Bên bờ hạnh phúc

Hiện nay, việc nuôi tôm theo hướng an toàn sạch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh đang được nhiều bà con nuôi tôm quan tâm. Một trong những khâu quan trọng giúp bà con thực hiện thành công quy trình này là ở khâu sản xuất con giống.

Nếu ngay từ đầu con giống được “huấn luyện” trong môi trường không có kháng sinh thì về sau nó cũng không cần kháng sinh mà vấn sống tốt. Vì vậy, nhiều cơ sở tôm giống đang chuyển sang sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Trại tôm giống Dương Hùng – ở xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu là một trong số ít cơ sở dám bỏ vốn đầu tư theo hình thức này. Hơn 4 năm qua, năm nào trại sú giống Dương Hùng cũng sản xuất gần 2 tỷ con theo quy trình sinh học cung cấp cho người nuôi. Mặc dù giá thành và giá bán khá cao nhưng trại thường không đủ tôm giống cung cấp. Thậm chí, có những khách hàng ở Vũng Tàu cũng vào tận xứ Bạc Liêu để mua tôm giống của Dương Hùng. 

 

 
 Ông Dương Hùng

“Nhà nghèo xơ xác, con cái nheo nhóc” , đó là những hình ảnh mà ông Dương Hùng không thể nào quên khi nhắc lại chuỗi ngày cơ cực của mình trước đây. Từng làm người dạy chữ, chống giặc dốt ở vùng giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ; sau giải phóng, ông được Đảng, nhà nước cho đi học tiếp đến hết lớp 12 rồi về làm Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quê hương ông – huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Những tưởng cuộc sống sẽ thoát được cái nghèo cơ cực như cha mẹ ông, nào ngờ nghèo vẫn hoàn nghèo. Tiền lương nhà giáo vào những năm thời bao cấp của hai vợ chồng ông không đủ chi tiêu cho gia đình gồm 5 đứa con nheo nhóc. Đến năm 1989, hai người quyết định nghỉ việc, rời bỏ quê hương đi lập nghiệp.

Sau thời gian tìm hiểu cuộc sống ở nhiều nơi, ông Dương Hùng quyết định đến xứ biển Gành Hào sinh sống. Rời khỏi quê hương với 2 bàn tay trắng, đến nơi ở mới, không có đất đai, không vốn liếng, gia đình 7 người phải thuê căn nhà nhỏ tại chợ Gành Hào buôn bán kiếm sống qua ngày. Cũng vào thời gian này, ông Hùng nghe nói nuôi tôm mau làm giàu, thế là ông lần tìm đến những người có cùng chí hướng hùn hạp làm ăn. Mới dành dụm được một ít vốn, cộng với tiền vay mượn thêm, ông cùng người bạn đến Cà Mau và Kiên Giang thuê đất nuôi tôm sú. Mới thả giống không bao lâu thì tôm chết sạch. Lần đầu ông Hùng đi làm nghề tôm, coi như bị mất trắng.

Thất bại trong việc nuôi tôm, nhưng ông còn trụ được nhờ đeo theo nghề buôn tôm giống. Ông ra tận các tỉnh miền Trung mua con giống về bán cho bà con nuôi tôm. Lần hồi, ông cũng học lóm được nghề sản xuất tôm giống, rồi tự sản xuất chứ không ra miền Trung mua nữa. Chỉ được vài năm, nghề nuôi tôm của bà con bắt đầu xuống dốc kéo theo nghề sản xuất giống của ông cũng gặp khó khăn. Lúc này, nợ cũ chưa hết, nợ mới lại ập đến. Dù thất bại, nhưng ông vẫn tiếp tục vay vốn để theo đuổi con tôm, bởi ông vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ thành công.

 Khi niềm hy vọng về một cuộc đổi đời được nhen lên , thì nỗi buồn khác lại đến. Vì không khuyên được chồng bỏ nghề tôm, người vợ đã hơn 15 năm chung sống bỏ nhà ra đi biền biệt, để lại 5 đứa con cho một mình ông gánh vác. Thời gian sau, ông Hùng gặp người phụ nữ cũng nghèo và có cùng cảnh ngộ như ông. Có lẽ, do hoàn cảnh giống nhau nên họ dễ thông cảm cho nhau hơn. Vậy là ông Hùng bước thêm bước nữa với người vợ hai có tới 7 người con riêng. Như vậy là trong căn nhà nghèo khó ấy, có đến 12 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn mà vợ chồng ông Hùng phải cùng nhau gồng gánh đến sau này.

Thất bại càng nhiều, nỗi đau càng lớn thì sự quyết tâm để đi đến thành công càng mãnh liệt hơn. Với ông Dương Hùng cũng vậy. Càng đi vào nghề tôm, đặc biệt là nghề sản xuất con giống, ông Dương Hùng càng thấu hiểu và rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá cho mình. Ông nhận định rằng: con giống quyết định đến 50% sự thành công trong nghề nuôi tôm của bà con. Ông tìm đến nhiều nhà khoa học khác nhau, đến tham quan các viện trường để tìm hiểu mô hình…Về sau, ông quyết định, nếu muốn đứng vững trong nghề sản xuất con giống, phải đi theo hướng chất lượng và an toàn. 

 

 
Trên cả nước hiện chỉ có vài doanh nghiệp sản xuất tôm giống theo hướng an toàn sinh học

Chưa dừng lại ở đó, năm 2005, ông Dương Hùng quyết  định làm một cuộc đột phá mới, đó là xây dựng trang trại sản xuất tôm sú giống theo hướng an toàn sinh học. Đây là một hướng đi mới trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là con tôm. Trên cả nước, số lượng trang trại như thế này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn việc nông dân dám đầu tư qui mô lớn là lần đầu tiên trong giới nuôi tôm đồng bằng. Bởi lẽ, sản xuất con giống theo hướng an toàn sinh học sẽ tốn kém, giá thành con giống khá cao. Điều đặc biệt là, ông cho người mua có quyền lấy mẫu tôm giống đi phân tích, nếu đạt thì mua, không đạt thì ông trả tiền phân tích. Có thể nói đây là một cách để ông đảm bảo chất lượng con giống của trại mình.   

Để đi theo hướng an toàn sinh học thành công, ngoài việc đầu tư các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng hàng chục tỷ đồng, ông còn tiến hành tuyển mộ một đội ngũ kỹ sư giỏi, thạo việc, có tâm huyết với nghề để làm việc tại trang trại. Cách nay 3 năm, trang trại đã đăng ký chuyển sang doanh nghiệp tư nhân, từ đó, chế độ tiền lương, đãi ngộ và nơi sinh hoạt nghỉ ngơi cho công nhân cũng được ông đầu tư đúng mức hơn.

Hiện thời, Doanh nghiệp Dương Hùng có 54 trại, với gần 1.100 hồ ương giống, hàng năm sản xuất gần 2 tỷ con giống cho bà con nuôi tôm. Để đảm nhận khối lượng công việc như thế, Doanh nghiệp đã thu hút trên 200 lao động và hàng chục kỹ sư vào sống và làm việc tại đây. Chất lượng tôm giống do trại Dương Hùng sản xuất không chỉ được các ngành chức năng đánh giá cao về mặt kỹ thuật và phương pháp sản xuất, mà chất lượng này còn được chính bà con nuôi tôm khẳng định. Vì vậy, con giống “ra lò” bao nhiêu được đặt hàng hết bấy nhiêu.

Từng trải qua những khó khăn thất bại, giờ đây, ông Dương Hùng không muốn để bà con nuôi tôm vấp phải. Doanh nghiệp chỉ bán tận tay cho người trực tiếp nuôi tôm chứ không bán qua trung gian, các con của ông chịu trách nhiệm giao hàng đến tận ao nuôi. Hàng năm, ông cho chi hàng tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng chi phí lấy mẫu xét nghiệm. Những việc làm này của ông chủ Dương Hùng không chỉ là để khẳng định chất lượng và uy tín của doanh nghiệp mình mà còn thể hiện tác phong đạo đức trong nghề sản xuất tôm giống. Đồng thời qua đó cũng khẳng định sản xuất con giống theo quy trình an toàn sinh học là hướng đi đúng đắn và bền vững.

Thúy Hằng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *