Mắt người không thể nhìn thấy tia cực tím (UV), song loài bướm lại có các tế bào võng mạc đặc biệt nhạy cảm với tia UV và có thể nhìn thấy loại tia này. Thông qua việc nghiên cứu đặc tính vừa nêu của loài bướm, các nhà khoa học Mỹ mới đây đã phát triển cảm biến hình ảnh có thể phát hiện tế bào ung thư.
Ảnh minh họa
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Illinois của Mỹ cho biết, các dấu hiệu y sinh như axit amin, protein, enzyme hiện diện trong tế bào ung thư với nồng độ cao hơn so với các tế bào khỏe mạnh. Khi bị kích thích bởi tia UV, những dấu hiệu y sinh này sáng lên trong một quá trình gọi là tự phát huỳnh quang.
Dựa trên đặc điểm này và lấy ý tưởng từ hệ thống thị giác nâng cao của loài bướm papilio xuthus, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một cảm biến sử dụng đi-ốt quang và các tinh thể nano perovskite có khả năng chụp ảnh các bước sóng khác nhau trong phạm vi tia UV.
Công nghệ hình ảnh mới có khả năng phân biệt giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường với độ tin cậy lên đến 99%. Nhóm nghiên cứu bày tỏ hy vọng, đây sẽ là công cụ đắc lực giúp các bác sĩ loại bỏ khối u trên người một cách hiệu quả hơn./.
Dương Tuyển