Cuộc sống bình dị hiện nay của nghệ sĩ Hồng Nga

Hài trong nước mắt

Ngẫm lại cuộc đời mình, Hồng Nga tóm gọn chưa đầy mười từ: “Nước mắt nhiều hơn những nụ cười”. Bởi, những khóc –cười trên sân khấu cũng là những khóc cười cho thân phận của cô đào mụ Hồng Nga. Cha mất khi Hồng Nga mới ba tuổi, mẹ đi thêm bước nữa, 12 tuổi cô bé Đinh Thị Nga phải đi gánh nước mướn, đi bán hàng rong rồi được cho đi làm con nuôi. Được ba nuôi của mình là ông Tám Đen, vốn là thầy đờn, dạy cho các bài bản đờn ca tài tử rồi gửi gắm cho người bạn thân của ông là nhạc sĩ Văn Vĩ, cô bé Nga chập chững theo nghề. Không nhan sắc như các diễn viên cùng thời, tạng người cũng không dễ nhìn nên bà chấp nhận làm những công việc hậu trường, ngâm thơ, làm tì nữ. Mười bảy tuổi, lần đầu bà được giao vai mụ, và cái kiếp đào thứ, vai mụ đã theo bà cho đến tận bây giờ… Đã qua biết bao thăng trầm của sân khấu cải lương, vậy mà chỉ với vai đào mụ chưa có ai thay thế được Hồng Nga trong lòng khán giả.

Người ta quen gọi Hồng Nga là diễn viên hài, bởi hàng trăm vai hài mà bà thể hiện khiến khán giả cười ngặt nghẽo nhưng bà cũng là diễn viên lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Còn nhớ, trong liveshow “Hồng Nga – 48 năm nụ cười và nước mắt” cách đây hai năm, khán giả chưa kịp lắng cảm xúc với vai bà mẹ suốt đời hy sinh cho con nhưng ngày nhiều tuổi lại bị các con hắt hủi khiến khán giả phải nghẹn ngào tuôn trào nước mắt. Còn trên sân khấu, bà đã khóc như mưa, khóc nức nở và buồn tủi vì không biết đó là đời hay vai diễn và đó cũng là câu chuyện thầm kín mà bà thổ lộ với những người làm phim…

Tâm huyết với nghề

Bà cũng từng mất con, mất đến hai đứa con bà rứt ruột đẻ ra mà gần hai mươi năm sau bà mới có cơ hội tìm gặp lại. Ngày đó, bà nghèo khổ, bà phải gửi Tâm và Nhung, hai đứa con gái đầu chỉ hơn 10 tuổi cho người thân chăm sóc. Giải phóng Sài Gòn, gia đình người thân đưa hai con gái của bà ra nước ngoài và mất liên lạc. Nỗi đau mất con theo bà suốt chừng ấy năm cho đến ngày gặp mặt. Các con không nhận bà và cũng không còn nói được tiếng mẹ đẻ bởi khoảng cách thời gian và không gian. Bà không trách chúng, bà chỉ trách mình…

Nhiều năm nay, bà về sống hẳn ở Lái Thiêu, Bình Dương. Ngôi nhà nhỏ, yên tĩnh và đơn sơ ở đây, một tay bà gầy dựng và vun vén. Đó là sản nghiệp mấy mươi năm đi hát đầy những đoạn trường của bà. Cuộc sống của nghệ sĩ Hồng Nga bình dị hơn người ta tưởng. Sau những chuyến đi biểu diễn dài ngày, bà thường ở nhà chăm sóc cây cối trong vườn, vui vầy với đứa cháu nội, thanh đạm với những bữa cơm chay cùng người giúp việc tận tuỵ. Nợ tang bồng, những đau khổ của một kiếp làm người bà thả trôi theo những tiếng cười giòn tan, những giọt nước mắt tủi buồn trên sân khấu. Bốn lần bà tìm cho mình một bờ vai để tựa vào là bốn lần bà đơn độc nuôi năm đứa con thơ. Bà không trách ai, vì với bà đó là số phận.

Ở tuổi 65, nghệ sĩ Hồng Nga vẫn còn nhiều tâm huyết với nghề. Từ một cô bé mồ côi cha đi bán hàng rong đến một nghệ sĩ Hồng Nga với những vai mụ lấy đi nhiều nước mắt, nụ cười của khán giả là một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ. Nghề hát đã cho bà một kiếp khóc cười…

Theo sgtt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *