Bên bờ hạnh phúc

Tình trạng bầu hộ, bầu thay trên thực tế đã tồn tại ở những kỳ bầu cử trước.

Vi phạm nguyên tắc trực tiếp, bình đẳng, phổ thông

Nói về vấn đề này, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Thanh khẳng định việc đi bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là nghĩa vụ của mỗi cử tri. Chính vì vậy, nếu để người khác đi bầu hộ, bầu thay là người đó đã làm mất đi quyền cử tri của mình đối với đất nước.

Bà Nguyễn Thị Thanh – Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử Quốc gia thông tin tại buổi họp báo chiều 21/5

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, cuộc bầu cử của nước ta là thực hiện nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bình đẳng. Việc đi bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là nghĩa vụ của mỗi cử tri, sẽ bầu ra những người đại diện cho mình.

“Nếu để người khác đi bầu hộ, bầu thay là người đó đã làm mất đi quyền cử tri của mình đối với đất nước” – bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Trưởng ban Công tác đại biểu cho biết, nước ta thực hiện nền dân chủ cả trực tiếp và gián tiếp. Việc trực tiếp đi bầu cử là thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, tự tay mình bỏ phiếu bầu người sẽ thay mình tham gia các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

“Trên thực tế vẫn có tình trạng bầu thay, bầu hộ tại các địa phương ở những kỳ bầu cử trước” – bà Thanh thông tin thêm.

Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc các cơ quan báo chí tuyên truyền vấn đề này trong thời gian qua rất quan trọng. Điều này đã góp phần tuyên truyền đến người dân ý thức, trách nhiệm của mình với cuộc bầu cử.

Bà bày tỏ mong muốn báo chí tiếp tục là cánh tay nối dài của Hội đồng bầu cử quốc gia để tuyên truyền cho cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình. Tuyên truyền sẽ giúp người dân hiểu bầu thay, bầu hộ là vi phạm nguyên tắc trực tiếp, bình đẳng, phổ thông.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị các địa phương cần bố trí, sắp xếp điều kiện thuận lợi về thời gian để cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình vào ngày 23/5 sắp tới.

Ở một số địa phương qua tổng kết có tình trạng bầu thay, bầu hộ thì cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các đoàn thể. Cần theo dõi diễn biến của cử tri đi bầu cử để nhắc nhở những người chưa đi bầu cử. Đồng thời, nêu cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên ở địa phương trong cuộc bầu cử sắp tới.

Hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc

Trung tướng Khuất Duy Tiến – nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 cho rằng, mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước.

Mỗi lá phiếu bầu là sự gửi gắm trách nhiệm của hàng triệu cử tri trong cả nước đối với người được thay mặt nhân dân gánh vác trọng trách của đất nước thông qua bầu cử.

“Để lá phiếu thực sự thể hiện ý chí của cử tri thì cần phải khắc phục tình trạng “bầu hộ”, “bầu thay” tại cuộc bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND sắp tới” – Trung tướng Khuất Duy Tiến nêu quan điểm.

Cùng nói về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng, mọi biểu hiện thờ ơ với cuộc bầu cử, không tham gia bỏ phiếu hoặc nhờ người bầu hộ, bầu “cho xong”… không những tự mình tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình, mà còn là hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc.

Nhấn mạnh “Quyền bầu cử là quyền Hiến định, Luật định và là quyền chính trị rất thiêng liêng” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Pha mong muốn tất cả cử tri ngày bầu cử hãy bố trí thời gian để tham dự cuộc bầu cử đầy đủ, đúng giờ và trực tiếp. Đảm bảo cuộc bầu cử tại địa phương mình thành công cũng như góp phần vào cuộc bầu cử trong toàn quốc thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội toàn dân”.

Theo hoidongbaucu.quochoi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *