Bên bờ hạnh phúc

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng là thời điểm Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại thời khắc đặc biệt của “Ngày hội non sông”, chúng ta tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới và cũng chính Người cùng Chính phủ lâm thời đã quyết định cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên vào ngày 6/1/1946.

Bác Hồ bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử Quốc hội khóa I . (Ảnh tư liệu báo QĐND)

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và ngay sau Lễ Độc lập, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Chính phủ lâm thời, đề ra các nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là phải tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Bác nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp.

Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.

Tiếp đó, đúng một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 quyết định tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc, tiếp đến tổ chức thành lập một Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, Ủy ban Dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử… Vào 17 giờ ngày 16/10/1945, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ thông qua Sắc lệnh về thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định Tổng tuyển cử vào ngày Chủ nhật 23/12/1945 và quy định lượng đại biểu của mỗi tỉnh, thành phố, đại biểu người dân tộc thiểu số của 70 tỉnh, thành trong cả nước.

Sau khi Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo xong bản dự thảo, ngày 24 và 25/10/1945, Hội đồng Chính phủ do Bác chủ tọa đã góp ý sửa chữa, hoàn chỉnh bản dự thảo Hiến pháp để trình Quốc hội. Tại phiên họp ngày 16/11/1945 khi bàn về đối tượng nào được quyền ứng cử và bầu cử, Bác đề nghị Chính phủ ra Thông cáo nói rõ ai cũng có quyền ứng cử, dù ở đảng phái nào hay không đảng phái.

Xét tình hình thực tế, giao thông đi lại khó khăn, rất cản trở việc cử tri tham gia ứng cử, ngày 2/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71 bổ khuyết thể lệ Tổng tuyển cử. Tình hình chính trị tháng 12 năm ấy trở nên sôi động, khắp nơi tuyên truyền, cổ động cho ngày Tổng tuyển cử. Hội đồng Chính phủ cử các bộ trưởng về các địa phương tham gia ứng cử, mời thêm nhiều nhân sĩ nổi tiếng tham gia ứng cử.

Lúc này, các Đảng phái phản động ra sức tuyên truyền, gây nhiều khó khăn cho ta, nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng vẫn chưa tham gia ứng cử, trên thực tế nhiều cơ sở chuẩn bị chưa chu đáo, nhiều người dân chưa biết cách bỏ phiếu… Nếu theo lịch trình bầu cử vào ngày 23/12/1945 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ quyết định lùi ngày bầu cử đến Chủ Nhật 6/1/1946…

Đúng 7 giờ sáng ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng hàng vạn cử tri Hà Nội đi làm nghĩa vụ công dân. Người đã đi bầu ở phòng bỏ phiếu đặt tại số nhà 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác.

Người đặc biệt cảm động khi chứng kiến những cụ già 70, 80 tuổi vẫn được con cháu cõng đi bỏ phiếu hoặc nhiều người mù vẫn nhờ người nhà dẫn đến hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân. Ở khu Ngũ Xã, bọn phản động huy động một lực lượng đông có vũ trang súng liên thanh đến ngăn cản dân phố đi bầu cử, cấm treo cờ Đỏ sao vàng, cấm đặt hòm phiếu. Nhưng nhân dân không chịu khuất phục chúng và kéo sang cả khu Nguyễn Thái Học gần đấy để bỏ phiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt số phiếu cao nhất với 98,4%.

Quốc hội khóa I đã bầu ra được tổng số đại biểu là 403, gồm 333 đại biểu được nhân dân bầu chính thức, 70 đại biểu không qua bầu cử (20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Quốc dân Đảng). Trong số các đại biểu được bầu, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Với sự kiện trọng đại này, dân tộc Việt Nam ta sau khi là dân tộc đầu tiên ở Đông Nam Á làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công, đã trở thành dân tộc đầu tiên trong khu vực thiết lập được một Nhà nước có chế độ chính trị với hình thức dân chủ cao nhất là phổ thông đầu phiếu./.

Theo laodongthudo.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *