Bên bờ hạnh phúc

Thời gian gần đây, bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL đã đầu tư trồng vú sữa với diện tích ngày càng lớn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, một số dịch hại nguy hiểm trên cây vú sữa cũng đã xuất hiện, làm cho cây bị chết hàng loạt. Trong đó, thối rễ, chết nhánh là dịch bệnh phổ biến và đã gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.

Cây vú sữa bị bệnh thối rễ, chết nhánh sẽ cho trái kém, không có giá trị thương phẩm

Bệnh thối rễ, chết nhánh gây hại trên cây vú sữa bằng cách tấn công, làm tổn thương bộ rễ, khiến cây suy kiệt, chậm phát triển, chết nhánh và làm giảm chất lượng trái. Bệnh thối rễ trên cây vú sữa lây lan rất nhanh, không chỉ làm giảm năng suất trái mà còn làm chết cây hàng loạt.

Bệnh này có khả năng gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây. Chúng phát triển mạnh trên những vùng mất cân bằng sinh thái đất, vườn cây sử dụng nhiều phân thuốc hóa học liên tục qua nhiều năm mà ít bón phân hữu cơ, khiến cho đất bị suy thoái, nghèo dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác trái quá mức, cùng với các biện pháp canh tác không tốt cũng đã góp phần làm cho cây mau bị suy kiệt.

Ngoài ra, kỹ thuật thiết kế vườn thấp, luôn bị ngập nước, sử dụng nguồn cây giống không tốt và chế độ chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng chưa đúng cũng là yếu tố làm cho bộ rễ cây bị tổn thương, tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập, tấn công làm chết cây.

Theo các nhà chuyên môn, bệnh thối rễ, chết nhánh trên cây vú sữa có rất nhiều tác nhân gây ra nhưng chủ yếu là do hai loài nấm Fusarium solani và Pythium. Tuyến trùng Pratylenchus cũng đã góp phần làm cho cây bị bệnh nặng thêm. Triệu chứng điển hình của bệnh thối rễ trên cây vú sữa là cây bị suy yếu, lá trên cành bị khô và rụng nhiều, dẫn đến hiện tượng cây bị trơ cành, khô nhánh. Nếu cây mang trái thì bị héo, sau đó khô đen và rụng. Khi đào dưới gốc thì hệ thống rễ mềm không còn, những rễ lớn hơn bị thối nhũn.

Một khi cây vú sữa bị nhiễm bệnh này thì bộ rễ bị thối, sau đó khô và hóa nâu, làm cho cây không có khả năng phát triển, cành nhánh bị khô. Cây bị bệnh cho năng suất và phẩm chất trái kém, không có giá trị thương phẩm.

Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh thối rễ, chết nhánh trên cây vú sữa nên biện pháp phòng ngừa vẫn là chủ yếu. Theo các nhà chuyên môn, để phòng ngừa bệnh đạt hiệu quả, bà con nông dân cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như chọn cây giống sạch bệnh, áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, chăm sóc cây trồng khỏe, bón phân hóa học cân đối và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng ngừa sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng.

Đặc biệt, bà con nông dân cần chú ý đắp mô cao và tránh để vườn cây bị ngập úng, làm hư bộ rễ, bón nhiều phân hữu cơ và tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho đất. Ngoài ra, cần vệ sinh vườn, tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch để loại bỏ những cành khô, nhánh bệnh, giúp cho cây thông thoáng và sớm đâm chồi mới.

Bà con nhà vườn cũng cần thường xuyên kiểm tra vườn để sớm phát hiện bệnh và biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Khi phát hiện cây mới chớm bệnh, bà con nên xử lý thuốc bảo vệ thực vật ngay bằng cách cắt bỏ rễ bị thối và bôi thuốc vào các vết cắt, phun các loại thuốc gốc đồng, gốc Propiconazole lên tán cây 25 – 30 ngày trước khi thu hoạch để diệt nấm hại trái và làm khô cành. Ngoài ra, nhà vườn có thể sử dụng các loại thuốc xử lý vào gốc để tiêu diệt tuyến trùng trong đất. Lưu ý, khi dùng thuốc hóa học phải đảm bảo đúng thuốc và áp dụng đúng kỹ thuật thì mới đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn khuyến cáo, bà con nông dân nên xử lý đất thật kỹ trước khi trồng cây, trồng cây với mật độ vừa phải và bón phân cân đối, nhất là phải chú ý bón thêm nhiều phân hữu cơ để tạo cho đất tơi xốp. Đồng thời, cung cấp thêm nấm đối kháng Tricoderma cho vườn cây để tiêu diệt các nấm gây hại có trong đất cũng là một biện pháp hiệu quả. 

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *