Bên bờ hạnh phúc

 Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, tỉnh Vĩnh Long có trên 16.000 người con trung dũng ngã xuống và gần 4.000 người con khác đã hy sinh một phần xương thịt cho nền độc lập tự do của dân tộc.

 Với đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” những năm qua, bên cạnh việc giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta đối với người có công, tỉnh Vĩnh Long còn có nhiều chương trình, nhiều việc làm tình nghĩa giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng vươn lên ổn định cuộc sống. 

 Mặc dù đường đến ấp 9, xã Tân Lộc, huyện Tam Bình rất xa xôi cách trở nhưng tháng nào cán bộ, giáo viên Trường trung cấp nghề tỉnh Vĩnh Long cũng đến thăm viếng và trao tiền trợ cấp cho“ Mẹ Việt Nam anh hùng” Lê Thị Ba. Với mong muốn đền đáp một phần công lao to lớn cho một người mẹ có chồng và hai con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 2011, trường trung cấp nghề Vĩnh Long đã nhận phụng dưỡng mẹ đến trọn đời. Nghĩa cử  của đơn vị đã làm ấm lòng bà mẹ này lúc tuổi già. 

 

 Để ghi nhận công lao to lớn của các bà mẹ đã có cống hiến những người con, người chồng thân thương nhất của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “ Mẹ Việt Nam anh hùng ” cho 873 bà mẹ. Đây là sự tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước của Đảng và Nhà nước ta , nhằm giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Với tấm lòng tôn kính và biết ơn, những năm qua Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời tất cả 335 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Mỗi mẹ được trợ cấp thêm một số tiền trang trải cuộc sống tuổi già. Ngoài ra, hàng năm vào các dịp lễ tết, các đơn vị nhận phụng dưỡng còn cử người đến thăm hỏi tặng quà cho các mẹ. Số tiền trợ cấp được trích từ khoản tiết kiệm chi tiêu của các đơn vị, tuy không nhiều nhưng đã thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của những người đang sống hôm nay đối với những người mẹ đã có những cống hiến lớn lao cho ngày thống nhất đất nước.

 Thực hiện chính sách đối với người có công, từ năm 1992 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị Nhà nước công nhận gần 48.000 trường hợp, là thương binh, liệt sĩ, gia đình nuôi chứa cán bộ cách mạng. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước ta đối với những người có công với đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ Quốc và trong giúp bạn Cam Pu Chia.

Tất cả các gia đình có công với nước được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta. Trên 21.000 người được chi trả cấp 1 lần, trên 12.000 người được chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng, với trên 13 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn mua bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, đồng thời cấp sổ ưu đãi giáo dục cho học sinh, sinh viên là con em của các gia đình có công với nước.

Với truyền thống đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua tỉnh Vĩnh Long đã tập trung vận động xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa. Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách đã được các cơ quan, đơn vị tích cực hưởng ứng. Chỉ tính riêng năm 2011, tỉnh đã xây dựng mới và sửa chữa 657 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí là 10 tỷ đồng, nâng tổng số nhà tình nghĩa xây cất cho các gia đình chính sách từ năm 1992 đến nay lên gần 7.000 căn, với tổng kinh phí trên là 41 tỷ đồng. Hơn phân nửa số kinh phí này do các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân trong ngoài tỉnh đóng góp bằng sự tự nguyện theo tình cảm và trách nhiệm của mình. 

Căn nhà tình nghĩa được xã Phú Đức, huyện Long Hồ trao tặng cho ông Phạm Văn Cấm. Tham gia lực lượng du kích địa phương năm 1965, ông bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Trong thời gian ở tù, mặc dù bị đánh đập tra tấn,  nhưng ông cương quyết không khai báo. Sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng, Ông tiếp tục đảm nhận nhiều trọng trách tại xã nhà.

Để đền đáp một phần cống hiến lớn lao của ông, tập thể cán bộ, giáo viên trường đại học Cửu Long đã ủng hộ một số tiền cùng chung tay góp sức với gia đình xây cất lên căn nhà tình nghĩa khang trang .

 Căn nhà tình nghĩa vừa được xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình vừa trao tặng cho chị Nguyễn Thị Bá Thanh, là con của liệt sĩ Nguyễn Văn Hết, một cán bộ giao liên đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Căn nhà được xây cất với chi phí là 45 triệu đồng. Trong đó Ngân hàng công thương Vĩnh Long ủng hộ 30 triệu đồng. Có được căn nhà mới khang trang, gia đình chị không còn phải nương náu trong căn chòi dột nát xiêu sẹo.

 Để giúp các gia đình thương binh, liệt sĩ vươn lên trong cuộc sống, từ năm 2000, tỉnh Vĩnh đã xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”. Riêng năm 2011, tỉnh đã vận động được 3,6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, hàng năm vào các dịp lễ tết, các địa phương đều tổ chức thăm viếng, tặng quà cho các gia đình có công với nước. Nhiều gia đình gặp tai nạn, khó khăn đột xuất cũng được cứu trợ kịp thời. Quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa” do tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ đã góp phần đáng kể trong việc chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống các gia đình chính sách.

 

 Những năm qua, các tổ chức đoàn thể của tỉnh Vĩnh Long còn bảo lãnh cho đối tượng người có công được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, với lãi suất ưu đãi để trồng trọt, chăn nuôi phát triển sản xuất. Qua đó đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhiều gia đình. Nhờ vậy mà đến nay trong tỉnh có trên 94% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Mặc dù luôn được sự chia sẻ từ phía cộng đồng, sự hỗ trợ từ phía nhà nước, thế nhưng qua khảo sát cho thấy, đời sống của không ít gia đình người có công với nước vẫn chưa hết khó khăn. Nguyên nhân do thiếu sức lao động, bệnh tật thường xuyên tái phát, người già cao tuổi chỉ sống vào tiền trợ cấp ưu đãi hàng tháng của nhà nước. Qua khảo sát cũng cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 2.600 căn nhà tình nghĩa được xây dựng trước năm 1996, do mức đầu tư kinh phí thấp nên đã hư hỏng cần phải sửa chữa, nâng cấp.

 Để tiếp tục hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là khó khăn về nhà ở, kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay, Ban vận động “ Quỹ đền ơn đáp nghĩa” các cấp của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân cùng chung tay đóng góp vào quỹ này.

 Chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, để họ có mức sống ngang bằng, hoặc cao hơn mức sống bình quân của cộng đồng, là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc vận động gây “ Quỹ đền ơn đáp nghĩa” là việc làm thiết thực có ý nghĩa lớn lao.

 Với truyền thống đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” “ Ăn trái nhớ người trồng cây”, hơn ai hết, mỗi người chúng ta tùy theo khả năng của mình tích cực hưởng ứng cuộc vận động gây quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa”. Đó cũng là việc làm thiết thực góp phần hỗ trợ cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng vượt qua khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống./.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *