Bên bờ hạnh phúc

Chuyến xe nhân ái lần này dừng chân tại xã Tân Quới, huyện Bình Tân khi những luống khoai đang vào mùa thu hoạch. Giữa nhịp sống hối hả, đâu đó những giọt mồ hôi lặng thầm vẫn đều đặn rơi khi bà con nghèo vẫn miệt mài trên chặng đường mưu sinh để đổi lấy từng chén cơm manh áo…

Gia đình anh Nguyễn Văn Lý, ngụ ấp Tân Hạnh

Hơn 5 năm, kể từ ngày phát bệnh tim, chị Hường – vợ anh Lý – đã không thể đồng hành cùng anh trên bước đường mưu sinh lập nghiệp. Dù vậy, tranh thủ những lúc khỏe chị vẫn cố gắng vun vén cho mái ấm nhỏ để chồng yên tâm làm lụng.

Thương vợ thường xuyên chịu những giày vò của bệnh tật mà gia đình không khả năng điều trị đến nơi đến chốn, thương 2 con thơ còn nhỏ dại đang trong tuổi ăn, tuổi học, người làm chồng, làm cha như anh Lý không khỏi xót xa trước cảnh nhà túng thiếu. Vượt qua mọi gian khổ, anh tự nhủ lòng phải cố gắng làm lụng thật nhiều để có thể lo cho gia đình bớt phần chật vật.

Khó nghèo, bệnh tật vây quanh nên mái nhà nhỏ của gia đình xây cất hơn 5 năm chưa một lần được sửa sang, vẫn từng ngày chống chọi với mùa mưa bão đang đến gần.

Gia đình ông Trương Văn Hưng, ngụ ấp Tân Lợi

Không còn sức gồng gánh cuộc mưu sinh khi tuổi già lại thêm nhiều chứng bệnh ngặt nghèo đeo mang, nên cuộc sống của ông Hưng, bà Nguyệt giờ đây chỉ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các con.

Mong muốn thay cha gánh vác gia đình nên anh Chọn – người con thứ 5 của ông Hưng lặn lội đến tận TP.HCM, xin làm thuê nơi các công trình xây dựng, với hy vọng kiếm đủ tiền để lo thuốc thang cho cha mẹ bớt phần đau nhức và ước mong trang trải số nợ hơn 20 triệu đồng vay mượn để chữa bệnh cho các thành viên.

Đã có gia đình và ra riêng hơn 5 năm nay, dù cảnh nhà nhiều nghèo khó, thế nhưng ngày ngày anh Lộc – con trai thứ 4 của ông Hưng vẫn thường xuyên lui tới thăm nom và giúp đỡ mẹ cha để người em trai yên tâm làm lụng phương xa. Bao khó khăn về cuộc mưu sinh của đời nghèo cứ thế ghì chặt nên mái nhà của gia đình xây cất hơn 15 năm qua vẫn từng ngày dột nát mỗi độ mưa về.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Đằng, ấp Tân Vinh

Ra riêng với đôi bàn tay trắng, chỉ có tình yêu thương gia đình là tài sản lớn lao, vợ chồng anh Đằng, chị Ty quyết tâm đồng lòng vượt khó để có thể lo cho 2 con được học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, sau đợt trồng trọt gặp thất bát vì thiếu kỹ thuật và giá cả bấp bênh, nên nỗi lo về số nợ gần 30 triệu đồng vẫn chưa trả được, cảnh nhà ngày càng khó khăn, túng thiếu.

Dẫu cuộc sống còn quanh quẩn giữa nhiều cơ cực, nhưng chưa bao giờ người chồng, người cha này cho phép mình chùn lòng trên chặng đường mưu sinh phía trước. Vì thế ước mơ dựng lại tổ ấm lành lặn cho gia đình mình từ nhiều năm qua anh vẫn hằng ấp ủ giữa những gian khó của đời nghèo.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, ấp Tân Vinh

Khó nghèo đã khiến cho mái nhà không còn lành lặn theo thời gian, nhưng không thể làm vơi đi ý chí và sự quyết tâm của những người lao động nghèo như anh Tuấn. Dẫu sức khỏe suy yếu vì căn bệnh viêm thần kinh liên sườn và viêm phổi cấp cứ hành hạ cơ thể, nhưng những lúc khỏe anh Tuấn vẫn cố gắng bên những công việc vừa sức để kiếm tiền lo cho việc học của 2 con.

Kể từ ngày chồng phát bệnh, bao gánh nặng gia đình cứ thế đổ dồn lên đôi vai người vợ, người mẹ khi công việc ở thôn quê bấp bênh theo mùa vụ, nên số tiền mà chị kiếm được mỗi ngày không đủ trang trải gia đình, càng không thể xoay sở số nợ hơn 6 triệu đồng tiền chăn nuôi thua lỗ trước đây. Vì thế, ước mơ có được một số vốn để vực dậy kinh tế gia đình cũng như sửa sang lại ngôi nhà đã mục nát nhiều năm qua với anh chị vẫn còn xa lắm.

Gia đình bà Nguyễn Thị Cẩm ngụ ấp Tân Lợi

Hơn 20 năm, kể từ ngày chồng qua đời vì căn bệnh ung thư là chừng ấy thời gian bà Nguyễn Thị Cẩm ngụ ấp Tân Lợi một mình lặn lội thân cò để nuôi con khôn lớn. Không đất đai canh tác, nên bà Cẩm dặn lòng phải luôn chăm chỉ cần cù để cuộc sống 2 mẹ con đỡ phần chật vật ở tương lai. Thế nhưng, căn bệnh hở van tim 2 lá bất ngờ bộc phát hơn 10 năm nay, khiến bà phải chịu đựng từng cơn đau nhói cứ triền miên hành hạ cơ thể.

Thương mẹ chịu nhiều hành hạ bệnh tật, thương con thơ sớm thiếu vắng đi tình thương của mẹ nên anh Hào – người con trai duy nhất của bà Cẩm lấy đó là động lực để cố gắng nhiều hơn nữa, hy vọng sẽ đưa gia đình sớm vượt qua gian khó. Nhưng rồi, có những lúc công việc bấp bênh, nhìn thấy cảnh mẹ ốm, con thơ còn nhỏ dại mà phải cùng anh trải qua những tháng ngày cơ cực khiến người trụ cột như anh không khỏi đau đớn, xót xa.

Bao lo toan về cuộc sống mưu sinh cứ oằn nặng trên vai áo bạc màu, nên làm sao ước mơ thoát nghèo và 1 mái ấm lành lặn của cả gia đình bà Cẩm có thể trở thành hiện thực khi những khốn khó cứ từng ngày vây quanh.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mười, ngụ ấp Tân Hạnh

Năm nay bà Mười đã ngoài 80 nên trụ cột gia đình giờ đây phụ thuộc vào công việc làm thuê, làm mướn của anh Đỗ Văn Chàng – con trai út của bà.

Hơn nửa đời lam lũ, đến nay đã bước sang tuổi 50 nhưng anh Chàng vẫn đang từng ngày cố gắng gồng gánh gia đình từ khi các anh chị có gia đình ra riêng đều gặp cảnh nghèo khó. Công việc phụ rửa xe thuê ở 1 cửa tiệm gần nhà của anh chỉ kiếm được trên dưới 20 ngàn mỗi ngày, chẳng đủ trang trải bao khoản sinh hoạt trong ngoài của gia đình.

Bao lo toan về cuộc mưu sinh cứ nặng oằn trên vai là bấy nhiêu nỗ lực của anh mong ước mái gia đình bớt dột xiêu và anh cũng vững lòng hơn khi mùa mưa tới.

Minh Cảnh 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *