Bên bờ hạnh phúc

Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 16/8/2010 đã có 22 tỉnh xảy ra dịch heo tai xanh và hiện tại ở vùng ĐBSCL, hầu hết các tỉnh đều có dịch heo tai xanh. Theo ngành chức năng, trong vòng một tháng, các tỉnh phía Nam liên tiếp xuất hiện ổ dịch mới và lây lan rất nhanh. Nguyên nhân là do việc tiêm phòng vắc-xin không đạt yêu cầu, công tác quản lý và phòng chống dịch của một số địa phương chưa thật chặt chẽ. Từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước đã xuất hiện 2 đợt dịch bệnh heo tai xanh. Nếu như đợt đầu tiên, dịch bệnh này chỉ xảy ra trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, thì đợt này, ngoài các tỉnh phía Bắc ra, dịch bệnh đã xuất hiện tại các tỉnh phía Nam. Theo giới chuyên môn, chuyện dịch bệnh heo tai xanh năm nay ở các tỉnh phía Nam do di chuyển từ phía Bắc vào là có khả năng. Do chênh lệch về giá cả nên các thương lái đã vận chuyển heo giống từ các tỉnh phía Bắc vào miền Nam để tiêu thụ và mang theo mầm bệnh. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều và độ ẩm cao của Nam Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh.

Tại Vĩnh Long, dịch bệnh tai xanh trên heo được phát hiện vào đầu tháng 8/2010. Ngày 03/8/2010, một hộ ở Phường 8 – Thành phố Vĩnh Long chăn nuôi với tổng đàn heo trên 90 con đã báo tin heo bệnh, có dấu hiệu bỏ ăn và chết dần. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm gởi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút tai xanh. Liên tiếp các ngày sau đó, ngành Thú y tiếp tục phát hiện heo mắc bệnh và chết ở một số xã của huyện Bình Tân, Bình Minh, Long Hồ. Sau khi có kết quả xét nghiệm số heo bệnh này đều bị nhiễm vi rút tai xanh. Ngày 1/8/2010, UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định công bố dịch bệnh heo tai xanh trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm này, chưa được 20 ngày từ trường hợp bệnh đầu tiên, cả tỉnh đã có trên 27 xã, phường xảy ra dịch heo tai xanh, với gần 150 hộ chăn nuôi có đàn heo bị nhiễm bệnh. Số lượng heo mắc bệnh gần 2.500 con, trong đó có trên 660 con phải tiêu hủy.

Theo nhận định của ngành chức năng, bệnh heo tai xanh năm nay diễn biến khá phức tạp, vi rút có độc lực cao và tốc độ lây nhiễm nhanh, kết hợp với thời tiết có nền nhiệt độ và độ ẩm cao, làm sức đề kháng của heo giảm, vi rút dễ tấn công lây bệnh. Bên cạnh đó, công tác phát hiện dịch bệnh vẫn còn nhiều bất cập, khi heo bệnh, nhiều người chăn nuôi không khai báo mà mua thuốc tự điều trị, đến khi bệnh lan rộng thì mới báo cho cơ quan thú y. Chính điều này đã làm cho công tác ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tai xanh trên heo không được kịp thời.

Ngoài ra, do môi trường chăn nuôi chưa đảm bảo, việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh trên heo chưa đầy đủ, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán… Những nguyên nhân này đã làm cho đàn heo khi bị nhiễm vi rút tai xanh đã kéo theo những mầm bệnh khác tiềm ẩn trong môi trường và trong bản thân cá thể heo “trỗi dậy” tấn công và lây nhiễm.

Bệnh tai xanh trên heo được xác định là dịch bệnh rất nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh, gây thiệt hại nặng nề. Do đó, để ngăn chặn dịch bệnh này, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ như : tuyên truyền cho người dân hiểu rõ triệu chứng và tác hại của bệnh tai xanh, phân biệt rõ giữa bệnh này với bệnh liên cầu khuẩn lợn và các bệnh khác, tăng cường công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ… Thực hiện kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển heo trên địa bàn tỉnh và từ các tỉnh khác nhập vào nhằm phát hiện kịp thời và xử lý những trường hợp vi phạm vận chuyển, tiêu thụ heo và sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ của ngành chức năng…

Mặt khác, ngành Thú y địa phương còn tổ chức tiêu độc khử trùng ở các vùng có dịch bệnh xảy ra, khu vực có số hộ chăn nuôi nhiều, các lò mổ và các địa điểm trung chuyển gia súc, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường thức ăn đủ chất dinh dưỡng và sử dụng nước sạch, giúp heo nâng sức đề kháng với vi rút tai xanh và các bệnh khác… Khi phát hiện dịch bệnh xảy ra trên đàn heo, người chăn nuôi phải khai báo ngay với cán bộ, cơ quan thú y để được hướng dẫn phòng trị và xử lý kịp thời. Ngoài ra, đối với vùng có heo bị nhiễm bệnh tai xanh, tỉnh chỉ đạo tăng cường giám sát, theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh để có biện pháp xử lý và phòng ngừa tốt, nhanh chóng bao vây, khống chế và dập các ổ dịch. Ngành chức năng phối hợp với địa phương giám sát, lập biên bản xác minh dịch bệnh cho từng hộ có heo bệnh và xác định số lượng heo bệnh tai xanh cần tiêu hủy để báo cáo và lập danh sách hỗ trợ theo qui định của UBND tỉnh nhằm giải quyết một phần khó khăn cho người chăn nuôi… Song song đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch heo tai xanh các cấp yêu cầu chủ hộ chăn nuôi heo phải cam kết thực hiện “5 không” : không giấu dịch, không mua heo bệnh và sản phẩm heo bệnh, không “bán chạy” heo bệnh, không vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt bừa bãi xác heo bệnh ra môi trường.

Trước tình hình bệnh heo tai xanh bùng phát trên phạm vi của nước, công tác phòng chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa thông tin tuyên truyền về công tác vệ sinh thú y, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện hướng dẫn nâng cao sức đề kháng cho đàn heo, chú trọng vệ sinh chuồng trại và thường xuyên tiêu độc sát trùng quanh khu vực chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh trên heo. Trong điều kiện chăn nuôi còn nhỏ lẻ, lạc hậu, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao, vấn đề lâu dài là thực hiện các chánh sách hỗ trợ người dân chuyển đổi chăn nuôi theo hướng chất lượng và tiên tiến, tăng cường công tác thú y và sự hiểu biết về phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi. Trước mắt, bà con chăn nuôi cần có sự hợp tác tốt khi có dịch bệnh xảy ra, cùng các cơ quan chức năng khống chế nhanh dịch bệnh, khôi phục phát triển an toàn đàn heo trong thời gian tới.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *