bắc lại được chọn để làm phát thanh viên cho đài Truyền hình TP.HCM?

Cũng có đôi chút thôi. Trước tôi có chị Việt Hà nói giọng Bắc cũng rất hay. Khi tôi bắt đầu công việc, thì cũng nghĩ đơn thuần là yêu cầu công việc, đọc những mảng thời sự chính luận thì cần một giọng Bắc rõ ràng. Những ngày đầu làm việc, tôi chỉ cần điều chỉnh đôi chút để phù hợp với công việc mới. Trước làm phát thanh, chỉ cần ngồi trước micro và nói sao cho tròn vành rõ chữ, có ngữ điệu và cảm xúc. Nhưng khi làm truyền hình, giọng nói không cần quá trau chuốt nữa mà phải chú ý đến hình thức biểu cảm gương mặt. Về giọng nói, ban đầu tôi nói hơi nhanh, đôi khi người Nam chưa nghe được nên phải giảm tốc độ đọc và nói, hơi chậm lại một chút vì mọi người cũng thích một giọng Bắc chậm rãi, khoan thai. Từ sự hơi trau chuốt ban đầu đi đến sự tự nhiên mềm mại, dần dần tôi cũng đã nhận được thiện cảm từ mọi người.

Phát thanh viên Thúy Hoa

Tôi vẫn còn nhớ, thời gian đầu các anh biên tập, quay phim trong đài cũng khuyên nên nói lai lai một chút giọng Nam cho người Nam dễ nghe. Nhưng thực sự tôi không làm được. Tôi nói, có thể bảo tôi hát vài ba câu cải lương không vấn đề gì, nhưng để tôi nói giọng lai thì quả thực tôi không làm được.

Vậy gần 25 năm qua, sống ở nơi đây chị cảm thấy thế nào khi tiếp xúc với những giọng nói lai Bắc – Nam khác?

Nghề của tôi tiếp xúc với rất nhiều người. Trước kia, tôi cũng hơi khó chịu khi gặp những người nói giọng lai, trong lòng cứ tự hỏi “tại sao phải thế nhỉ?” Nhưng sau này thì khác, tôi chỉ còn cảm thấy khó chịu khi gặp những người lớn tuổi, những người từ thế hệ của tôi trở lên mà nói giọng lai thôi, còn các bạn trẻ thì phải thông cảm. Thế hệ tôi lớn lên và học hành ở Hà Nội, giọng nói đã hình thành trọn vẹn rồi. Còn các bạn trẻ, có khi các bạn là người Bắc nhưng sinh ra và lớn lên ở đây, họ bắt buộc và bị lai giọng nói một cách vô thức, vì đôi khi cũng không rõ đâu là chuẩn cả. Chúng ta có lẽ cũng không nên khắt khe quá với họ. Bản thân tôi cũng là người kỹ tính, nhưng khắt khe thì nên đối với chính bản thân mình thôi và phải cảm thông với người khác.

Chị nhìn thấy điều này từ chính gia đình của mình chăng?

Vâng. Ngày xưa, các con tôi về nhà cũng nói giọng lai, tôi buồn lắm. Nhưng các cháu cũng tâm sự, “con không nói thế đến trường các bạn không hiểu, không chơi với con”. Thì phải hiểu cho các con thôi. Nhưng có nguyên tắc, ở ngoài xã hội các cháu cứ nói như các cháu muốn, còn về nhà nói giọng Bắc với bố mẹ.

Vậy trước đây, khi còn thiếu nữ sống ở Hà Nội, chị có được gia đình rèn giũa về lời ăn tiếng nói không?

Có chứ. Gia đình tôi ở Hà Nội có 11 anh chị em, bữa ăn nào cũng phải mời đủ bố mẹ, anh chị mới được cầm đũa lên. Ngày đó chưa có điện thoại, mỗi lần cần sang nhà các bác mời hoặc truyền đạt điều gì đó của bố mẹ, thì các cụ phải dặn từng li từng tí. Bấm chuông ra sau, khoanh tay chào bác thế nào, thưa gửi nói năng như thế nào với bác. Thậm chí các cụ còn hỏi lại cho thuộc rồi mới cho tôi ra khỏi nhà…

Chị không thay đổi giọng nói của mình. Vậy trong cuộc sống hàng ngày, liệu có gặp khó khăn nào không trong giao tiếp?

Tôi đi chợ, đúng là đôi khi vẫn phải chú thích khi hỏi mua quả doi, quả mận, mớ rau mùi ta, mùi tàu, quả trứng… Nhưng không sao, dần dần thì mọi người cũng hiểu cả thôi. Tôi đã gắn bó với màn ảnh thời gian dài quá rồi, chính thông qua những lá thư hoặc tình cảm của những người bình dân trong xã hội tôi mới hiểu, họ mong muốn tôi giữ được một giọng Hà Nội thật chuẩn không bị lai tạp… Hàng ngày tôi đi bộ đi làm, bước ra đường là được bác xe ôm, thậm chí những người chờ đèn đỏ gật đầu chào làm tôi rất cảm động. Có thời gian công việc bận rộn, tôi không có thời gian đi chợ mà lên danh sách cho con đi mua. Các cháu có thể ra chợ, mua đồ ăn mà không phải trả tiền. Các chị bán hàng nói, con mẹ Hoa thì cứ mang về đi cuối tháng trả tiền, mẹ vẫn ở trên tivi có chạy đi đâu mà sợ!

Ngần đó năm sống, chị thấy ngoài giọng nói còn tính cách Hà Nội nào và đã có thêm tính cách Sài Gòn nào trong mình?

Tôi thấy người Bắc ở đâu cũng vẫn giữ được những sự thăm hỏi và nhu cầu chia sẻ trong cuộc sống. Lúc nào cũng thích tâm sự, từ những khó khăn trong cuộc sống cho đến những chuyện vụn vặt ngày thường. Trong khi ấy, người Nam thì suy nghĩ mọi điều đơn giản hơn, ít có cảm giác thành quan tâm thái quá như người Bắc. Ngày lễ tết chẳng hạn, người Bắc vẫn giữ cái lệ phải điện thoại, thăm hỏi quà cáp và chúc tụng nhau. Nhưng người Nam sẵn sàng dành những ngày nghỉ ngơi đó để đi du lịch. Tôi vào Sài Gòn, tuy bản chất và con người mình là Hà Nội rõ rồi, nhưng ngoài những thứ thuộc về nề nếp gia phong thì vẫn thế, nhưng tính cách và con người thì cũng có những thay đổi. Trước kia ở Hà Nội, mình ăn diện hơn một chút, thoa son môi hoặc đánh móng tay là có người hỏi ngay “Hôm nay đi đâu đấy?” Trong khi ấy, ở Sài Gòn chỉ đơn giản là một lời khen ngợi “Bộ đồ chị đẹp quá?” hay “Hôm nay chị xinh vậy?”… Mọi thứ nó không còn cắc cớ với nhau nên tôi cảm thấy thoải mái. Mình được là mình hơn, với những tính cách được bộc lộ thoải mái hơn, không còn phải nhìn trước ngó sau, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói nữa. Tôi được phát huy và không còn phải nén mình, thực sự sống như mình muốn. 

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *