Không đóng phim, cuộc sống hiện nay của chị được mô tả như thế nào?

Êm đềm, gái hai con một chồng (cười). Cậu đầu tiên 15 tuổi với tên gọi ở nhà là Còm, cậu thứ hai 5 tuổi gọi là Bin (bởi lúc sinh cháu thì Bill Gates sang thăm Việt Nam và tôi nghiệm thấy ai tên Bill cũng đều…giỏi cả như Bill Clinton cũng thế).

Tôi vẫn công tác ở Nhà hát kịch Hà Nội. Đã bỏ kinh doanh, sống nhờ chồng là chủ yếu (cười) và yên tâm chăm sóc gia đình nhỏ. Sáng 5h dậy tập thể dục với CLB khí công Thăng Long võ đạo ở Bờ Hồ đến 6h30 thì bắt đầu chợ búa con cái rồi chiều đón con. Đợt nào nhà hát có vở thì chiều tập, tối diễn. Đây là quãng thời gian tôi thấy yên bình và hài lòng.

Nếu trở lại với dự án phim dài ngày, gia đình chị có ủng hộ?

Chồng tôi là một người rất yêu nghệ thuật. Anh ấy luôn ủng hộ nhưng cũng thừa biết rằng tôi không dám bỏ thằng cu mà đi đóng phim. Cu cậu mới 5 tuổi nhưng rất sốt ruột với công việc của mẹ. Năm ngoái, thấy trên Tivi có trao giải diễn viên, cu cậu hét lên: “Mẹ ơi! Mẹ không đi trao giải à, người ta trao hết rồi kia kìa”. Với Bin, ở đâu cũng là đoàn kịch của mẹ và thích mẹ xuất hiện trên tivi. Có điều, mẹ của Bin thì chưa thể dứt cu cậu ra được để lên tivi thôi.

Để có giây phút êm đềm như hiện nay, cuộc sống của chị cũng đã trải qua nhiều sóng gió, đổ vỡ. Đó có phải là thời điểm khó khăn nhất của chị?

Tôi không muốn nói nhiều về gia đình, nhất là những gì đã lành vết thương theo thời gian. Làm lại thật là khó nhưng không phải là không thể và khi có được, nó cũng đầy dư vị ngọt ngào. Quả thực, đã có thời điểm tôi rơi vào trạng thái trầm cảm, biết được khi con người quá buồn thì như thế nào, cứ lặp đi lặp lại một hành động, luôn phản ứng lệch lạc. Đó là thời điểm trong vali luôn chứa một chai rượu Whisky rất nặng để uống cho quên đi.

Thế nhưng thật lạ, cứ mỗi lần định uống cho quên đi thì lại ngồi suy nghĩ, lại tự vấn không cho phép mình được lãng quên, phải tự nhủ mình không được ích kỷ sống cho riêng mình, còn con cái, còn mẹ, người thân…Quả thực, “nghệ thuật cứu rỗi linh hồn”, công việc làm tôi không còn sức để mà buồn. Thời điểm đó ngoài việc nhà hát, kinh doanh, tôi nhận lời vào vai Tân trong Đường đời. Điều lạ là cứ mỗi lần buồn lao vào công việc thì thường rất thành công, Tân trong Đường đời cũng vậy, thật vui vì khán giả đã yêu thích nhân vật này.

Thành danh ở Sài Gòn trước với dòng phim thị trường rồi mới khẳng định tên tuổi nhờ hai giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất với hai phim Nhà nước là Lá ngọc cành vàngCanh bạc. Thời điểm đầu tiên vào Sài Gòn của chị như thế nào?

Đúng là tôi thành danh ở dòng phim thị trường (thời điểm đó gọi là phim Mì ăn liền) trước nhưng phim đầu tiên ở Sài Gòn lại là một bộ phim của đạo diễn Long Vân, Hẹn gặp lại Sài Gòn với vai Út Vân. Lúc đó mộc mạc lắm. Gần đây có gặp đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, đạo diễn nói với người khác về mình thời điểm đó là: “Ngày ấy nó đi đóng phim, suốt ngày tóc búi ngược cắp ở nách một bên là túi thịt chó và một bên là chai rượu….”.

Cả thời gian dài đóng phim ở Sài Gòn chỉ biết mỗi cái địa danh Đồn Đất là do toàn bị các anh trong đoàn làm phim sai đi mua thịt chó. Sau Hẹn gặp lại Sài Gòn, tôi cũng được mời đóng nhiều phim thị trường ở Sài Gòn. Mới vào, thấy mình lạc lõng, nghèo nàn và tự ti, khó hòa nhập. Tính tình thì quân đội, quy-lát, toàn đến sớm nhất đoàn.

Cũng may, nhờ việc này mà có thời gian chuyện trò làm quen với mọi người trong đoàn nên sau đó nhận được nhiều tình cảm của mọi người. Nhóm thân nhất giai đoạn đó của tôi là gồm Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh và Quyền Linh. Đó là một sự đồng cảm lớn bởi chúng tôi đều từ quê lên, nơi khác đến và cùng hoàn cảnh mồ côi…nên gần gũi nhau hơn.

Thời điểm đó, trên báo chí nhan nhản hình ảnh chị và Lê Công Tuấn Anh, người ta còn đồn là anh chị “có gì” với nhau đúng không?

Nghệ sỹ thường phải sống với tin đồn. Có tin đồn dở, có tin đồn…tốt. Ví dụ như tôi mở cửa hàng áo cưới thì cũng không cần quảng cáo người ta cũng biết “Thu Hà mở cửa hàng áo cưới đấy”. Tôi với anh Lê Công Tuấn Anh là chơi trong nhóm chung và đóng cặp nhiều đến nỗi đôi khi không nhớ hết, cứ nhầm lẫn phim này sang phim kia.

Lê Công Tuấn Anh là một người rất yêu nghề và sống hồn nhiên. Có tiền cũng như lúc không có tiền, ai kêu khó khăn thì anh ấy dốc cả túi ra cho. Tôi nhớ thời anh ra làm phim ở ngoài Bắc, ở làng Nhị Khê bên Hà Đông. Cứ tưởng rằng một diễn viên trong Nam đang quen sống sung sướng, cát-xê cao ngất thì khó hòa nhập. Nào ngờ anh ấy cũng lăn lóc cùng đoàn làm phim, cũng sáng ra làm một bát cơm rang như mọi người rồi vào việc.

Năm anh ấy mất, tôi sinh cháu đầu, nhà còn ở chợ hoa Quảng Bá. Cả đêm mất ngủ vì nghe tin dữ lúc chiều, nghe râm ran từ đêm về sáng các câu chuyện của các bà bán hoa đều xoay quanh chủ đề về sự ra đi đột ngột của anh ấy.

Tò mò một chút, cát-xê của chị lúc đó là bao nhiêu?

Rẻ lắm, phim đầu có mấy triệu thôi. Tính tôi không biết làm giá. Sau này thì cứ nghe ngóng rồi để họ tự trả, thường là 30-40tr/ 1 phim.

Đẹp và nổi tiếng. Chắc hẳn trong vô vàn câu chuyện về những người hâm mộ chị, phải có một điều gì ấn tượng, đáng nhớ?

Cách đây 10 năm, có một lá thư được gửi đến nhà hát kịch cho tôi, đó là lá thư khiến tôi sợ và không tin là thật. Lá thư đó kể rằng anh ta là một sinh viên ở Quảng Ngãi chuyên ngành thú y, yêu phim ảnh, thần tượng tôi và yêu một cô gái cùng trường – theo anh ta mô tả là giống Thu Hà lắm rồi cưới làm vợ sau khi ra trường.

Thế nhưng một thời gian, cô ấy bỏ anh. Buồn, anh ấy bị tâm thần và đi lang thang khắp nơi tìm mẫu người giống Thu Hà. Một thời gian, anh tìm tới nhà hát tôi đang đầu quân. Thấy thần tượng của mình vẫn mạnh khỏe và có công việc ổn định, anh thấy vui và viết lá thư này.

Lá thứ thứ 2 và 3 gửi đến khiến tôi bắt đầu tin đó là câu chuyện thật. Sau một năm, anh viết thư kể là mình đã không bỏ nhà ra đi nữa, bắt đầu uống thuốc, dần bình phục, bắt đầu đi làm lại và cũng mua được một số vật dụng cho gia đình. Lúc đầu mình sợ, sau thì thấy thương và trân trọng.

Trong cuộc trò chuyện, nhiều lần chị nhắc đến “chất lính” của mình. Đó là gì?

Mộc mạc, chân thành, chu toàn và nghiêm túc trong công việc. Sau khi thi đỗ diễn viên, mình hoạt động 6 năm trong môi trường quân đội tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 2. Ăn ngủ đúng giờ, làm việc theo hiệu lệnh. Duy nhất lớp chỉ có 2 người được “đặc cách” lên sỹ quan chuyên nghiệp là mình – nhỏ tuổi nhất lớp và anh lớp trưởng.

Sau này, khi đầu quân cho Nhà hát kịch Hà Nội, những ngày 22/12 mình vẫn được nhận quà là một cái phong bì 50.000đ thay cho bó hoa. Nhỏ thôi nhưng thấy rất vui, mọi người trong đoàn gọi mình là “cựu chiến binh”. Cũng không chỉ có tên gọi, rất nhiều lần mình được các bác ở hội Cựu chiến binh rủ tham gia cùng hoạt động. Cũng ghé qua một lần nhưng thấy các bác toàn lính Trường Sơn chống Pháp chống Mỹ, thấy mình lạc lõng nên lại thôi. (cười)

Tại sao ngày đầu thi diễn viên, chị lại chọn đoàn Nghệ thuật Quân Khu 2 chứ không phải một trường đào tạo hay một đoàn kịch nào?

Ngày bé mình thích diễn viên lắm, suốt ngày chỉ ngồi vẽ các diễn viên và hình ảnh trong phim. Thần tượng chị Trà Giang nhưng hay vẽ nhất là Như Quỳnh và Trần Vân. Vẽ đủ các hình ảnh trong bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Nhưng thích vậy thôi, không nghĩ cuộc sống mình sau này sẽ làm nghề đó.

Nhà mình gần nhà một ông hàng xóm yêu văn nghệ và trong đợt đoàn Nghệ thuật quân khu 2 về tuyển diễn viên múa và kịch nói, ông cho con gái đi thi, thuyết phục cũng như chở phăng mình đến đoàn thi tuyển. Thử, vậy mà đỗ cả múa lẫn kịch nói. Khi họ hỏi chọn một trong hai, nghĩ đến có thể làm diễn viên nên mình chọn kịch nói. Giá như lúc đó mình biết chị Lê Vân cũng từ diễn viên múa chuyển sang đóng phim hì có lẽ đã chọn múa rồi.

Xin cảm ơn chị!

Theo thegioidienanh, tintuconline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *