Bên bờ hạnh phúc

Theo các chuyên gia, tăng huyết áp có thể để lại di chứng nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, và các bệnh liên quan tim mạch… thậm chí tử vong ngay nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. 

Dấu hiệu nào cảnh báo tăng huyết áp? Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trước nguy cơ biến chứng tăng huyết áp? Tất cả thông tin liên quan đến bệnh tăng huyết áp và các nguy cơ biến chứng đã được các chuyên gia Tim Mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Tăng huyết áp: Nguy cơ đột quỵ, suy thận và bệnh tim mạch” vào 20h tối ngày 14/4/2023. Kính mời quý độc giả xem lại chương trình tư vấn tại đây.

Từ trái qua: BS.CKI Lương Minh Thông, ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều và MC Bích Ngọc trong chương trình tư vấn trực tuyến ngày 14/4.

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều – Trưởng khoa Nội Tim Mạch 1, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh chia sẻ, khoảng trên 50% trường hợp người Việt không được phát hiện bệnh sớm. Đáng lưu ý, khi được chẩn đoán tăng huyết áp, chỉ khoảng 40% bệnh nhân tuân thủ điều trị. Và cứ 5 người điều trị bệnh, có 1 người không đạt mục tiêu điều trị như mong muốn.

Việc không được chẩn đoán sớm, không được điều trị kịp thời hoặc điều trị nhưng không đạt mục tiêu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ví dụ biến chứng trên tim mạch: nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, đột quỵ, mất thị lực (bệnh lý về mắt) do Tăng huyết áp kéo dài, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những lầm tưởng về bệnh Tăng huyết áp

ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc – Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, phần lớn trường hợp tăng huyết áp thường được vô tình phát hiện khi đi tiêm chủng hay thăm khám tổng quát hoặc bệnh khác. Nhiều người đến khám khi phát hiện bệnh liên quan tim, thận, mắt,… (do biến chứng của tăng huyết áp) lên cơ quan đích. Đó là những biểu hiện tổn thương các cơ quan mắt, não, tim, thận… Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng khác như nôn ói, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí dấu hiệu tổn thương cơ quan thần kinh như yếu, liệt… tất cả đều là hệ quả tăng huyết áp không được kiểm soát trong thời gian dài.

Nhiều người lầm tưởng tăng huyết áp chỉ xảy ra ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo BS.CKI Lương Minh Thông – Bác sĩ Tim mạch Nhi, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM, tăng huyết áp không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà còn xuất hiện ở trẻ em dưới 13 tuổi. Theo đó, nguyên nhân gây tăng huyết áp ở trẻ nhỏ thường do căn nguyên bệnh lý (tăng huyết áp thứ phát). Khác với tăng huyết áp nguyên phát không rõ nguyên nhân ở người lớn tuổi (chiếm 90%), tăng huyết áp thứ phát ở trẻ em do gắn liền với các bệnh lý bẩm sinh và hoàn toàn có thể điều trị. Tùy thuộc vào căn nguyên của bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phác đồ điều trị khác nhau.

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều khám, tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: Hạ Vũ

Cũng trong buổi tư vấn, ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều chia sẻ phần lớn các nguyên dân dẫn đến biến chứng nghiêm trọng của tăng huyết áp xuất phát từ sự chủ quan, lầm tưởng của người bệnh. Nhiều bệnh nhân không theo dõi chỉ số huyết áp hàng ngày, một số khác tự ý ngưng uống thuốc, thậm chí chia sẻ thuốc điều trị tăng huyết áp cho người thân, bạn bè. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi thuốc điều trị Tăng huyết áp được bác sĩ chỉ định dựa trên chỉ số huyết áp, tình trạng cơ địa và bệnh nền (nếu có) của người bệnh.

“Trong quá trình điều trị tăng huyết áp, người bệnh tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc dù huyết áp ổn định, điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc dùng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Kiều nhấn mạnh.

Điều trị và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp

Theo ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, việc điều trị tăng huyết áp còn dựa vào đối tượng cũng như tình trạng bệnh lý từng cá nhân. Bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát, người bệnh cần duy trì đời sống tinh thần thoải mái, tránh lo âu, stress, lao động quá sức, vận động nhẹ, ăn uống khoa học, không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và duy trì uống thuốc đều đặn mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp tăng huyết áp thứ phát (ở người trẻ tuổi, trẻ em), chủ yếu xuất phát từ bệnh lý liên quan thận, tim, rối loạn thần kinh, béo phì, nghiện xem TV và đồ điện tử, lười vận động… Do đó, người bệnh cần điều trị bệnh lý để chấm dứt tình trạng tăng huyết áp thứ phát.

Người bệnh siêu âm tim kiểm tra sức khỏe tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Hạ Vũ

Để kiểm soát tăng huyết áp, bên cạnh việc tuân thủ điều trị của bác sĩ, các chuyên gia khuyến nghị, người bệnh cần lưu ý: kiểm tra chỉ số huyết áp mỗi ngày, ghi nhận thông tin vào sổ theo dõi huyết áp; thăm khám, tầm soát tăng huyết áp từ sau 40 tuổi với người bình thường hoặc sớm hơn tùy theo bệnh lý mắc phải; thay đổi lối sống lành mạnh, giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, tránh stress, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia…; chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ăn muối, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, bổ sung rau củ quả, trái cây, cá… vào thực đơn hàng ngày. Người bệnh nên duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Đối với người làm văn phòng, nên thực hiện các bài vận động nhẹ, tránh ngồi nhiều một chỗ.

Trong buổi chia sẻ, các chuyên gia lưu ý việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi sát sao các nguy cơ tăng huyết áp ngay từ giai đoạn tiền khởi giúp điều trị hiệu quả, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị hệ thống máy móc hiện đại hàng đầu Việt Nam cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn điều trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.

Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh

Website: https://tamanhhospital.vn

                                                                                                                                                                    Hạnh Nguyễn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *