Bên bờ hạnh phúc

 Ngày 11/ 01/ 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới, gọi tắt là WTO. Từ đó đến nay, trải qua 6 năm với 2 cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 và 2011, là một liều thuốc thử cho nền kinh tế cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Kết thúc năm 2012 vừa qua, lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam trở thành nước xuất siêu. Trong đó, thành quả đáng kể nhất đến từ ĐBSCL, nơi cung ứng lượng nông sản xuất khẩu nhiều nhất cho đất nước.

Vượt qua mọi khó khăn, trong năm qua ngành nông nghiệp nước ta đạt được nhiều thành quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2012 đạt hơn 27 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,7% so với năm 2011. Trong số 22 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD thì ngành nông nghiệp chiếm đến 6 mặt hàng lớn.

 

Trong khi nhiều ngành khác vẫn liên tục phải nhập siêu, thì nông nghiệp xuất siêu đến hơn 10 tỷ USD. Đây là thành quả của hàng chục triệu nông dân một nắng hai sương gắn bó với ruộng đồng. Nguồn ngoại tệ vô cùng quý giá này đã giúp nước ta giảm thiểu được những rủi ro trong đà suy thoái kinh tế của thế giới. Qua đó đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nông sản của thế giới.

Có 2 mặt hàng quan trọng mà ĐBSCL đóng góp là: gạo và thủy sản. Trong đó, xuất gạo tạo được bước đột phá lớn khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 7 triệu 700 ngàn tấn, kim ngạch đạt 3 tỷ rưỡi USD. Riêng ĐBSCL đóng góp 6 triệu 900 ngàn tấn, tăng gần 8% so năm 2011. Đặc biệt, 2012 là năm đầu tiên lượng gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng lớn, lên đến 46%. Điều này cho thấy sự chuyển dịch quan trọng về chất trong xuất khẩu gạo.

Thành quả lớn nhất của ĐBSCL sau 6 năm gia nhập WTO là sự chuyển mình tích cực trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Đến nay, cơ giới hóa đã được ứng dụng nhiều khâu trong sản xuất và thu hoạch. Qua đó giải phóng sức lao động, tiết giảm chi phí và giảm tổn thất trong thu hoạch. Từ chỗ tập trung tăng năng suất, sản lượng là chính, trong năm qua nước ta đã hướng đến nền sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng cao hơn theo đòi hỏi của thị trường. Ngày nay trong sản xuất lúa, nông dân đã ý thức hơn về qui trình sản xuất sạch, hạn chế sử dụng hóa chất. Tư duy, nhận thức từ đồng ruộng, mảnh vườn của người nông dân cũng đã có sự thay đổi. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn gắn liền 4 nhà, đó là nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp. Tất cả những hạn chế yếu kém trên đã được nhận ra và được cụ thể bằng nghị quyết 26 của Ban chấp hành TW Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trải qua cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, lúa gạo và các mặt hàng thủy sản của ĐBSCL như: cá tra, tôm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia, chiếm lĩnh thị trường và thị phần thế giới. Trong khi nền kinh tế đất nước trong tình trạng nhập siêu, thì chính hạt gạo, con cá, con tôm của ĐBSCL giúp cả nước giữ vững cán cân thương mại. Riêng thủy sản, năm qua ĐBSCL đem về cho đất nước 6 tỷ rưỡi đô-la Mỹ. Nếu như năm 2011, kim ngạch xuất khẩu ĐBSCL chỉ đạt gần 9 tỉ đô-la Mỹ thì trong năm 2012 vừa qua, dù kinh tế thế giới vẫn còn suy giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL vẫn tăng trên 22% so với năm trước, đạt 9 tỷ 800 triệu đô-la Mỹ. Trong đó gạo chiếm hơn 35%, đạt 3 tỉ 200 triệu đô-la Mỹ và thủy sản chiếm hơn 38%, đạt 3 tỉ rưỡi đô-la Mỹ. Dù vậy, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản của cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL trong thời gian qua trong xu hướng giảm dần là một thực tế cần khắc phục.

Theo Viện Chiến lược ngân hàng, từ năm 2007 đến nay, tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn có xu hướng giảm dần. Năm 2000 là 13,8% thì năm năm 2005 là 7,5% và năm 2009 chỉ còn 6,2%. Nguồn vốn đầu tư dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng nhu cầu và khả năng tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế của khu vực này.

Thêm vào đó là những diễn biến bất thường về dịch bệnh, giá cả thị trường bất ổn và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rõ rệt. Điều này khiến cho nông nghiệp và nông thôn vẫn là lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro cao so với các ngành kinh tế khác.

Đầu tư nước ngoài, tức vốn FDI trong nông nghiệp giảm dần. Năm 2007 chiếm 8% trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam nhưng năm 2012 chỉ còn 0,77%. Cần có các chính sách  đủ mạnh để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khi mà lĩnh vực này hiện chiếm chưa tới 1% tổng vốn DN cả nước. 

Còn với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, năng lực quản trị cũng đã có bước chuyển quan trọng. Tầm nhìn hướng ra sân chơi rộng lớn hơn thay vì chỉ sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa. Quá trình gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã không trụ vững. Song, cũng có doanh nghiệp trưởng thành hơn. Sân chơi lớn vừa là yêu cầu, vừa là thách thức buộc doanh nghiệp nông sản phải thích ứng để tự điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo tín hiệu thị trường. Trong lĩnh vực thủy sản, năm qua là năm có nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản. Các doanh nghiệp còn lại, dù qui mô lớn nhỏ khác nhau cũng phải tái cơ cấu tổ chức và sản xuất.

Quá trình phát triển không chỉ đòi hỏi tái cơ cấu từ phía doanh nghiệp mà còn đặt ra nhu cầu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL. Các cơ chế, chính sách liên kết tốt hơn sẽ tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của vùng, nhất là tư duy chủ động trong sản xuất thay vì loay hoay lo chờ đợi các hỗ trợ đầu ra vì mất mùa, rớt giá, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Qua đó tăng sức cạnh tranh, sức đề kháng của nông dân, doanh nghiệp và hàng nông sản.

Tuy nhiên, thị trường nông sản trong ĐBSCL thời gian qua cũng bị tác động mạnh bởi khủng hoảng nợ công ở khu vực châu Âu, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới. Giá nhiều loại nông sản sụt giảm trong năm qua, sự tác động bất lợi từ chính sách nhập khẩu của Trung Quốc khiến cho nhiều mặt hàng nông sản trải qua một năm đầy biến động. 

Theo kế hoạch, năm 2013, ngành nông nghiệp cả nước đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 3%. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4% và kim ngạch xuất khẩu đạt 28 tỷ rưỡi đô-la Mỹ. Để đạt những kết quả này, thách thức lớn nhất của ĐBSCL vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Trong đó sản xuất qui mô lớn và theo các tiêu chuẩn quốc tế là hướng đi tất yếu. Bởi lẽ khi những định chế tài chính toàn cầu mở cửa thì rào cản kỹ thuật tăng dần. Đây cũng là những thử thách mới của nông sản ĐBSCL trên đường hội nhập, câu chuyện của tương lai đang bắt đầu từ thực tế hôm nay./

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *