Bên bờ hạnh phúc

Tường Lộc có sông Mang Thít chảy qua

Xã Tường Lộc có sông Mang Thít – tuyến đường thủy quốc gia chảy qua khoảng 7 km. Đoạn sông này không có trong tự nhiên, mà được đào bởi sự chỉ huy của một kỹ sư người Pháp có tên là Nicolai (năm 1905). Chính vì thế, tuyến kênh nầy còn được gọi là Kênh xáng Nicolai, kéo dài từ ngả ba Thầy Hạnh đến Trà Luộc, nối liền sông Tiền, sông Hậu qua sông Mang Thít và sông Trà Ôn. Kênh xáng đã cắt làng Tường Lộc ra làm đôi. Điều đó lý giải vì sao xã Tường Lộc ngày nay còn lại 3 ấp là Nhà Thờ, Tường Trí và Tường Trí B, nằm phía bờ Nam sông Măng. Riêng ấp Ba Chùa được giao về xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn. Chính đoạn kênh này đã tạo cho sông Măng có một vị trí chiến lược trong giao thông đường thuỷ từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây.

Về đường bộ, xã có tỉnh lộ 33 đi ngang qua khoảng 5 km, từ thị trấn Tam Bình đến Trung tâm Giáo dục Xã hội. Trên địa bàn này có các cơ quan, trường học của huyện và của tỉnh. Từ vị trí này mà Tường Lộc có một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trong phát triển kinh tế, xã hội. Có những tên đất, tên người đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Với vị trí trung tâm của huyện lỵ Tam Bình, Tường Lộc có các cơ quan đầu não của địch từ thời thuộc Pháp đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cùng với người dân Tam Bình, người dân Tường Lộc vẫn giữ vững truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm.

Vào những năm đầu thế kỷ 20, ở Tường Lộc đã có nhiều tổ chức cách mạng, nhiều phong trào yêu nước chống Pháp như hưởng ứng phong trào Duy Tân, Đông Du… Có những gia đình, như gia đình ông Lý Trung Chánh, ông Trần Phước Định đã cho con sang Nhật du học theo chủ trương Đông du của cụ Phan Bội Châu nhằm mở mang kiến thức, mong mai sau cứu nước cứu nhà. Riêng gia đình ông Lý Trung Chánh thì cả nhà đều tham gia cách mạng. Địa điểm nhà ông là nơi xuất phát cánh quân đánh vào đồn lính và dinh quận Tam Bình trong khởi nghĩa Nam Kỳ (năm 1940). Nhiều người kể rằng, sau khởi nghĩa khu vực, nhà ông bị giặc Pháp đốt trụi, gia đình ly tán. Trong thời kỳ 1930 – 1931 và Nam Kỳ khởi nghĩa, con cháu ông trước sau có 8 người bị địch bắt, trong đó có 6 người bị lưu đày ra Côn Đảo, bản thân ông nhiều lần bị bắt bớ giam cầm và cuối cùng cũng đã hy sinh ngoài Côn Đảo.

Xã Tường Lộc trước đây còn được biết đến với địa danh Ba Chùa, nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Tam Bình. Tại xóm nhà ông Ba Đua, vào năm 1929, một Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã được thành lập. Tháng 4 – 1930, trên cơ sở của tổ chức này, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tam Bình đã ra đời để lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, do ông Nguyễn Văn Nhung làm Bí thư. Những hoạt động tiêu biểu của Chi bộ lúc bấy giờ như treo cờ Đảng ở Nhà việc Hoà Bình, làm báo tuyên truyền giác ngộ người dân làm cách mạng, tổ chức các Hội quần chúng…

Bản đồ địa giới Tường Lộc

Ngã ba Thầy Hạnh là một địa danh quen thuộc trên tuyến sông Măng, cũng là ranh giới của các xã Xuân Hiệp, Hòa Lộc, Tường Lộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại khu vực này đã có đến 3 lần quân, dân ta cắt đứt đường giao thông huyết mạch của địch từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây, làm cho địch gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện những kế hoạch đánh phá của chúng. Ngày nay, quê hương sạch bóng quân thù, dòng sông Măng lại tiếp tục nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông, tạo điều kiện giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá trong khu vực.

Tường Lộc còn là quê hương của người anh hùng trẻ tuổi Lưu Văn Liệt. Anh đã tham gia cách mạng và anh dũng hy sinh khi đang ở tuổi học trò. Tiếng mìn của anh đã làm rung chuyển sào huyệt của kẻ thù, là tiếng mìn diệt Mỹ đầu tiên ở một thị xã của đồng bằng sông Cửu Long, cổ vũ mạnh mẽ phong trào diệt Mỹ cho cả miền Nam lúc bấy giờ. Tên anh đã được đặt cho ngôi trường cấp ba có bề dày truyền thống nhất thành phố Vĩnh Long ngày nay.

Nằm bao bọc xung quanh thị trấn Tam Bình nên xã Tường Lộc cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Thành tựu lớn nhất là hệ thống điện và giao thông nông thôn. Trường cấp III Tam Bình cũng được đặt trên địa bàn của xã, nơi có vị trí trung tâm của huyện, tạo điều kiện cho học sinh các nơi thuận tiện đến trường. Đời sống của người dân cũng từng bước được nâng cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là từ khi cây cam sành không còn trụ vững trên đất này. Nhiều người đã phải ban đất vườn làm ruộng hay xa xứ làm ăn. Người nông dân ở Tường Lộc nói riêng và nhiều nơi khác còn đang đối mặt với những thách thức của thời hội nhập. Với họ, cuộc sống thời hội nhập giống như bước vào một cuộc chiến đấu mới. Để thắng lợi trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình, ngày nay, không chỉ có siêng năng cần cù là đủ, mà còn phải biết kết hợp một cách có hiệu quả kiến thức khoa học và kinh nghiệm trong sản xuất.

Ông Lưu Hoàng Minh – một nông dân ở Tường Lộc – đã làm được điều mà người khác không thể làm là vẫn duy trì được vườn cam tươi tốt trong vòng vây của dịch bệnh. Ông đã hai lần đạt giải hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa – tỉnh Vĩnh Long. Thế mới hiểu, trong hoàn cảnh nào cũng vậy, ý chí và tâm huyết của con người cùng với sự say mê sáng tạo đã tạo thành sức mạnh mới, có thể chế ngự những rủi ro, những thách thức để tồn tại và phát triển. Riêng anh Cao Văn Rạch, ở ấp Tường Lễ cũng tìm cho mình một cách đi riêng. Tuy trồng hẹ không phải là điều mới mẻ gì, nhưng để mỗi năm có thu nhập hàng chục triệu đồng trên một công đất thì đòi hỏi đầu tư công sức rất nhiều. Một khi con người không phụ đất thì đất cũng không phụ người, sự chí thú và tâm huyết của những người nông dân như anh Cao Văn Rạch hay ông Lưu Hoàng Minh đã thể hiện điều đó.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân Tường Lộc đã kiên cường, buất khuất chống ngoại xâm

Do điều kiện đất hẹp người đông nên ngoài buôn bán và sản xuất nông nghiệp, ở Tường Lộc, từ lâu đã xuất hiện nhiều nghề thủ công như làm đuờng, làm bánh. Nghề làm đường hầu như ngày càng bị thu hẹp, trái lại, nghề làm bánh thì ngày càng mở rộng phát triển, nhất là nghề làm bánh tráng giấy ở ấp Nhà Thờ. Nghề xuất hiện vài chục năm nay, thu hút rất nhiều chị em tham gia, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Phụ nữ ở đây cũng nổi tiếng khéo léo và chịu khó. Bánh tráng giấy ấp Nhà Thờ theo dòng sông Măng chẳng những có mặt khắp nơi trong tỉnh, mà còn đến các tỉnh bạn. Gần đây, xã Tường Lộc đã làm thủ tục xin công nhận làng nghề truyền thống ở địa phương.

Trên địa bàn xã Tường Lộc còn xuất hiện nhiều cơ sở đóng tàu vận tải có tải trọng cả ngàn tấn. Có chủ cơ sở từ nơi khác đến thuê mướn mặt bằng phát triển sản xuất; cũng có chủ cơ sở là người dân địa phương, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi đã mạnh dạn, tận dụng thế mạnh của địa phương để đầu tư. Các cơ sở này đã thu hút nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật từ nhiều nơi, đồng thời cũng giải quyết được một số lao động ở địa phương. Sự xuất hiện những cơ sở đóng tàu góp phần làm cho hoạt động kinh tế ở Tường Lộc thêm phong phú, đa dạng và hài hoà theo chiều hướng giảm dần lao động nông nghiệp. Đó cũng là hứơng đi thích hợp trong giai đoạn hiện nay.

Điểm đặc biệt ở Tường Lộc là bà con họ Lưu chiếm số lượng rất đông. Họ có đóng góp rất lớn trong đấu tranh cách mạng lẫn trong xây dựng quê hương, nhất là về hoạt động khuyến học. Rất nhiều người mang họ Lưu đã lập nghiệp bằng con đường học vấn, hiện đang công tác ở TPHCM và các tỉnh thành. Ông Lưu Quang Nhựt – anh em họ của anh Lưu Văn Liệt – ở ấp Tường Nhơn A. Ông là cháu đời thứ bảy của ông Lưu Phước Tấn – một trong ba người họ Lưu đầu tiên từ miền Trung vào lập nghiệp trên vùng đất này. Các con của ông là nghệ sĩ Lưu Phước Sang, đạo diễn Lưu Huỳnh, đạo diễn Lưu Hữu Trí cũng thành danh từ truyền thống hiếu học của gia đình. Sự nỗ lực của mỗi người dân, của mỗi hộ gia đình, cùng những định hướng phát triển đúng đắn của địa phương là nhân tố để đưa Tường Lộc ngày càng văn minh giàu đẹp.

Tuy còn lắm khó khăn thách thức, nhưng chúng tôi vẫn tràn đầy tin tưởng, một mai, khi có dịp trở về thăm vùng quê nằm bên bờ sông Măng, sẽ chứng kiến những thay đổi diệu kỳ từ chính bàn tay và khối óc của người dân quê hương Tường Lộc

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *