Bên bờ hạnh phúc

Việc đưa cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hoá trình độ cho cán bộ, công chức ở cấp xã sẽ từng bước đáp ứng yêu cầu công việc của địa phương.

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Sở Nội vụ, tổng số cán bộ, công chức cấp xã hiện nay của tỉnh Vĩnh Long là 2.243 người. Trong đó, công chức xã theo 7 chức danh chuyên môn là 1.018 người và cán bộ chuyên trách là 1.225 người. Trong 5 năm qua, từ 2006 – 2010, toàn tỉnh có 2.799 lượt cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ và tin học. Nhiều cán bộ, công chức xã còn được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý và các kỹ năng khác. Tổng kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong 5 năm qua gần 20 tỷ đồng, trong đó, kinh phí do Trung ương hỗ trợ là 2,44 tỷ đồng và ngân sách tỉnh chi gần 19,6 tỷ đồng.

Nhờ được đào tạo, bồi dưỡng nên hiện nay, trình độ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh đã được nâng lên, thể hiện rõ ở chất lượng tham mưu. Thực tế cho thấy, công tác lãnh – chỉ đạo của cấp ủy và quản lý điều hành hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã đang có những chuyển biến đáng kể, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng ở các địa phương.

Những năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã luôn được sự quan tâm sâu sát từ phía các cấp ủy Đảng, chính quyền của các huyện, thành phố và các xã, thị trấn của tỉnh. Việc xác định nhu cầu, thực trạng ở các địa phương để quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã đã từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh Vĩnh Long vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể là số cán bộ, công chức tuyến xã chưa được đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị còn trên 51%, về quản lý nhà nước còn 40%.

Về chuyên môn, nghiệp vụ, còn 39% cán bộ, công chức chưa được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, dẫn đến thực trạng là trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức cấp xã không đồng đều; phần lớn cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn về nghiệp vụ hỗ trợ, nhất là tin học và ngoại ngữ; số cán bộ, công chức lãnh đạo cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn vẫn còn quá ít (trình độ đại học chỉ có 15% và trình độ sau đại học chưa tới 1%).

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cuối năm 2010, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã”. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trên 32.000 lượt cán bộ, công chức xã – những cán bộ chuyên trách công tác Đảng, đoàn thể chính trị – xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn, cán bộ nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ công chức đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do chuyển đổi công việc, có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020. Số cán bộ, công chức này sẽ được đào tạo về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, được bồi dưỡng theo các chức danh, vị trí làm việc, đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ. Tổng kinh phí thực hiện đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức xã” là 27 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đào tạo giai đoạn 2011 – 2015 là 12 tỷ đồng, kinh phí đào tạo giai đoạn 2015 – 2020 là 15 tỷ đồng.

Cũng theo đề án này, tất cả cán bộ, công chức cấp xã sẽ được đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức chính quy và tại chức tập trung tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh. Trường chính trị Phạm Hùng và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố là đầu mối đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị. Trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn là đầu mối đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, tỉnh còn liên kết với các học viện, các trường cao đẳng, đại học, các trung tâm thuộc các bộ, ngành trung ương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo nhu cầu.

Triển khai thực hiện đề án này, từ đầu năm 2011, tất cả các địa phương của tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo sát để xác định nhu cầu và nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2011 – 2015 và đến năm 2020 cho từng đối tượng cụ thể. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn đối với mỗi chức danh công chức, mỗi chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý xã.

Để xây dựng, phát triển lực lượng giáo viên, giảng viên làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, tỉnh Vĩnh Long đang xây dựng các tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách, cơ chế đãi ngộ phù hợp để thu hút những người có năng lực giảng dạy đang hoạt động trên các lĩnh vực thuộc mọi thành phần kinh tế – xã hội và những người đang công tác tại các cơ, quan đơn vị có năng lực tham gia giảng dạy theo chế độ kiêm nhiệm. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là trường chính trị Phạm Hùng, các trung tâm bồi dưỡng chính trị của các huyện, thành phố và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Các cơ sở đào tạo của tỉnh cũng đang tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với đối tượng người học.

Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là một trong các khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2010 – 2015 và chuẩn bị nguồn cán bộ cho giai đoạn 2015 – 2020. Tỉnh Vĩnh Long đang ra sức phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý điều hành kinh tế – xã hội và thực thi công vụ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *