Sau một thời gian dài “ngủ đông” đón Tết Tân Mão, giờ đây các sân khấu kịch ở Hà Nội mới ồ ạt ra quân. Ngay cả sân khấu kịch truyền thống cũng liên tục cho ra những vở diễn mới phục vụ công chúng.
“Công việc chính của nhà hát hiện nay là tìm kịch bản để dựng vở. Tuy nhiên, từ những ngày đầu xuân, chúng tôi đã rất bận rộn với những show diễn tại các lễ hội”, đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai, Nhà hát Cải lương Việt Nam, cho biết.
Tấp nập dựng vở mới
Trong những ngày Tết, phần lớn thời gian của mọi người là dành cho gia đình bạn bè, ít ai đi đến các tụ điểm giải trí. Nhưng sau Tết sẽ là thời điểm “ăn chơi nhảy múa”, nào thì đi lễ hội, nào thì đi xem phim, xem kịch… Chính vì thế mà các sân khấu kịch phía Bắc đã phải gấp rút tìm kiếm kịch bản, dàn dựng vở mới nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Hiện nay, các nhà hát như: Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trung ương… đều đang ráo riết hoàn tất các vở diễn. Điển hình là cuối tháng hai tới, Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ ra mắt công chúng Đời cười 10 với chủ đề Sợ ngược. Ông Trương Nhuận, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, Sợ ngược gồm bốn tiểu phẩm: Cả nhà sợ cháu dâu, Người ngay sợ kẻ gian, Quan sợ lính, Ông chủ sợ ô sin. “Những tiểu phầm hài hước này nhằm cảnh báo những mối nguy của việc xuống cấp đạo đức trong xã hội hiện nay”, ông Nhuận tiết lộ.
NSND Lê Hùng, người trực tiếp đạo diễn chùm hài kịch này nhận định, Sợ ngược là mối nguy của xã hội. Nhìn đâu cũng thấy rõ hiện tượng sợ ngược, điển hình là chủ sợ giúp việc, thủ trưởng sợ kế toán trưởng, mẹ chồng sợ nàng dâu… “Tôi đưa “căn bệnh” này vào Đời cười hy vọng sẽ mang tiếng cười ý nghĩa đến với đông đảo công chúng”, NSND Lê Hùng nói.
Sau Đời cười 9 của Nhà hát Tuổi Trẻ chuẩn bị cho ra mắt Đời cười 10. |
Ngoài chùm Đời cười, đạo diễn Lê Hùng cũng đang dàn dựng vở Đêm của bóng tối cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn này cũng sẽ hoàn thành vào cuối tháng hai này. Tiếp đó là hàng loạt các chương trình ca nhạc hài kịch dành cho thiếu nhi sẽ lên sàn tập.
Theo đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai, hiện Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đang dàn dựng những trích đoạn, tiểu phẩm mới để đi diễn cho các lễ hội.
Tiếng cười hiện đại xen lẫn lịch sử
Đời cười 10 với ý tưởng là những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hiện đại. Theo đạo diễn Lê Hùng, để có được ý tưởng cho vở diễn, đối với vị đạo diễn này cũng không mấy khó khăn, bởi ra đến ngoài đường là đã bị những cảnh tượng này đập ngay vào mắt. Vô vàn những ý tưởng đang xảy ra trong cuộc sống.
“Cứ nhìn mọi người tham gia giao thông sẽ thấy có người phóng xe vù vù, lạng lách, tưởng như vội lắm, nhưng thực ra là vội đến quán cà phê. Có người lại vội vã làm giàu bằng mọi cách, xong rồi ngồi tù… Những cái vội đó chẳng để làm gì. Do đó, cái quan trọng là người nghệ sĩ phải tinh để nhặt ra những thứ cần thiết đưa lên hài”, NSND Lê Hùng chia sẻ.
Xen lẫn tiếng cưới sảng khoái trong những ngày đâu xuân là những vở diễn, những trích đoạn mang tính lịch sử hấp dẫn. Ví như vở Đêm của bóng tối của tác giả Lê Chí Trung là kịch lịch sử, nói về nỗi oan khuất của Nguyễn Thị Lộ.
Theo đạo diễn Quỳnh Mai, các vở diễn, trích đoạn, tiểu phẩm nhỏ mà nhà hát chị dàn dựng lưu diễn tại các lễ hội cũng đều là kịch lịch sử như: Cung phi điểm bích, Chọn đời trung hiếu với Thăng Long, Gươm thiêng trao trả hồ thần…
“Hiện giờ tôi thường dựng các vở về lịch sử. Đặc biệt, vùng Kinh Bắc ba tháng đầu năm bao giờ cũng là mùa lễ hội nên thường được các địa phương thường mời đoàn về biểu diễn. Họ muốn tìm lại những tích tuồng xưa cũ hoặc tái hiện lại những hình tượng nhân vật đã có trong lịch sử. Những vở diễn này sẽ dễ hòa nhập với không khí lễ hội”, đạo diễn Quỳnh Mai, cho biết.
Cũng theo đạo diễn Quỳnh Mai, song song với dựng vở cho mùa lễ hội, Nhà hát cũng tiến hành chọn kịch bản để dựng những vở diễn đoàng hoàng để phục vụ cho khán giả trong mùa này.
Theo datviet