Bên bờ hạnh phúc

Bạc Liêu, cuối tháng chín, những cơn mưa giữa mùa đã tạnh, trời đầy nắng. Chúng tôi, tìm đến với các xã vùng ven biển, nơi được xem là vành đai xanh của Thành phố Bạc Liêu. Đường vào khu du lịch Giồng Nhãn cũng là đường vào khu vực trồng rau màu của bà con 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. Con đường quê sạch sẽ, rực vàng hoa cúc dại trồng hai bên đường tạo nên một ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi ghé thăm vùng quê này.

Cánh đồng măng tây nằm tại ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành, Thành phố Bạc Liêu. Nghề trồng măng tây là nghề mới của bà con và cây măng tây đã đem đến nhiều lợi nhuận trong những năm qua. Với người dân vùng đồng bằng, măng tây là loại thực phẩm còn khá lạ trong ẩm thực gia đình… Chúng tôi đến thăm cánh đồng măng tây của anh Võ Hoàng Sáng, thường gọi là anh Ba Sáng. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng anh và con gái đã ra đồng từ sớm để nhổ từng cọng cỏ nhỏ, chăm chút cho cây măng, một loại rau mới giúp gia đình anh thu nhập khá cao trong năm qua. Mới trồng măng tây hơn một năm như mọi người nhưng anh là người trồng hiệu quả nhất xã Hiệp Thành này. Từ sáng sớm, bà con đã có mặt trên đồng măng để làm cỏ và làm thật sạch, không còn một loại cỏ nào trên các giồng măng. Với bà con, cây măng tây là một loại rau màu mới, hiệu quả kinh tế rất cao, cần phải lưu ý chăm sóc kỹ.

Hưởng ứng dự án trồng cây măng tây do Phòng Kinh tế Thành phố Bạc Liêu phát động, gia đình anh Võ Văn An – ở ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành – Thành phố Bạc Liêu – cũng đã bỏ cây rau để trồng cây măng tây này. Chỉ trồng thử hơn 1 công, lúc đầu, anh chưa tin hẳn vào hiệu quả kinh tế của măng tây, nhưng hơn một năm, bình quân mỗi ngày anh thu được từ cây măng hơn 100.000 đồng. Có lúc giá tăng lên 40.000 đồng/ký tại vườn như hiện nay, mỗi ngày thu hơn 200.000 đồng, hiệu quả rất rõ… Anh đang dự tính trồng sẽ trồng thêm 2 công măng vào tháng tới.

 

 
 Cánh đồng măng tây
 
Nhu cầu tiêu thụ măng tây hiện nay còn khá lớn

 

Cây măng tây thoạt nhìn giống như cây dương dùng để trang trí bó hoa hoặc bình hoa chưng trong gia đình. Tuy cành lá thì giống, nhưng cây măng cho những búp măng non có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều công ty rau quả thu mua cung cấp cho thị trường. Bà con thường thu hoạch măng vào sáng sớm và phân ra loại 1 và loại 2. Loại 1 là cây măng lớn bằng ngón tay trỏ, chiều dài đủ để cắt trong khuôn 25 cm, loại 2 cắt trong khuôn 20 cm. Loại 1 hiện nay được Công ty Cẩm Hon ở TPHCM thu mua giá 40.000 đồng/ký, loại 2 là 25.000 đồng/ký.

Cây măng tây là một loại rau thân thảo, không phải thân tre như các loại măng thông thường của nước ta. Vì vậy, việc canh tác măng tây rất phù hợp với vùng trồng rau màu, đất tơi xốp và không ngập nước như ở vùng đất giồng. Ở Giồng Giữa, bà con đang trồng 2 loại giống phổ biến là : măng tây xanh, tên khoa học là California 500, và măng tây trắng, đại diện là giống F Mary Wasington… Theo hướng dẫn của chuyên viên phòng kinh tế Thành phố Bạc Liêu, chúng tôi đến thăm vườn ươm giống măng tây để cung cấp cho nông dân. Cây măng tây có trái nhưng không thể trồng vì sẽ không có măng non. Hiện tại, Phòng Kinh tế phải nhập hạt giống để ươm trồng và cung cấp cho bà con nông dân với giá 2.500 đồng một cây. Theo tính toán, một ha măng thu từ 400 đến 450 triệu đồng/năm. Còn 1 ha rau màu chỉ khoảng 150 triệu/năm và nhu cầu tiêu thụ trong nước còn rất lớn, chưa tính đến chuyện xuất khẩu.

Ở xã Vĩnh Trạch Đông, nơi có diện tích trồng măng tây nhiều nhất, chúng tôi gặp những cánh đồng măng đang cho thu hoạch. Có thể nói, trồng sau 5 tháng là cây măng đã cho thu hoạch hàng ngày. Một năm chỉ ngưng độ 1, 2 tháng để dưỡng cây, còn lại là chăm sóc và bẻ măng, nguồn thu nhập cao và ổn định, nông dân rất phấn khởi. Hai anh em Khưu Duy An và Khưu Duy Hiếu là những người đầu tiên hưởng ứng phong trào trồng măng tây của xã. Anh An ngày nào cũng thu khoảng 20 ký trên 2 công đất trồng măng, đều đặn bỏ túi 400.000 đồng/ngày mà không quá cực như trồng rau màu ngày trước. Là Trưởng Trạm Y tế của xã, không có thời gian nhiều cho cây măng tây, anh phải thuê người chăm sóc, giống như “làm chơi mà ăn thiệt”, anh cũng đang dự tính mở rộng thêm khoảng 2 công nữa để trồng măng tây.

Trồng măng tây một dự án lớn của phòng kinh tế Thành phố Bạc Liêu. Đây là một dự án có nghiên cứu kỹ và tính đến hiệu quả lâu dài. Dù là nơi có diện tích trồng nhiều nhất nước nhưng hiện cây măng tây vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để nhiều bà con nông dân tham gia trồng đại trà. Từ đó dẫn tới nguồn tiêu thụ tuy lớn, nguồn cung thiếu nên chưa thể tính đến việc xuất khẩu loại thực phẩm này. Hy vọng trong tương lai không xa, vành đai xanh Bạc Liêu sẽ ngày càng nổi tiếng với vùng chuyên canh cây măng tây, xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới…

Quách Nhị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *