Bên bờ hạnh phúc

Thông qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn được những người hội đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm vai trò nhân dân giao phó.

Ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngày bầu cử cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; là dịp để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thông qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn được những người hội đủ tiêu chuẩn đề ra.

Đại biểu Lê Công Nhường – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.

Đại biểu Lê Công Nhường – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định kỳ vọng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhân dân sẽ lựa chọn được những đại biểu ưu tú, xứng đáng để đại diện cho cử tri giải quyết những vấn đề thiết thực trong đời sống; đồng thời góp phần đưa Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường. Theo đó, đại biểu trong nhiệm kỳ tới phải là người có tâm, có tầm, có bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo trong công việc.

Theo đại biểu Lê Công Nhường, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội nên chú trọng hơn đến công tác lập pháp như hoàn thiện lại các cơ chế pháp luật, bộ luật gắn liền với đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống của nhân dân để có giải pháp kịp thời xử lý. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cần quan tâm đến những vấn đề quan trọng như bảo vệ chủ quyền của đất nước, các giải pháp hữu hiệu để đưa đất nước phát triển.

Khi những ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội thì phải cố gắng học tập, tận tụy với công việc, có những việc làm thiết thực phục vụ cho nhân dân và lợi ích của quốc gia.

Đại biểu Lê Công Nhường nêu quan điểm: Để Quốc hội ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, chúng ta cần phải tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40% so với tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người. Còn đối với đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, chúng ta nên bớt số lượng ở cơ quan hành pháp mà nên khuyến khích bầu đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học vì họ có thể đóng góp trí tuệ và dành nhiều thời gian cho các hoạt động của Quốc hội. Ngoài ra, để đạt được những mục tiêu đề ra, Quốc hội nên cùng với Chính phủ cần tập trung thực hiện tốt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cần quan tâm đến chất lượng của đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm

Đưa ra quan điểm về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách và giảm dần số lượng đại biểu ở một số cấp tại Hội đồng Nhân dân cũng là để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Thế nhưng, chúng ta không nên quá kỳ vọng khi có sự thay đổi về đại biểu Quốc hội chuyên trách và Hội đồng Nhân dân thì chất lượng đại biểu Quốc hội sẽ tăng đột biến mà sẽ cải thiện từng bước. Việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội phải có quá trình đào tạo, bồi dưỡng cũng như tổng kết. Chúng ta phải lựa chọn được người có đủ năng lực, đủ tầm nhìn và có trách nhiệm.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý kiến của cử tri, quyền lợi của nhân dân nên để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất này thì cần chú trọng đến nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội. Ngoài việc tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất là 40% so với tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người thì cần có sự kết hợp hài hòa về cơ cấu giữa đại biểu chuyên trách và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm. Cùng với việc đổi mới chất lượng của đại biểu Quốc hội chuyên trách thì Quốc hội cũng phải quan tâm đến chất lượng của đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm. Theo đó, cần đặt ra thêm yêu cầu đối với họ như: đại biểu kiêm nhiệm khi trúng cử là đại biểu Quốc hội thì phải có sự đóng góp cho Quốc hội như thế nào; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội nói riêng và của Quốc hội nói chung ra sao…/.

Theo hoidongbaucu.quochoi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *