Mùa lũ đã qua với nhiều ấn tượng trên vùng đất đồng bằng, nhưng trong mắt nhiều  cư dân vùng lũ, đây vẫn là “con lũ khá hiền lành”. Vào mùa lũ, vẫn có nhiều người thích bồng bềnh theo con nước để tìm cảm giác thú vị chi riêng có ở vùng nầy, đặc biệt là do chính nông dân làm du lịch .

Mùa lũ 2011 có đỉnh cao đột ngột, nhưng nhiều cư dân vùng lũ vẫn xem đây là “con lũ khá hiền lành”. Sống cùng với lũ đã là chuyện thường tình, bây giờ nông dân xứ nầy còn đang làm du lịch ngay trong mùa lũ…

 

 Phải nói rằng, An Giang là tỉnh đồng bằng có điều kiện phát triển du lịch , bởi nơi đây vừa có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cùng những đặc sản thú vị của quê hương Nam bộ…

Điều  thú vị là mấy năm nay, du lịch An Giang có hẳn một Dự án du lịch nông nghiệp, do chính  bà con nông dân thực hiện, với  đơn vị hướng dẫn là Tổ chức Hội Nông dân tỉnh An Giang. Nông dân làm du lịch suốt năm,  mùa nước nổi càng hấp dẫn đông vui…

Tuy giữ trọng trách là Phó BQL dự án du lịch nông nghiệp, nhưng anh Tùng cũng làm luôn vai trò một hướng dẫn viên du lịch. Hết đón khách tuor này, anh lại tất bật với tuor khác…Nhiều anh em cùng đảm nhận việc này như anh, nhưng có vẻ như khách đến khá đông nên ai cũng bận như nhau.

 

Chúng tôi đến An Giang  đúng vào thời điểm mà giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai. Địa điểm du lịch và số hộ nông dân tham gia làm du lịch đã nhiều hơn.

Lần này, cùng với đoàn của anh Tùng, chúng tôi đón khách tại Cù Lao Giêng thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Tại đây, du khách có thể tham quan khu di tích Phủ thờ Nguyễn tộc hay còn gọi là Dinh Ba quan Thượng Đẳng. Đây là khu di tích thờ ba anh em họ Nguyễn là Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Kinh và Nguyễn Văn Diện, nhưng người này đã có công lớn với Vua Gia Long, nên được triều đình Nhà Nguyễn sắc phong và coi trọng. Hiện nay, con cháu đời thứ 7, thứ 8 của các ông vẫn đang sống bình dị tại nơi này…

Nhiều du khách sống nơi thành thị , về đầy thích thú  hòa mình với thiên nhiên,  làm những công việc nông thôn dân dã…

Ghé qua đây một chút, hái chỉ khoảng vài kí bắp non, đoàn du lịch vui vẻ trả cho chủ nhà trên 200.000 đồng . Xem ra, sẽ có nhiều bà con nông dân muốn tham gia làm du lịch tại đất nhà.

Đây là đoàn khách gia đình sống ở TP HCM; con cháu của họ lớn lên ở nơi đô thị , ít khi có dịp được về quê du ngoạn thế này.  Về đây là dịp để các em hiểu biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp của bác Tôn, người con của quê hương An Giang, mà còn đến với phong cảnh đồng quê sông nước…

 

Chúng tôi được hướng dẫn đến những hộ nông dân tham gia dự án làm du lịch nông nghiệp , đặc biệt với những hộ làm dịch vụ homestay, rất thú vị.

Họ được dự án hỗ trợ một phần kinh phí để sắm sữa các dụng cụ như giường, ga, mùng, mền, gối,… phục vụ khi khách có nhu cầu ở lại qua đêm.

Du lịch nông nghiệp do nông dân đồng bằng chính gốc hướng dẫn, xem ra không kém phong phú dịch vụ để du khách có quyền lựa chọn. Ví dụ như đi  tour đi xem bà con đánh cá trên sông Vàm Nao,  theo chân phụ nữ miền Tây đi hái bông điên điển…, hoặc làm một buổi tắm bùn phù sa  tát mương bắt cá …. Đến với tuor du lịch nông nghiệp này, du khách có thể đến Mỹ Hòa Hưng trước rồi đi Rừng Trà Sư, hoặc đi ngược lại. Du khách không có nhiều thời gian cũng có thể chọn đi một trong hai , bà con nông dân đều rất nhiệt tình phục vụ.

Hôm ấy, vừa chia tay với đoàn khách gia đình tại Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi cùng anh Tùng gấp rút về Rừng Tràm Trà Sư để hướng dẫn một đoàn , mà anh nói  là “mối ruột “ .  Từ khi anh làm du lịch đến nay, 4 năm rồi, năm nào cũng thấy đoàn nầy đến mua tuor “tham quan mùa lũ ở rừng Trà Sư” .

Thông thường, khách đến Trà Sư sẽ nghỉ lại qua đêm, nên ở đây, các anh trong Dự án cũng bố trí những hộ dân cạnh bìa rừng làm dịch vụ homestay. Những hộ này kiêm luôn việc nấu ăn cho du khách,…

Du khách đến đây, chủ yếu là để thưởng thức hương vị của đồng quê, những món ăn gọi là đặc sản quê nhà. Món quê không cầu kỳ nhưng du khách rất thích, vì thưởng thức giữa rừng tràm, không gian không dễ gì có được.

 Về Nam bộ mà không nghe đờn ca tài tử thì tiếc lắm. Buổi tối, nghỉ lại đây, du khách cũng sẽ được  dịp giao lưu văn nghệ với các câu lạc bộ đờn ca tài tử của địa phương. Thật là thú vị.

Có thể nói, sinh hoạt  mùa lũ tại An Giang đã trở thành nét văn hóa riêng của tỉnh đầu nguồn này. Những năm qua, tỉnh đã có sự đầu tư đúng mức  để khai thác các tour du lịch vào mùa nước nổi,  như tham quan làng bè Châu Đốc, Lễ Hội Búng Bình Thiên, Đua ghe Ngo ở Châu Phú…, trong đó phải kể đến tuor tham quan rừng Tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện biên giới Tịnh Biên này. Đây là một trong những tour thu hút khá đông du khách đến và lưu lại qua đêm với người dân bản xứ. 

 

Với Thầy Gerard Sasges, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học tại Hà Nội, thuộc Chương trình Du học Đại học Califonia, thì rừng Trà Sư và mùa lũ ở An Giang là điểm đến thật hấp dẫn,  để các học trò của thầy có được những bài học thực tiễn về văn hóa và con người Nam Bộ ở Việt Nam.

 

Mấy năm rồi, năm nào thầy cũng đưa một nhóm học sinh của mình đến Rừng tràm Trà Sư đúng vào mùa lũ để tận hưởng những hoạt động như thế này.

Khoảng từ 3 đến 4 giờ chiều là thời gian thích hợp nhất để du khách vào rừng Trà Sư tham quan cảnh rừng… Lúc ấy, trời mát dần và chim cò bắt đầu tìm về tổ trú ngụ. Du khách có cơ hội để thưởng thức không gian thiên nhiên tuyệt với này.

Với tổng diện tích khoảng 850 ha, được bao bọc bởi những tán tràm cao lớn, với hơn 140 loài thực vật, trên 70 loài chim, trong đó có nhiều loại đã vào sách đỏ của Việt Nam, và hàng chục loài thủy sinh khác, cánh rừng gần 30 năm tuổi này không những được bảo vệ tốt mà hiện đang là điểm khám phá của rất nhiều du khách gần xa.

Từ khi được đưa vào khai thác du lịch, cánh rừng này đã đón hàng ngàn du khách. Có lẽ điểm thú vị nhất khi vào đến rừng tràm Trà Sư , đó là du khách được leo lên tháp cao 14 m này để quan sát toàn cảnh khu rừng. Phong cảnh hết sức nên thơ và kỳ diệu.

Có thể nói, loại hình du lịch tại nhà có sự tham gia của người dân, đặc biệt là nông dân , đã không còn xa lạ ở ĐBSCL. Tuy nhiên, du lịch mùa lũ lại là nét riêng và độc đáo của người dân tỉnh An Giang.

Ai đã đến đây rồi sẽ muốn có dịp được quay trở lại,  không chỉ vì danh lam thắng cảnh, mà còn bởi cái đẹp mộc mạc, chất phác và bình dị của người dân vùng này.

Dự án Du lịch nông nghiệp An Giang đang bước vào giai đoạn 2, với kế hoạch mở rộng địa bàn du lịch và tăng thêm số hộ nông dân tham gia. Điều này chứng tỏ, dự án đã khai thác đúng tiềm năng và thế mạnh của địa phương, mang lại hiệu ứng kinh tế xã hội tốt cho cộng đồng, đặc biệt là với bà con nông dân. 

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *