Bên bờ hạnh phúc

ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu với nhiều trở ngại. Không chỉ do thời tiết mưa nhiều mà quan trọng hơn là giá lúa sụt giảm mạnh. Trong khi đó,các doanh nghiệp xuất khẩu đối diện lượng gạo tồn kho lớn, tiến độ thu mua gạo nguyên liệu chậm do chịu sự cạnh tranh lớn trên thị trường. Tạm trữ 500 ngàn tấn gạo là giải pháp vừa được chính phủ đưa ra, bắt đầu từ 10/ 7 đến 10/ 8/ 2012, đang được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo triển khai thực hiện.

 

Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bước vào mùa thu hoạch 1,6 triệu ha lúa hè thu. Vụ lúa này được đánh giá là trúng mùa với năng suất đạt bình quân hơn 6,5 tấn/ha. Như vậy, ước tổng sản lượng vụ hè thu năm nay đạt hơn 9 triệu tấn. Tuy nhiên, niềm vui trúng mùa không trọn vẹn, khi giá lúa tươi hồi cuối tháng 6  chỉ còn 3.500 đến 3.600 đồng/ kg. Trong khi lúa khô cũng cao hơn khoảng 1 ngàn đồng/kg, tức thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 20%.

Vụ lúa hè thu năm nay, tỉnh Vĩnh Long xuống giống hơn 61.000 ha. So với vụ hè thu năm ngoái thì các trà lúa năm nay ít chịu ảnh hưởng sâu bệnh nên năng suất bình quân đạt 6,7 tấn/ha, như vậy, sản lượng lúa chỉ riêng vụ này đã xấp xỉ 400 ngàn tấn. Trong khi  giá lúa thấp nhưng việc tiêu thụ vẫn khó khăn vì lượng thương lái đi mua không nhiều. Hầu hết các nhà kho chỉ mới bắt đầu thu mua lại từ 3 tuần qua .

Trước việc người trồng lúa gặp khó khăn, ngày 02/ 7, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ đạo các doanh nghiệp mua tạm trữ 500 ngàn tấn gạo vụ hè thu năm 2012. Đây là đợt thứ 2 trong năm , Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo. Tuy nhiên, so với đợt trước, số lượng chỉ bằng 50%. Một đặc điểm mới là đợt tạm trữ lúa gạo lần này, Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành liên quan và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long quy định rõ mức giá mua định hướng vụ hè thu năm 2012 , đảm bảo giá thu mua lúa bù đắp chi phí sản xuất và có lãi tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất theo Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, điều hành giá lúa gạo.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã giao cho 92 doanh nghiệp thành viên mua gạo tạm trữ lúa gạo với giá  thị trường, tăng 5 doanh nghiệp so với tạm trữ vụ đông xuân. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo tạm trữ trong thời gian là 3 tháng, từ ngày 10/ 7/ 2012 đến ngày 10/ 10/ 2012. Ngay sau khi có quyết định tạm trữ này, giá lúa trên thị trường đã nhích lên 200 đồng/ kg.

Dù giá lúa trên thị trường có tăng nhưng hiện đầu ra cho hạt gạo VN vẫn chưa khả quan. Ở xí nghiệp này, tiến độ thu mua bình quân đạt 300 tấn/ ngày. Tuy lượng gạo mua vào và bán ra vẫn được luân chuyển liên tục nhưng lượng tồn kho cũng đã 5 ngàn tấn. Còn theo thống kê của Hiệp hội lương thực VN thì lượng gạo còn tồn trong cả nước là gần 1,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu bán lúa gạo hè thu đang tăng dần.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì khó khăn hiện nay là do lượng gạo đông xuân chưa tiêu thụ hết lại thêm lúa hè thu vào vụ cao điểm thu hoạch. Từ đó khiến cho hàng tồn kho lớn, trong khi vốn, kho chứa của doanh nghiệp có hạn. Điều này khiến cho thương nhân nước ngoài ép giá thấp hơn so với gạo các nước khác. Trước đó, giá gạo xuất khẩu của VN chỉ đứng sau Thái Lan, nhưng từ đầu tháng 7 , giá chào bán đã thấp nhất trong nhóm xuất khẩu của châu Á, dưới cả Pakistan, Ấn Độ. Đáng chú ý là trong nửa đầu năm 2012, tỷ lệ gạo xuất khẩu tập trung chỉ chiếm khoảng 19%, trong khi các hợp đồng thương mại chiếm đến 81%. Gạo xuất khẩu của VN sang tất cả các thị trường đều giảm và lần đầu tiên Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu gạo VN nhiều nhất.

 

Trong nửa đầu năm 2012, do thiếu những hợp đồng tập trung như các năm trước nên gạo xuất khó khăn. Theo Hiệp hội lương thực VN, tổng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay hơn 3,4 triệu tấn, kim ngạch xấp xỉ 1 tỉ 600 triệu đô la. So với cùng kỳ năm trước, gạo xuất khẩu thấp hơn gần 13% về lượng và thấp hơn 15% giá trị. Riêng Vĩnh Long trong tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được gần 26.500 tấn gạo, giảm gần 63% về lượng và gần 65% về giá trị so với tháng trước đó. Tính chung trong nửa năm qua, kim ngạch xuất gạo của tỉnh chỉ đạt gần 90 triệu đô-la Mỹ, bằng 41% kế hoạch năm. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của tỉnh đã giảm 28% lượng và giảm 29% giá trị.

Dự báo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc thì giá  gạo nửa cuối năm 2012 sẽ khó tăng do nguồn cung dồi dào. Dự báo này căn cứ vào sản lượng và tồn kho toàn cầu năm 2012 tăng cao kỷ lục. Tuy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gạo được dự đoán cũng tăng lên nhưng tỷ lệ tăng thấp hơn mức tăng của sản lượng. Do vậy, lượng gạo thương mại toàn cầu năm nay giảm 2% so với năm 2011. Hai quốc gia có sản lượng gạo tồn kho lớn hơn nhiều lần so với VN là Ấn Độ và Thái Lan. Trong đó, Ấn Độ đã mở kho bán hàng tồn trong khi Thái Lan vẫn chưa biết bán ra lúc nào. Do vậy, thị trường gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm dự báo sẽ ít có sự đột biến về giá. Trong khi đó, tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt của các nhà cung cấp trên thế giới.

Giữ giá lúa gạo sao cho có lợi cho người sản xuất, giúp nông dân tái đầu tư cho vụ lúa mới trong điều kiện thị trường không thuận lợi, sẽ là bài toán khó cho các doanh nghiệp chuyên ngành lương thực, cần có sự hổ trợ chánh sách từ Chính phủ. Trước mắt, cần thực hiện tốt chủ trương mua lúa gạo tạm trữ để giảm bớt thiệt hại cho nông dân trong vụ lúa hè thu này.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *