Bên bờ hạnh phúc

Các chuyên gia cảnh báo nhiều loại dịch bệnh mặc dù ít thấy xuất hiện, nhưng mầm bệnh vẫn luôn có sẵn và chực chờ tấn công các đối tượng có hệ miễn dịch non nớt như trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh nếu trì hoãn, tiêm trễ lịch.

Tối 8/9, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện Chương trình Tư vấn trực tuyến chủ đề “Lao, Rotavirus, Phế cầu và các bệnh nguy hiểm ở trẻ sau khi chào đời”. Chương trình thu hút hàng ngàn lượt xem và hàng trăm câu hỏi từ hàng trăm khán giả gửi về. Rất nhiều câu hỏi trong số đó xoay quanh lo lắng vắc xin đầu đời như lao, phế cầu, Rota, phản ứng phụ, trễ lịch tiêm, tâm lý chờ đợi.

Các câu hỏi, thắc mắc của nhiều phụ huynh trên đã được các chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn trực tiếp, các chuyên gia gồm: ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Tô Vũ Thiên Hương, Bác sĩ Trung tâm Sơ sinh và ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc, Bác sĩ khoa Nhi cùng thuộc BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Độc giả quan tâm có thể xem lại chương trình tại đây

Buổi tư vấn trực tuyến về “Lao, Rotavirus, Phế cầu và các bệnh nguy hiểm ở trẻ sau khi chào đời” diễn ra 20 giờ tối 8/9.

Mở đầu chương trình, ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc đã lý giải trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ, hệ thống niêm mạc đường hô hấp, da, hệ thống tiêu hóa còn non nớt, mỏng manh. Thêm vào đó, tế bào miễn dịch chưa trải qua “quá trình luyện tập”, kháng thể chưa toàn diện nên trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Các bệnh mà trẻ thường gặp vào các năm đầu đời liên quan đến đường hô hấp trên như viêm tai giữa, viêm mũi họng, bệnh về đường hô hấp dưới là viêm phổi, bệnh lý tiêu hoá như tiêu chảy do trực khuẩn lỵ, Rotavirus và các bệnh truyền nhiễm như viêm não.

Ngoài chăm sóc, theo dõi sự phát triển của con, các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh nên chủ động phòng ngừa bệnh tật cho bé bằng vắc xin. Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) hiện đã có 8 loại vắc xin, phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nên tiêm đúng và đủ lịch, tránh tâm lý “chờ vắc xin” mà bỏ qua lịch tiêm chủng của trẻ.

ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC

ThS Nguyễn Diệu Thúy cảnh báo việc tiêm đầy đủ, đúng lịch sẽ bảo vệ trẻ sớm hơn và cho hiệu quả tối ưu hơn, trẻ có thể bỏ qua cơ hội phòng bệnh nếu trì hoãn, chờ đợi vắc xin. Ví dụ, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 nếu tiêm đúng lịch vào 2, 3, 4 tháng tuổi thì hiệu quả bảo vệ đến 99%. Ngược lại, nếu trì hoãn tiêm, chỉ mới tiêm một mũi thì hiệu quả của vắc xin sẽ không được tối ưu và kéo dài. ThS Thúy phân tích nếu chỉ tiêm một mũi vắc xin 6 trong 1 thì hiệu quả bảo vệ đối với bệnh bại liệt chỉ đạt khoảng 40%, bạch hầu và ho gà chỉ đạt 30% và sởi chỉ đạt 80-85%.

“Tiêm trễ lịch vô hình chung làm bé có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đúng lịch sẽ tốt hơn”, ThS Thúy nhấn mạnh.

Tại buổi tư vấn trực tuyến, vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ được nhiều độc giả quan tâm và đặt câu hỏi. Trong đó, một phụ huynh đã nhờ BS Tô Vũ Thiên Hương tư vấn về tình trạng của bé trai năm tuổi phải nhập viện sau 5 ngày tự uống kháng sinh ở nhà.

BS Hương cho biết ngày càng có nhiều các loại vi khuẩn, virus gây bệnh truyền nhiễm có tính kháng kháng sinh cao, điển hình như vi khuẩn phế cầu gây các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa. Theo BS Hương, việc người dân tự ý mua thuốc có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh và ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng có thói quen uống không đủ liều kháng sinh khiến vi khuẩn không chết hẳn mà có thể đột biến gen, sinh ra nhiều chủng kháng lại kháng sinh. Về lâu dài kháng sinh không còn tác dụng với nhóm bệnh đó, nếu không may mắc bệnh, trẻ phải dùng liều cao hơn hoặc mạnh hơn hoặc phải đổi loại kháng sinh.

“Chưa kể tình trạng bé trở nặng hơn, không đáp ứng kháng sinh. Em bé trải qua đợt điều trị kháng sinh mới, thời gian điều trị kéo dài, gia tăng chi phí gánh nặng. Vì vậy, điều trị các bệnh truyền nhiễm cho bé không thể dựa vào kinh nghiệm hay các bài thuốc dân gian mà cần có sự hỗ trợ của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc”, BS Hương nhấn mạnh.

BS.CKI Tô Vũ Thiên Hương, Bác sĩ Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Liên quan đến tình hình bạch hầu bùng phát ở một số tỉnh phía Bắc và đã có ca tử vong, các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên lơ là việc phòng bệnh cho trẻ.

ThS Nguyễn Diệu Thúy cho biết bạch hầu đã lâu không thấy xuất hiện, nhưng không biến mất, vẫn còn trong cộng đồng và trong người mang mầm bệnh mà không có biểu hiện. Khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng giảm đi thì dịch sẽ bùng phát. Bạch hầu có thể mắc ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ và gây nhiều biến chứng. Trong đó, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh nếu không được phát hiện điều trị kịp thời tỷ lệ tử vong cao đến 10%, hoặc thậm chí đến 20% dưới 20 tuổi, người trên 40 tuổi.

Các chuyên gia cũng nhắc nhở, dù là phòng bệnh hay điều trị bệnh cho trẻ đều không quên các quy tắc an toàn như vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ môi trường thoáng mát, giữ khoảng cách với người có nguy cơ mắc bệnh, khi ho, hắt hơi phải che miệng…

Không chỉ tiêm chủng đầy đủ vắc xin cho trẻ sơ sinh, phụ nữ chuẩn bị và đang mang thai cũng rất cần tiêm nhiều loại vắc xin quan trọng để truyền kháng thể cho con qua nhau thai hoặc qua sữa mẹ, ThS Nguyễn Diệu Thúy khuyến cáo: “Với phụ nữ mang thai nên được chích ngừa đầy đủ vắc xin sởi- quai bị – rubella, cúm, thủy đậu, viêm gan B,… để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, tránh nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sảy thai, sinh non…”

Hiện, gần 130 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước đang có hơn 40 loại vắc xin, phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và người lớn, bao gồm cả các vắc xin có trong chương trình TCMR và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Trẻ khi đến tiêm chủng VNVC sẽ được tư vấn khám sàng lọc hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, hệ thống nhắc lịch tiêm qua tin nhắn điện thoại hoặc Mobile App VNVC sẽ hỗ trợ phụ huynh tiêm đúng và đủ phác đồ cho bé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *