Bên bờ hạnh phúc

Kể từ ngày đất nước giành độc lập đến nay, đất nước ta đã trải qua 14 kỳ bầu cử Quốc hội để chọn ra những người đủ đức, đủ tài gánh vác việc dân, việc nước, cơ nghiệp non sông, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Và ngày 23-5-2021 tới đây, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử để chọn người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội khóa XV này là sự khởi đầu của cả một quá trình phát triển đất nước không chỉ trước mắt một nhiệm kỳ mà có thể còn dài hơn theo đúng tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra. Thiết thực chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Báo Quân đội nhân dân Điện tử mở loạt bài “Chọn người đủ Đức – Tài, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới” để cùng nhìn lại hai cuộc tổng tuyển cử đặc biệt trong lịch sử, từ đó vận dụng, bảo đảm cho cuộc bầu cử tới đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, ngày hội của non sông, lựa chọn được những gương mặt xứng tầm để lãnh đạo đất nước, sẵn sàng cùng với toàn dân đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.

Bài 1: Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên – “Ngày vui sướng của đồng bào ta”

Ngày hội của lần đầu tiên thoát ách nô lệ

75 năm trước, ngày 6-1-1946, 4 tháng từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, giữa bộn bề khó khăn, đông đảo cử tri trong cả nước đón chào ngày hội lớn – ngày Tổng tuyển cử. Lần đầu tiên, mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc bầu cử điển hình, là ngày hội của toàn dân khi lần đầu tiên thoát ách nô lệ, được cầm trên tay lá phiếu đi bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình.

Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của chế độ thực dân. Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù, sự kiện Vua Bảo Ðại thoái vị ngày 30-8-1945 có ý nghĩa chính quyền cách mạng đã được thừa nhận, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng, Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Đặc biệt, Tổng tuyển cử sẽ bảo đảm tính hợp pháp, tính chính thống của bộ máy nhà nước: “Nhà nước hợp pháp ra đời, tư cách của nó, vị trí của nó trên thế giới, trong nước hoạt động có danh nghĩa, có hiệu lực và hiệu quả hơn một Chính phủ lâm thời”.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Ảnh tư liệu

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử, một số người lo lắng cuộc Tổng tuyển cử sẽ “không có kết quả” vì e rằng trình độ nhân dân lúc bấy giờ quá thấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân và khẳng định: Nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Người tin rằng Tổng tuyển cử nhất định thành công!

Về công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do các Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.

“Ngày vui sướng của đồng bào ta”

Lúc đó, tại Hà Nội, 118 Chủ tịch các Ủy ban nhân dân và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trả lời đồng bào như sau: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt qua khỏi thể lệ của cuộc tổng tuyển cử đã định”.

Trước ngày tổng tuyển cử, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do.”

Lời kêu gọi đồng bào đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Vào ngày bầu cử, tại Hà Nội, trung tâm của cả nước, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân Thủ đô đã hăng hái tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Đúng 7 giờ sáng, tiếng chuông, tiếng trống các nhà thờ, chùa chiền, tiếng pháo nổ vang trên khắp các phố phường báo hiệu giờ Tổng tuyển cử bắt đầu. Cuộc Tổng tuyển cử ở Hà Nội diễn ra với sự chuẩn bị tổ chức chu đáo. Mỗi khu vực bỏ phiếu đều có sáng kiến riêng trong cách tổ chức hợp lý. Từ lối vào, lối ra cho người đi bỏ phiếu, chỗ soát thẻ đi bầu, chỗ viết phiếu bầu, nơi ghi số những người đi bầu… đều xếp đặt khoa học. Cuộc bỏ phiếu diễn ra rất nhanh, tấp nập nhất từ 7 giờ đến 10 giờ sáng. Có nơi mới đến 11 giờ, trong số ngót 2.000 cử tri, đã có tới gần 1.500 người đi bỏ phiếu…

Chủ tịch Hồ Chí Minh, như hàng chục vạn cử tri khác, đã thực hiện nghĩa vụ công dân tại phòng bỏ phiếu số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ). Người còn đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu, và Ô Đống Mác. Có những cụ già 70, 80 tuổi được con cháu cõng đi bỏ phiếu, nhiều người mù nhờ người nhà dẫn đến tận hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân…

Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6-1-1946. Ảnh tư liệu

Vượt qua bao khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa 1 đã diễn ra trong cả nước, kể cả tại các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Lần đầu tiên nhân dân ta được hưởng quyền dân chủ của mình, lần đầu tiên toàn dân được tự do chọn lựa những người có tài, có đức để gánh công việc nước nhà. Cuộc bầu cử đã thành công vượt mong đợi với tỉ lệ cử tri đi bầu cao. Tại Hà Nội, 91 – 95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ; 6/74 ứng cử viên của Hà Nội trúng cử đại biểu Quốc hội, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Từ thân phận nô lệ thành chủ nhân của đất nước

Cuộc tổng tuyển cử này diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn chồng chất khó khăn; lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi cuộc đời nô lệ của hàng nghìn năm phong kiến và gần trăm năm thuộc địa.

Là một trong những cử tri được hưởng dụng quyền bầu cử trong kỳ bầu cử đầu tiên năm 1946, cụ ông Nguyễn Văn Phiếu (95 tuổi), hiện ở xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương xúc động nhớ lại thời khắc ngày Tổng tuyển cử cách đây hơn 75 năm và gọi đó là “ngày sung sướng nhất đời tôi”. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, ông cho biết: “Hàng chục năm đất nước bị nô lệ, cai trị nên khi được giải phóng, nhân dân phấn khởi lắm. Ai cũng thấy mình là người làm chủ. Ai ai cũng vui mừng dậy từ rất sớm, tuy thiếu ăn, thiếu mặc nhưng đều chọn cho mình bộ quần áo lành lặn nhất, tinh tươm nhất, đầu tóc chải gọn gàng, và cầm lá phiếu trên tay, nô nức như đi hội, trật tự xếp hàng đi bỏ phiếu chọn lựa những người xứng đáng bầu vào Quốc hội.”

Sau tổng tuyển cử, nhân dân bầu ra 333 đại biểu Quốc hội trong số hàng nghìn người ứng cử và đề cử. Ảnh tư liệu

Nhắc lại cuộc tổng tuyển cử lịch sử ấy, cụ Phạm Văn Bằng, cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn còn nhớ rất rõ, cùng với cử tri cả nước và cử tri Hà Nội, ngày 6-1-1946, cử tri khu Đông Thành (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm bây giờ) nô nức đến điểm bầu cử tại số 47 phố Hàng Quạt. Hồi đó, phần lớn cử tri là người lao động, nội trợ nhưng nhờ phong trào bình dân học vụ đã biết đọc và tự mình viết được phiếu bầu. Số ít người không viết được thì nhờ bộ phận thư ký viết hộ. Ai cũng hân hoan thực hiện quyền làm chủ của mình, bầu lên một chính quyền mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vào ngày bầu cử, từ sáng sớm, mặc dù công tác tổ chức chưa được chuẩn bị xong, chưa kịp kê bàn ghế nhưng nhân dân đã nô nức kéo đến. Thanh niên, nam, nữ đi dọc đường thi nhau hát bài Tiến quân ca, bắt nhịp cho cả làng đồng thanh thi nhau hát. Các hộ đều treo cờ, nô nức đi bỏ phiếu, trong buổi sáng cơ bản đã bỏ phiếu xong…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Ảnh: Thảo Nguyễn

Trong lịch sử dân tộc, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên là một mốc son chói lọi. Lần đầu tiên ở Đông Nam Á, có một Quốc hội dân chủ được bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nhìn nhận về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng ta đã từng khẳng định: “Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam…

Nói đến Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong những ngày đầu năm mới năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là Thủ tướng Chính phủ) đã dẫn lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định: “Với sự kiện trọng đại này, dân tộc Việt Nam ta sau khi là dân tộc đầu tiên ở Đông Nam Á làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công, trở thành dân tộc đầu tiên thiết lập Nhà nước có thể chế chính trị với hình thức dân chủ cao nhất là phổ thông đầu phiếu…”. Từ đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên này vẫn là bài học để nước ta hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay. Đó là tổng tuyển cử để xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Đồng thời tin tưởng phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân để tìm người có đức, có tài gánh vác việc nước, việc dân.

Còn GS, TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, đây là cuộc bầu cử có ý nghĩa lịch sử, chính thức đưa nhân dân Việt Nam từ địa vị những thần dân thành địa vị của những công dân tự do; từ địa vị của những người dân nô lệ thành chủ nhân của đất nước. Sau thành công của cuộc tổng tuyển cử, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ.

Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Thắng lợi của Tổng tuyển cử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội đầu tiên, là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc.”

Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 134 ra ngày 5-1-1946:

Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946.

Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:

Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,

Kiên quyết chống bọn thực dân,

Kiên quyết tranh quyền độc lập.

Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.

Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.

Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.

Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.

Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do.

Theo QDND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *