Bên bờ hạnh phúc

 Tiết giêng hai đã ùa về dọc theo triền sông Cổ Chiên. Trời xanh lồng bóng nước. Muôn loài hoa đua nở. Thôn xóm bừng lên sắc mai vàng. Không khí tết xốn xang trong từng ngôi nhà nhỏ…

Đây cũng là thời điểm đoàn làm phim chúng tôi theo một nhánh sông rồng chảy qua thành phố Vĩnh Long, tới vàm Mang Thít, và tiếp tục rẽ theo dòng sông… 

Điểm đến là quê hương Tam Bình của cố giáo sư viện sĩ Trần Đại Nghĩa, quê hương của những cánh đồng ngút ngát, những vườn cây trỉu quả, quê hương của những người dân hiền lành chất phác, nhưng từng lập nên biết biết bao chiến công hiển hách trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, và giờ đây đang chung tay làm nên những huyền thoại mới trong công cuộc dựng xây Tổ quốc. 

… Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì  tên sông Mang Thít có từ lâu đời, ý chỉ đoạn sông từ sông Cổ Chiên đến ngã ba Kiên Thắng (ngã ba Thầy Hạnh). Đoạn từ sông Hậu qua gọi là ngòi Trà Ôn. 

Về tên gọi, có giả thuyết cho rằng, Mang Thít xuất phát từ chữ Băng- brít (có nghĩa là lung bông súng) do hồi xưa nước sông chưa chảy mạnh, hai bên bờ sông mọc nhiều bông sen, bông súng. 

Đến cuối thế kỷ 19,  khi thực dân Pháp đã đặt xong nền móng cai trị miền Nam, tỉnh trưởng Cần Thơ Nicôlai bắt dân làm xâu cùng với cơ giới đào nối liền từngòi Trà Ôn thẳng đến ngã ba Thầy Hạnh. Dòng Mang Thít được kéo dài đến vàm Trà Ôn. 

Sông có chiều dài 47 km…

 

 

Ngược dòng lịch sử về thời mở đất, sông Măng chỉ là một dòng sông nhỏ, chảy vòng vèo qua những xóm làng thơ thớt, nơi mà người dân ngoài nghề trồng lúa nước, còn có thêm nghề trồng mía, nghề nấu đường thẻ, đường thùng, đường cát vàng, vốn rất nổi tiếng, đến mức khi nói tới Tam Bình là ai ai cũng nhắc tới mía Tam Bình. Nhưng từ khi dòng sông nhỏ này được kiến tạo thành dòng sông lớn, cuộc sống của người dân cũng theo đó sung túc dần lên. Nguồn phù sa phong phú đã bồi bổ nên những cánh đồng trỉu hạt, những thửa vườn xum xuê cây trái. Cây lúa và cây mía vẫn là giống cây chủ lực, nhưng qua thế kỉ 21, cây mía đã mất dần vị trí trong nền canh tác nông nghiệp, thay vào đó, cây cam sành đã trỗi dậy, giữ vị trí độc tôn ở Tam Bình.

Chợ Tam Bình nằm cạnh thủy lộ huyết mạch của sông Măng, những năm đầu kháng chiến chống Pháp, chợ Tam Bình là một trong những nơi mua bán tấp nập có tiếng ở Nam Bộ, vốn nổi tiếng với nhiều sản vật phương Nam phong phú, đến mức được người dân trong vùng gọi là chợ Sài Gòn Mới. Đây là trung tâm giao thương mua bán lớn của người dân. Anh chị em cán bộ kháng chiến thời đó ở các tỉnh miền Đông và miền Tây, hầu như ai cũng ao ước được một lần ghé thăm chợ Tam Bình, để được hưởng không khí bán buôn tấp nập, vui vẻ, của một thị tứ lớn, nổi tiếng là nơi phồn thịnh nhất trong thời kỳ chín năm kháng chiến ở Nam Bộ. 

Mùa xuân này, khi đoàn làm phim chúng tôi về thăm, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một ngôi chợ lớn, với không biết bao nhiêu chủng loại hàng hóa trong vùng, trong nước, và ngoài nước, nhưng nổi bật nhất vẫn là các mặt hàng được sinh ra từ nền nông nghiệp phương Nam, như lúa gạo, tôm cá, rau củ, và ngồn ngộn những vựa cam sành mang thương hiệu cam Tam Bình đã được khẳng định trên thương trường.

Một ngày mới đã ửng chín trên bầu trời Tam Bình. Vầng thái dương đỏ rực đang chầm chậm nhô lên sau rặng bần bên sông Măng, xòe những cánh nắng óng ả như tơ lụa… 

Một ngày mới của Tam Bình đã bừng thức sau một đêm yên ả thanh bình.

Tam Bình đất không quá rộng, người không quá đông, vậy mà nghề trồng lúa ở nơi đây lại khá nổi tiếng. 

Người dân Tam Bình xưa nay vẫn có truyền thống cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó, và có đặc điểm chung của nông dân Nam bộ là thích cái mới, ưa làm cái mới. Vì vậy mà ở đâu có giống lúa lạ, thì chẳng bao lâu sau, đã thấy xuất hiện trên các ruộng lúa Tam Bình. 

Có những giống lúa chịu phèn nay đã đi vào kỷ niệm của một thời khẩn hoang. Mà cũng có những giống lúa nổi tiếng như nàng thơm, nàng hương, gẩy xe, trắng lựa…và rất nhiều giống lúa cao sản mới đang phổ biến ở Nam Bộ, đã sinh sôi nẩy nở trên những cánh đồng ngút ngát của Tam Bình. 

Từ khai hoang mở đất đến nay, đất đai Tam Bình không ngừng quật mình trỗi dậy, liên tục tạo ra rất nhiều giống lúa dẻo thơm có tiếng. Đặc biệt là từ khi Tam Bình bắt tay vào công cuộc đưa khoa học kĩ thuật vào đồng ruộng. Từ  cách đây hơn 30 năm, Tam Bình đã làm một cuộc nghiên cứu khá công phu về giống cây trồng, khiến sản lượng cây lúa nước đã có bước nhảy vọt, giúp dời sống của nông dân không ngừng khởi sắc, làng xóm ngày càng khang trang, trù phú. Diện mạo nông thôn mới dường như đã hoàn toàn thay đổi, theo hướng văn minh, hiện đại.

Gần 80 giống lúa đã có mặt ở Tam Bình, quả thật là một kho tàng về giống lúa rất đáng để tự hào, mà ngành nông nghiệp của huyện Tam Bình đã tích tụ được từ những tháng năm gian nan, khai hoang lập làng, lập ruộng.

Ruộng lúa, vườn cây mở mang, xóm làng hình thành, đình chùa theo đó cũng được dựng lên, trở thành một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người nông dân, xưa nay vốn tay lấm chân bùn, giúp các thế hệ con cháu ngày càng biết yêu thương hơn quê hương của mình.

Chùa Phước Hậu, một trong những ngôi chùa đã được dựng lên khá lâu ở Tam Bình, và được trùng tu lại vào năm 1961. Đây là ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 18. Theo chính sách khẩn hoang của nhà Nguyễn, thì vùng đất nào có đủ yếu tố dân cư đất đai mới được lập thành làng, và được lập chùa, lập đình. Điều đó cho thấy, Tam Bình cũng là một cái nôi của vùng văn hóa phương Nam, mang đậm dấu ấn nền văn hiến Long Hồ Dinh gần 300 năm. 

Chùa Phước Hậu hiện nay gồm nhiều công trình: chính điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp… Trừ chính điện là công trình xây năm 1962, bằng vật liệu hiện đại như bê-tông, xi-măng, gạch ngói, gỗ… theo mô hình kiến trúc kết hợp Đông phương và Tây phương. Còn các công trình khác là các bộ phận của ngôi chùa cũ, có từ năm 1894, tất nhiên có sửa chữa bồi bổ.  

Chùa Phước Hậu không chỉ là dấu ấn cho việc mở mang, hưng thịnh của vùng đất mới, mà nơi đây còn gắn với nhiều phong trào cách mạng của địa phương. Có thể nói là rất nhiều những hạt giống đỏ của đất Tam Bình được ươm mầm đầu tiên tại ngôi chùa này… 

Trong lịch sử mở đất lập làng, đấu tranh chống ngoại xâm, vùng đất Tam Bình đã ghi đậm dấu ấn nhiều sự kiện anh hùng…

Ở vùng ruột Tam Bình, Cái Ngang là một điểm son trên bản đồ Tổ quốc, trong dọc dài tiến trình mở đất phương Nam. Nếu trấn Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long ngày nay) được chúa Nguyễn thành lập và sắc phong vào năm 1732, thì chỉ vài năm sau, thành Cái Ngang đã được xây dựng, theo phương châm ngụ nông ư binh, có nghĩa là dùng ngay dân đinh bản địa làm lính giữ thành, vừa làm lính vừa làm dân, vừa mở đất vừa giữ đất… 

Như vậy, khi nói tới nền văn hiến Long Hồ Dinh 300 năm, chúng ta không thể không nhắc tới địa danh Cái Ngang, với rất nhiều sản vật đặc trưng của vùng đất Tam Bình… 

Khu căn cứ Cái Ngang là vùng liên hoàn nhiều xã thuộc huyện Tam Bình. Trong hai cuộc kháng chiến trường kì đánh đuổi ngoại xâm, nơi đây là căn cứ của Tỉnh ủy, mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn, với những phương tiện hiện đại đánh phá ác liệt, nhưng Đảng và nhân dân địa phương vẫn đoàn kết bám trụ, kiên cường chiến đấu, càng chiến đấu càng trưởng thành, càng trưởng thành càng chiến thắng… 

Chính nơi đây, Tỉnh ủyVĩnh Long đã xây dựng và phát ra những chủ trương, Nghị quyết, những mệnh lệnh chiến đấu, trong đó có Lệnh tổng tiến nổi và dậy mùa Xuân 1968, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng toàn bộ Vĩnh Long… 

Khu căn cứ cách mạng Cái Ngang không chỉ là niềm tự hào của Tam Bình anh hùng mà còn là vinh dự của tất cả người dân Vĩnh Long… 

Và khi đã đến Cái Ngang, chúng ta không thể không đến thăm Hậu Lộc, xã anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước… 

Bia Khởi nghĩa Nam kỳ ở Cái Ngang ghi nhận một sự kiện hào hùng của người dân vùng đất này, trong đó có sự đóng góp của xã Hậu Lộc kiên cường. 

Lần đầu tiên với sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng đã đứng dậy khởi nghĩa, đánh thẳng vào bộ máy chính quyền địch, làm chủ tình hình khu vực Cái Ngang suốt 17 giờ liền. Người dân hò reo phấn khởi vứt thẻ thuế thân xuống sông. Tuy cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị thất bại nhưng đã sớm dự báo cơn bão của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cả dân tộc vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ…

Từ một xã vùng sâu với lịch sử hình thành đến nay đã gần 300 năm, trải qua cảnh đời chìm nổi trong khói lửa chiến tranh đẫm máu, Hậu Lộc đã từng bước vươn lên, xứng đáng là một xã anh hùng của cả nước.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Tam Bình yêu dấu, vùng đất anh hùng này đã nuôi dưỡng Phạm Quang Lễ trở thành nhà khoa học tiêu biểu cho các thế hệ trí thức Việt Nam. 

Từ nhỏ ông  học rất giỏi và luôn tìm hiểu về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Phạm Quang Lễ luôn tự hào về những chiến công  hiển hách của quê hương. Sau khi đi học ở nhiều nơi, hy vọng của ông là được trở về phục vụ quê hương. 

Ngày 5-12-1946 ông được Bác Hồ trực tiếp phân công làm cục trưởng quân giới của Bộ quốc phòng và đặt tên là Trần Đại Nghĩa. 

Với những sánh kiến và phát minh của mình, ông đã góp phần làm nên nhiều chiến thắng của quân dân ta, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông là người đã góp hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

 Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua đầu tiên năm 1952…

Cũng chính quê hương Tam Bình đã sản sinh ra những người con anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Có những người giữ chức vụ quan trọng  như anh hùng Phan Văn Đáng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam, anh hùng Thạch Thia, anh hùng trẻ tuổi Trần Bội Cơ, Lưu Văn Liệt… họ là những người tiêu biểu cho quê hương và trang sử Tam Bình sẽ còn sáng chói cho đến tận đời sau…

Tam Bình với hàng trăm khu vườn rộng mênh mông nhưng trồng cam nổi tiếng ở Mỹ Thạnh Trung và Tường Lộc.

Chị Lưu Lệ Quyên, kể cho chúng tôi nghe về bao nỗi thăng trầm không riêng của vợ chồng chị, mà còn với cả với cái xứ sở cam sành này, nơi cứ mãi khóc cười với cây cam, để rồi hôm nay đã khẳng định được thương hiệu cam sành Tam Bình thơm ngon nổi tiếng.

Biết bao mồ hôi, công sức và tiền bạc của bà con nông dân đã đổ xuống. Vườn cam nhiễm bệnh: buồn. Cam không còn cứu chữa được phải đốn bỏ: khóc. Trồng lại mới: lo lắng, đợi chờ… 

Tam Bình là miền đất mang đậm nét văn hóa đặc trưng Nam Bộ, là văn hóa sông ngòi, kinh rạch, văn hóa cây lúa nước, văn hóa miệt vườn, nên có rất nhiều làng nghề truyền thống… 

Tuy không phải là mặt hàng chủ yếu phục vụ trong dịp Tết cổ truyền của người Việt, nhưng những ngày này, không khí làm bánh tại làng nghề bánh tráng giấy ở ấp Nhà Thờ, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình khá nhộn nhịp. Ai nấy đều tất bật với công việc, nhiều người phải thức khuya, dậy sớm mới sản xuất đủ lượng bánh giao cho khách hàng.

Nhờ có sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư thêm trang thiết bị cải tiến chất lượng, bao bì, nhằm đảm bảo hợp vệ sinh hơn, nên bánh ở đây sản xuất không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn ở các thị trường như Thành phố Cần Thơ, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre.. Theo nhiều người làm bánh ở đây cho biết, sản lượng bánh tiêu thụ trong tháng giáp Tết tăng từ 10 – 15% so với ngày thường. 

Một bất ngờ thú vị khi chúng tôi đi ngang một cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng ở Hòa Hiệp, gặp lúc người dân đang chắt nước cho lúa ngậm sữa. Chắt nước là rút nước ra khỏi ruộng, nên tôm cá trong ruộng phải kéo hết ra bờ rảnh. Bà con nông dân theo đó  xúm vào bắt cá. Tốp người chúng tôi bắt gặp đầu tiên, ai cũng lấm lem bùn sình, nhưng ai cũng tỏ ra hồ hởi. Người lo bắt cá gọng vào lu, người đốt lá dừa nước nướng trui cá lóc. 

Bữa cơm cuối năm được bày ra ngay gữa đồng, trong một chái lá lồng lộng gió xuân từ song Măng thổi về.

… Từ miền đất một thời hoang hóa, được Chúa Nguyễn chọn xây dựng thành lũy Cái Ngang, đi qua hai cuộc chiến tranh trường kì lửa máu, vượt qua biết bao khó khăn thử thách, giờ đây Tam Bình đã trở thành vựa lúa lớn nhất của Vĩnh Long, là miền đất hạt vàng của biết bao giống lúa thơm ngon, và đặc sản cam sành nổi tiếng cả vùng Nam Bộ… 

Cuộc sống đã bước sang trang sử mới, đời sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, giúp người dân biết tư duy ngay trên mảnh đất của mình, làm giàu cho gia đình và làm giàu cho xã hội… 

 

Về với Tam Bình là về với cái nôi kháng chiến, về với hàng trăm mẹ Việt Nam anh hùng đã lần lượt cống hiến cho Tổ quốc từng đứa con… Bây giờ thì mùa xuân đã đến, tràn ngập một bờ sông hoa, tràn ngập những niềm vui bất tận…  

Về với Tam Bình là về với tình người tình đất, về với dòng sông Măng thơ mộng, dòng sông mà theo cánh sóng lời ca… ngược dòng sông Măng về thăm quê mẹ Tam Bình…

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *