Bên bờ hạnh phúc

Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX, nhiệm kỳ 2011 – 2015 đã đề ra Nghị quyết mỗi năm tỉnh sẽ giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo. Để xác định được số hộ nghèo và hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn 2011-2015, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội kết hợp với ngành Thống kê và các địa phương trong tỉnh, thực hiện cơ bản hoàn thành đúng tiến độ cuộc tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Chỉ thị số 1752 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo vừa được các huyện, thành phố rà soát nhanh và báo cáo trong đợt kiểm tra tiến độ tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011- 2015 (tính đến 4/11) là 59.000 hộ. Trong đó, có 30.853 hộ nghèo (chiếm 11,7%), 28.426 hộ cận nghèo (10,78%).

Theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ, mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn này sẽ được tăng lên. Cụ thể, ở khu vực thành thị, những hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân dưới 500.000 đồng/người/tháng; hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng. Ở khu vực nông thôn, hộ nghèo có thu nhập dưới 400.000 đồng/người/tháng và hộ cận nghèo là 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.

Báo cáo với đoàn giám sát do ông Nguyễn Minh Phúc – Giám sát viên Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội làm trưởng đoàn – Ông Lê Quang Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, Thành phố Vĩnh Long, cho biết: Qua rà soát nhanh hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức chuẩn áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015, toàn xã có 1973 hộ, trong đó, số hộ nghèo 103 hộ (tăng 39 hộ); số hộ cận nghèo 233 hộ (tăng 115 hộ). Ông Lê Quang Điền còn cho biết: Sở dĩ số hộ nghèo, cận nghèo của xã tăng cao như vậy là do những năm qua, công tác tổ chức điều tra rà soát và quản lý hộ nghèo ở một số cơ sở chưa thật chặt chẽ, vẫn còn để sót không ít hộ nghèo và có những hộ không thuộc diện nghèo lại có tên trong danh sách của ấp, xã… phần nào làm hạn chế hiệu quả thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo. Do vậy, khi bắt tay thực hiện cuộc tổng điều tra này, các cơ sở tiến hành niêm yết danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được nhận dạng nhanh tại ấp, tổ, theo quy định. Song song đó, các điều tra viên tổ chức điều tra đúng tiến độ, đúng đối tượng, công khai dân chủ, tính toán chính xác mức thu nhập bình quân đầu người, thống kê tư liệu sản xuất và nắm rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo để có biện pháp giảm nghèo hiệu quả.

Qua thực tế khảo sát 5 hộ nghèo trên địa bàn xã Tân Hòa, có một hộ không đúng đối tượng vì hộ này có 4 lao động chính không nằm trong dạng nghèo theo quy định. Bốn hộ còn lại được khảo sát là đúng đối tượng, xác định được nguyên nhân nghèo, như có đặc điểm chung là phương tiện sản xuất còn thiếu thốn, đông con, đau ốm bệnh tật thường xuyên, vốn vay đầu tư sản xuất không hiệu quả nên khó thoát nghèo.
 

Tại buổi làm việc với các ban, ngành, đoàn thể thành phố Vĩnh Long, Ông Nguyễn Minh Phúc – Giám sát viên Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, nêu ra một số băn khoăn về công tác nhận diện hộ nghèo hiện nay cũng rất khó. Vì trước đây, người dân không muốn nhận hộ nghèo, nhưng bây giờ lại thích nghèo. Vì nếu là hộ nghèo thì sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về vốn, nhà ở, bảo hiểm y tế… Một số cán bộ địa phương còn nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo chưa đầy đủ, chưa có định hướng, giải pháp giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Việc quản lý danh sách hộ nghèo, nhân khẩu hộ nghèo còn lỏng lẻo dẫn đến sai sót trong việc thực hiện các chính sách. Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo ở địa phương chưa thực sự gắn liền với quy chế dân chủ, một số chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước chưa đến với hộ nghèo.

Theo đoàn khảo sát tại huyện Mang Thít – do ông Phạm Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh làm trưởng đoàn – chúng tôi đến làm việc tại xã Nhơn Phú và đi kiểm tra thực tế một số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xã. Qua báo cáo nhanh, toàn xã Nhơn Phú có trên 2.000 hộ trên địa bàn, trong đó hiện có 220 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo. Khảo sát 4 hộ nghèo thì có một hộ không đúng đối tượng vì hộ này có 4 lao động chính không nằm trong dạng nghèo theo quy định. Ba hộ còn lại được khảo sát là đúng đối tượng, xác định được nguyên nhân nghèo.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hai, 82 tuổi, ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít là một ví dụ. Gia đình bà được xếp vào diện nghèo, do bà đau ốm từ lâu, và thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào tiền công khuân vác gạch của vợ chồng cô con gái đầu lòng. Còn làm lúa chủ yếu để có gạo mà ăn, chứ nếu tính đầy đủ hầu như chẳng có mấy lãi, do giá lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hay thuê cày xới, ngày càng tăng. Nhưng thấy những trợ cấp của Nhà nước cho người già, thuộc diện chính sách không đủ thuốc thang cho bà và đảm bảo tiền học hành cho hai đứa cháu ngoại, nên hai đứa cháu ngoại của bà cũng lần lượt nghỉ học, sau khi học hết lớp 9, để phụ cha mẹ chúng đi bưng gạch mướn. Bốn mẹ con và cháu của bà, mỗi ngày kiếm được khoảng 60 ngàn đồng, cả tháng được ngót nghét 2 triệu. Trừ tiền thuốc thang cho bà, thì gia đình này với năm khẩu đã được xếp lên diện cận nghèo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát tỉnh và huyện, ông Võ Thành Thái, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội huyện Mang Thít cho biết, hiện toàn huyện có trên 24.000 hộ trên địa bàn, trong đó 220 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo. Trong 5 năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo đã được thực hiện. Huyện cũng đã triển khai một số dự án có tính khả thi cao, phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của hộ nghèo. Trong đó, dự án nuôi bò, dê đạt hiệu quả cao, chỉ cần đầu tư một lần ban đầu, thời gian sinh lợi nhanh, mức rủi ro ít lại tạo được việc làm và thu nhập cho lao động nhàn rỗi. Việc thực hiện chính sách cho vay đối với hộ nghèo những năm qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu làm ăn của hộ vay, góp phần giải quyết các khó khăn bước đầu về vốn cho các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán nhỏ vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người nghèo, huyện cũng khai thác tối đa các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ cấp xã hội và trợ cấp Tết… giúp cho người nghèo cải thiện đời sống, giảm bớt nhiều khó khăn.

Qua hơn một tháng thực hiện cuộc tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011 – 2015, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đã hoàn tất bước điều tra tại hộ. Theo đó, hộ cận nghèo vừa được các huyện, thành phố rà soát nhanh và báo cáo trong đợt kiểm tra tiến độ tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011- 2015 (tính đến 4/11) là 59.000 hộ. Trong đó có 30.853 hộ nghèo (chiếm 11,7%), 28.426 hộ cận nghèo (10,78%). Công việc thống kê, đánh giá đang được tiến hành để gởi về Ban chỉ đạo Trung ương để tỉnh sớm công bố kết quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được thực hiện trực tiếp đối với từng hộ, đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cấp, các ngành và của người dân nhằm xác định đúng đối tượng, không bị trùng lặp, sót, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương. Với những nỗ lực của Ban chỉ đạo các cấp và những kinh nghiệm qua các cuộc điều tra trước đây của các lực lượng điều tra viên, tin tưởng rằng, cuộc tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2011 – 2015 sẽ đạt được những kết quả thiết thực. Đây cũng là cơ sở giúp tỉnh Vĩnh Long có những thông tin chính xác để lãnh đạo và triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh có mức sống cao hơn, đạt mục tiêu Nghị quyết của tỉnh tại Đại hội Đảng bộ lần thứ IX đề ra là phấn đấu mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo.

Trọng Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *