Bên bờ hạnh phúc

Với người dân Việt Nam, tháng 4 đến thường mang theo nguồn cảm xúc dạt dào. Vào những ngày tháng 4, Đảng – Chính phủ – nhân dân luôn nhắc tên những anh hùng liệt sĩ, những người đã có công lao đóng góp cho sự thắng lợi trọn vẹn của cách mạng Việt Nam.

Ở Vĩnh Long, trong không khí kỷ niệm Ngày Chiến thắng vinh quang của dân tộc, người ta không thể không nhắc tên ông – một trong số những người lãnh đạo xuất sắc phong trào cách mạng tỉnh nhà suốt hai thời kỳ kháng chiến. Ông là Nguyễn Ký Ức, nguyên UV BCH trung ương Đảng Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long, người đứng đầu Đảng bộ và quân dân Vĩnh Long tại thời điểm mùa xuân năm 1975.

Ông tên thật là Nguyễn Văn Chính, sinh năm 1931, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Ngãi Tứ –  huyện Tam Bình – tỉnh Vĩnh Long. Mồ côi mẹ từ năm mới lên hai, đến năm mười sáu tuổi, ông lại mất cha – một người mà ông rất mực yêu thương. Tuổi thơ cơ cực, thiếu vắng hơi ấm tình thương của mẹ cha có lẽ đã làm ông lớn trước tuổi. Sau này, mọi người đều nhận xét, ít nói, trầm tĩnh là bản tính của ông. 

Lớn lên vào buổi bình minh của cách mạng Việt Nam, ông sớm gia nhập Đội Nhi đồng cứu quốc. Mười bảy tuổi chính thức thoát ly gia đình đi làm cách mạng, mười tám tuổi được kết nạp vào Đảng, hai mươi tuổi đã làm Chính trị viên xã đội, hai mươi bốn tuổi là huyện ủy viên Huyện ủy Trà Ôn và liền sau đó là Chính trị viên Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt – lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh nhà. Mới ngoài đôi mươi, ông đã trở thành một trong số những người lãnh đạo cốt cán của quê hương Ngãi Tứ anh hùng và là chỗ dựa đầy tiềm năng cho phong trào cách mạng ở Vĩnh Long.

 

Thông minh, bản lĩnh, giàu tình cảm và ý chí, sớm được tôi luyện bởi cuộc đời cực nhục, bất công và hà khắc thời trước cách mạng, sau đó từng bị địch bắt và tra tấn, rồi vượt ngục, vào sinh ra tử trên các chiến

trường, chớm tuổi thanh xuân đã phải gánh vác những trọng trách nặng nề trong cuộc chiến sống còn với kẻ thù – những tố chất ấy và những đặc điểm ấy trong cuộc đời ông đã nhanh chóng phát triển thành những phẩm chất cốt lõi cần thiết cho một người cán bộ làm công tác lãnh đạo.

Mùa xuân này, ông đã 81 tuổi, sức khỏe không còn được như xưa, vì vậy, chúng tôi quyết định chỉ mời ông cùng một số bạn bè, đồng đội về thăm lại khu căn cứ Cái Ngang – một trong số những địa bàn đứng chân của Tỉnh ủy Vĩnh Long thời kháng chiến, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm sâu sắc trong đời kháng chiến của ông. Giữa lúc ông say sưa kể chuyện, nhắc lại những kỷ niệm đã gắn bó ông với từng hiện vật, từng tấm ảnh được trưng bày nơi đây, chúng tôi lặng lẽ nghĩ đến những dấu ấn trong cuộc đời ông – những dấu ấn làm nên hình ảnh, huyền thoại về một con người văn võ song toàn. 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn khó khăn. Xác định xây dựng lực lượng vũ trang là điều rất cần thiết để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến còn lâu dài và gian khổ, dựa trên những tiền đề thuận lợi, Tỉnh ủy đã phân công cho ông nhiệm vụ gầy dựng lực lượng vũ trang trong vùng đồng bào theo đạo Hòa Hảo. Ông trở thành Bí thư kiêm Chính trị viên của đơn vị mang phiên hiệu 177 tức Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo. Về sau, Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo được đổi tên thành Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt – tiền thân của Tiểu đoàn 857 anh hùng ngày nay. 

Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang trong đồng bào tôn giáo về thực chất là một công việc rất khó khăn. Để vận động quần chúng, ông chỉ đạo đơn vị thực hiện phương châm ba cùng – cùng ăn, cùng ở, cùng làm, chia sẻ cuộc sống, từng bước tạo thiện cảm trong các tầng lớp nhân dân. Từ phong trào ba cùng, nhiều cái tên thân mật đã được đồng bào đặt cho cán bộ – chiến sĩ Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt, trong đó, cái tên Chín cà-ràng được đặt cho chính ông vì ông nắn cà-ràng rất khéo. Từ chỗ thiếu tin tưởng, bị hoài nghi lúc ban đầu, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt dần được nhân dân thương mến, hết lòng đùm bọc, chở che, tới mức có thể hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cán bộ – chiến sĩ. Tiểu đoàn đi dân nhớ, ở dân thương, đứng chân và phát triển tốt trên vùng đất đồng bào Hòa Hảo, từ đó lập nên nhiều chiến công vẻ vang trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Vĩnh Long. Công lao to lớn ấy trước hết thuộc về người chỉ huy, người lãnh đạo đơn vị là ông. Với người cán bộ làm cách mạng, vận động được đồng bào, cơ sở nuôi dưỡng, chở che, tiếp sức cho cách mạng đã là thành công, mà vận động được đồng bào Hòa Hảo – những người có sự khác biệt về tôn giáo – là điều chứng tỏ năng lực am hiểu, khả năng gần gũi, cảm hóa, thuyết phục con người của ông rất sâu sắc, tình cảm trong con người ông thật sự đặc biệt và lớn lao.

Không chỉ giỏi công tác dân vận, công tác chính trị, ông còn là một cán bộ chỉ đạo vũ trang rất xuất sắc. Vốn thông minh và quyết đoán, có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, trong chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân dân Vĩnh Long, một mặt, ông bám sát mọi chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của cấp trên, mặt khác theo dõi chặt chẽ tình hình ở địa phương, dựa vào thực tế mà vận dụng chủ trương một cách linh hoạt và sáng tạo, tiến công tiêu diệt kẻ thù, từng bước vượt qua khó khăn, tiến tới giành thắng lợi từng phần và thắng lợi hoàn toàn.

 

Điều đó được chứng minh qua hai thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng miền Nam nói chung cũng như của  cách mạng Vĩnh Long nói riêng. Thời kỳ thứ nhất là những năm 1958, 1959. Những năm ấy, Mỹ – Diệm đẩy mạnh chiến dịch tố cộng – diệt cộng, gom dân – tát dân, lập khu trù mật nhằm mục đích tách dân ra khỏi phong trào cách mạng. Hậu quả là cán bộ tiêu hao, cơ sở tan vỡ. 

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy ra chủ trương tiêu diệt ác ôn và đơn vị ác ôn. Dưới sự chỉ đạo của ông, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt đã tiêu diệt nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân, trong số đó có Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba, đồng thời kết hợp với quần chúng phá rã hai khu trù mật là Cái Sơn ở Tam Bình và Cái Dầu ở Bình Minh, đưa dân trở về, tạo điều kiện xây dựng lại mạng lưới cơ sở. Sau đó, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt còn đánh thắng các trận Cái Dầu, Câu Dụng, tạo thuận lợi cho việc khôi phục lại phong trào cách mạng trên địa bàn và thúc đẩy phong trào vũ trang phát triển.

 Thúy Hằng – MC dẫn chương trình của chúng tôi – sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc, miền Nam đã giải phóng, đất nước đã hòa bình. Với cô, lịch sử kháng chiến của dân tộc và đặc biệt, việc gặp gỡ, giao lưu với những chứng nhân của lịch sử như ông là những điều kỳ lạ. Năm nay, Thúy Hằng 32 tuổi, vì vậy, cô thật sự ngỡ ngàng khi biết người đồng hành trong chương trình hôm nay của cô, vào năm 36 tuổi, tức là chỉ lớn hơn cô bây giờ một chút, đã trở thành Bí thư Tỉnh ủy – người lãnh đạo cao nhất của quê hương.

Sau năm 1968 là thời kỳ khó khăn thứ hai của cách mạng miền Nam. Lúc này, kẻ địch điên cuồng đánh phá phong trào cách mạng. Chúng rải chất độc hóa học để tiêu diệt mọi nguồn sống, bình định nông thôn, lập ấp chiến lược và đóng đồn bót dày đặc, khoảng cách giữa mỗi đồn không quá một cây số. Ngay khu căn cứ Cái Ngang cũng chỉ cách đồn địch gần nhất có ba trăm mét. Hoạt động của cán bộ trở nên rất khó khăn, hiểm nguy luôn cận kề. Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của ông, Tỉnh ủy Vĩnh Long kiên quyết một tấc không đi, một ly không rời, bám đất, bám dân để hoạt động. Đồng chí Lê Đức Anh – nguyên Tư lệnh Quân khu Tây Nam bộ lúc bấy giờ – đã nhận định: Chưa nói đánh giặc như thế nào, Vĩnh Long đứng chân được trên địa bàn coi như đã thắng. Kiên cường bám trụ, đứng vững trên địa bàn, vượt qua khó khăn, ông thực hiện chủ trương vận động nhân dân phá bỏ ấp chiến lược và quay về quê cũ, thay đổi phương thức hoạt động ở vùng đô thị, thực hiện chiến thuật bao vây đánh lấn vùng nông thôn, bức diệt đồn bót giặc, từng bước giành lại địa bàn, khi thời cơ thuận lợi đến thì dốc sức ào ạt tiến công địch, cùng chiến trường toàn miền Nam vùng lên giành lấy thắng lợi cuối cùng.

Hôm nay ngồi ngẫm lại, mới thấy, ngay chuyện lấy bí danh qua các thời kỳ kháng chiến đã phần nào nói lên được cái phần sâu thẳm nhất trong con người ông. Ba mươi năm đi kháng chiến, ông có tất cả ba bí danh là Chín Oanh, Năm Liệt, Sáu Ức. Chín Oanh – tức Nguyễn Hoàng Oanh, bí danh thời kỳ làm Chính trị viên Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt – là cái tên kỷ niệm một thời tuổi trẻ lãng mạn và đẹp đẽ, mơ ước sống một đời thật liệt oanh. Năm 1964, khi được giao trọng trách Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông đã lấy tên đứa con trai đầu và tên thứ của vợ ghép lại để thành bí danh Năm Liệt, làm một thứ hành trang của yêu thương trên những nẻo đường đi kháng chiến. Năm 1971, giữa thời khắc đau thương khi Tỉnh ủy Vĩnh Long cùng lúc mất đi ba đồng chí trong Ban Thường vụ là Hoàng – Thái – Hiếu, ông đổi tên thành Nguyễn Ký Ức và giữ cái tên đó cho mãi đến hôm nay. Bởi đó đều là những cái tên gắn liền với bản thân, nói lên mối quan hệ với gia đình, đồng đội, đồng chí, chúng tôi nghĩ, ông chắc chắn phải là con người rất tình cảm, rất thủy chung. 

Là người đứng mũi chịu sào nơi đầu sóng ngọn gió giữa những tháng năm khó khăn nhất của tỉnh nhà, gánh trên vai những trọng trách quá nặng nề, cái sống – cái chết, sự thành – bại trong mỗi đường đi nước bước đều tùy thuộc vào mọi quyết định của cá nhân, thật ra không khó lý giải vì sao ông ít nói ít cười. Tuy nhiên, người ta kể rằng, thời còn trẻ, ông từng hát rất hay những ca khúc cách mạng. Hôm nay, chiến tranh đã lùi xa, đau thương, máu xương, nước mắt chỉ còn là kỷ niệm, dưới màu xanh êm đềm của bầu trời và cây lá, trong tiếng ve ran gợi cảm giác quá đỗi yên bình giữa chiến khu xưa, chúng tôi rất muốn được nghe ông hát đôi câu, ghi lại chút kỷ niệm với ông trong cuộc gặp mặt này.

Từng có những ước mơ rất giản dị: Đến ngày chiến thắng sẽ không còn phải đi lại vào ban đêm, mỗi ngày sẽ không phải thức dậy từ ba – bốn giờ sáng để ăn cơm, chuẩn bị cho một ngày nằm hầm dài thăm thẳm, giờ đây, cuộc sống trong hòa bình đã đền bù rất xứng đáng cho tất cả những nỗi vất vả mà ông phải chịu đựng suốt mấy chục năm gian khó. Đã nhiều năm kể từ ngày nghỉ hưu, ông sống thanh thản, nhẹ nhàng, bình dị bên cạnh người vợ đảm đang, thủy chung đã cùng ông đi qua gần hết mọi thăng trầm của cuộc đời.

Vì những cống hiến lớn lao cho phong trào cách mạng của Vĩnh Long, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất và nhiều danh hiệu khác…

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt – một con người xuất sắc khác của quê hương Vĩnh Long – đã từng viết: Vĩnh Long là vùng đất địa linh nhân kiệt. Địa linh là vùng đất hội tụ được khí thiêng trời đất và người kiệt là những người hiền tài có công với người dân, với Tổ quốc…

Với rất nhiều đồng đội, đồng chí, với nhân dân Vĩnh Long, Nguyễn Ký Ức thực sự là hiền tài của quê hương. Với chúng tôi, ông còn tựa một dòng sông, một mạch ngầm nghĩa tình dạt dào, thẳm sâu mà gian nan, khói lửa ngày kháng chiến từng làm khuất lấp. Khi xưa lấy tên là Ký Ức để ghi nhớ một kỷ niệm đau thương, khắc ghi tình đồng đội – đồng chí thiêng liêng, ông chắc không hay rằng, rồi có một ngày, chính ông, cuộc đời ông cũng sẽ trở thành một phần ký ức trong trái tim những thế hệ hiền tài của Vĩnh Long hôm nay và mai sau. 

Thu Hà – Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *