Bên bờ hạnh phúc

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với công việc làm thuê ở những ruộng hành, ruộng khoai là hình ảnh về những người lao động nghèo tại xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân. Cuộc hành trình vượt qua nghèo khó cũng vì thiếu vốn liếng đất đai mà trở nên chông chênh hơn với những mảnh đời cơ cực…

Gia đình anh Văn Đắc Lợi, ngụ ấp An Khánh 

Ra riêng ngót chục năm trời nhưng tài sản duy nhất của vợ chồng anh Lợi – chị Diệu trên suốt chặng đường mưu sinh lập nghiệp chỉ là đôi bàn tay cần cù đã nếm trải đủ bao nhọc nhằn, vất vả của đời làm thuê làm mướn. Không ngại khó ngại khổ, người trụ cột như anh luôn xoay sở làm đủ việc để có tiền lo cho cả gia đình 5 miệng ăn.

Thương chồng một mình bươn chải nhưng cảnh nhà vẫn thiếu trước hụt sau, người làm vợ như chị Diệu lại càng cố gắng nhiều hơn với những công việc đồng áng quanh xóm, với ước mong san sẻ cùng chồng gánh nặng áo cơm và lo cho chặng đường ăn học của 3 con còn dài phía trước.

Nỗi lo an cư của gia đình anh Lợi cứ vơi đầy theo con nước lớn ròng vì mái nhà hơn 6 năm qua được cất trên phần đất nhỏ gần mé sông, chẳng biết có thể chống chịu thêm mấy mùa nước lớn. Dẫu biết mỗi giọt mồ hôi rơi xuống là thêm một tia hy vọng về cuộc sống no ấm được thắp lên nhưng làm sao ước mơ về một mái nhà lành lặn trở thành hiện thực khi bao năm qua, anh chị vẫn mãi loay hoay giữa khó nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Bích, ngụ ấp An Thạnh 

Ước mơ về một nơi che mưa che nắng vững chãi là nỗi trăn trở khôn nguôi trong lòng chị Nguyễn Thị Bích, ngụ ấp An Thạnh khi mái lá ngày một xác xơ, cột kèo từng ngày rệu rã mà phải nhờ đến anh Huyện – đứa cháu họ ở gần đốn cây lá che tạm mới có thể chống chọi qua mỗi mùa giông gió, vì tổ ấm này từ lâu đã vắng bóng người đàn ông trụ cột.

Không có người chồng người cha ở bên san sẻ đã là bao thiệt thòi mất mát, cuộc sống của 2 mẹ con chị Bích lại càng chật vật hơn khi cánh tay phải của chị bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, không làm được những việc nặng. Thế nhưng chị vẫn cố gắng nhận làm nhiều việc để có tiền trang trải trong nhà và lo cho đứa con trai sắp bước vào năm học đầu đời.

Dẫu không đủ đầy một đôi tay lành lặn nhưng vòng tay người mẹ vẫn vẹn tròn tình thương để che chở cho con suốt cuộc đời. Có tình thương con là nguồn động lực to lớn nhưng cuộc sống tương lai với mẹ con chị Bích vẫn còn là những tháng ngày gian khó với không ít nỗi niềm trăn trở, suy tư.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tứ, ngụ ấp An Thạnh

Cùng nỗi lo lắng về tương lai gia đình cũng chính là nỗi lòng của bà Nguyễn Thị Tứ, cùng ngụ ấp An Thạnh khi bao năm qua nhìn cảnh nhà quẩn quanh giữa những khó khăn chật vật.

Một mình gánh vác gia đình với mẹ già và đứa con thơ chẳng may không được bình thường như bao đứa trẻ khác từ lúc lọt lòng, anh Cường gắng sức làm lụng hết việc này đến việc khác, từ những việc thuê mướn quanh xóm đến những chuyến phụ hồ ở xa. Thế nhưng, công việc bấp bênh với thu nhập ít ỏi làm sao anh có thể lo tròn bao khoản chi tiêu trong nhà và xoay sở thuốc thang cho người mẹ già nay ốm mai đau.

Gian khó của đời nghèo chưa một ngày làm đôi chân anh chùn bước, thế nhưng, giữa bao thắt ngặt của cuộc sống hiện tại, bệnh tật của các thành viên là trở ngại lớn khiến ước mơ vượt khó thoát nghèo của gia đình mãi chưa thành hiện thực.

Gia đình bà Lê Thị Manh, ấp An Khánh 

Rời ấp An Thạnh, chúng tôi tìm đến ấp An Khánh để sẻ chia với câu chuyện của bà Lê Thị Manh. Mấy mươi năm qua là chừng ấy thời gian gia đình quẩn quanh trong cảnh nghèo khốn khó vì chị Thái Thị Ngân – con gái út của bà – chẳng may tâm trí không được bình thường như bao người khác nên chẳng thể đỡ đần phụ mẹ gánh áo cơm.

Chỉ còn lại một mình bươn chải khi tuổi đã ngoài 70 nên dù sức khỏe suy yếu vì căn bệnh tim tụ máu, bà Manh vẫn cần mẫn với những công việc gia công để đổi lấy cái ăn cái mặc hằng ngày cho 2 mẹ con, dù không ít lần bà đột ngột lên cơn mệt rồi ngất xỉu nhưng đôi tay thì vẫn chưa thể buông những gánh nặng của đời nghèo.

Nhói lòng trước bao sóng gió vẫn chưa thôi bám riết nơi mái nhà của mẹ và em thơ, nhưng người làm con như anh Nghĩa biết làm sao hơn khi anh cũng phải chật vật kiếm từng chén cơm manh áo nên chỉ lui tới thăm nom, đỡ đần mà không thể san sẻ được chuyện áo cơm.

Đôi chân của người phụ nữ ngoài 70 đã mỏi mòn vì suốt một đời người xuôi ngược mưu sinh, duy chỉ có tình thương con là vẫn đong đầy theo năm tháng. Thế nhưng làm sao có được một mái ấm lành lặn cho con thơ khi cố gắng bao nhiêu năm qua, bà Manh vẫn không có khả năng sửa sang lại mái nhà xây cất đến nay đã gần 20 năm.

Gia đình bà bà Nguyễn Thị Luốt, ấp An Khánh

Cùng ngụ ấp An Khánh, cùng hoàn cảnh bươn chải nuôi con trong cảnh nghèo khốn khó cũng chính là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Luốt. Khi căn bệnh thần kinh ngày càng trở nặng cũng là lúc anh Trần Thanh Liêm – con trai bà – đành xót lòng nhìn mẹ một mình tất tả mưu sinh mà không cách nào san sẻ, vì anh không thể tiếp tục công việc hái dừa, hái cau thuê để đỡ đần cho mẹ phần nào.

Mọi gánh nặng gia đình giờ đây đổ dồn lên đôi vai người phụ nữ đã ngoài 60.Thấu hiểu cảnh nhà đang đối mặt với gian khó nên bao năm qua, bà Luốt vẫn luôn miệt mài cố gắng với những công việc làm thuê chẳng quản mưa nắng hay đêm ngày. Thế nhưng vài ba chục ngàn ít ỏi kiếm được mỗi ngày dẫu đã cố dành dụm chắt chiu bà vẫn không đủ xoay sở trong ngoài và lo thuốc thang cho con.

Thương mẹ và anh trai cảnh nhà đơn chiếc nên anh Tuấn – người con trai thứ 5 của bà vẫn thường xuyên qua lại giúp đỡ, khi thì vài kí gạo, lúc thì ít con cá con tép để bữa cơm của 2 mẹ con bớt phần đạm bạc.

Cuộc sống hiện tại quẩn quanh giữa bao chật vật khó nghèo, còn tương lai với mẹ con bà Luốt vẫn là những tháng ngày trĩu nặng lo toan khi ước mơ về một nơi an cư lành lặn cứ ngày một xa vời theo năm tháng.

Gia đình bà Huỳnh Thị Mành ngụ ấp An Thành

Gia đình bà Huỳnh Thị Mành ngụ ấp An Thành là một trong những hoàn cảnh đối mặt với nhiều biến cố khi gia đình bỗng chốc mất đi chỗ dựa vì con trai của bà đột ngột qua đời khi lên cơn co giật.

2 năm kể từ ngày gia đình vắng bóng người đàn ông trụ cột là chừng ấy thời gian chị Nhanh – con dâu bà Mành – phải một mình gồng gánh gia đình với người mẹ già nay ốm mai đau và chuyện học hành của 2 đứa con thơ. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi gần đây con gái lớn của chị có khối bướu trên mặt mà phải chạy vạy khắp nơi chị mới có đủ tiền phẫu thuật cho con.

Bốn mảnh đời nương tựa nhau để bước tiếp trên hành trình vượt qua nghèo khó nhưng khi số nợ hơn 18 triệu đồng vay mượn để phẫu thuật cho con và cất nhà lúc trước vẫn còn là nỗi trăn trở lớn thì ước mơ sửa sang lại ngôi nhà đã liêu xiêu sau nhiều biến cố để làm điểm tựa cho cả gia đình vươn lên vẫn còn quá xa xôi.

Hồng Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *