Bên bờ hạnh phúc

          Người Việt Nam vốn có lòng nhân ái. Điều quan trọng là làm thế nào để khơi dậy lòng nhân ái ấy trở thành hành động cụ thể. Hội chữ thập đỏ với tinh thần “chung sức vì nhân đạo” đã kết nối yêu thương, chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh, giúp họ vượt qua và đứng lên, làm nên những câu chuyện nhân đạo, giàu tình người.        

          Những con người với những hoạt động từ thiện xã hội  đã tiếp thêm sức mạnh, tạo niềm vui cuộc sống giữa bộn bề khó khăn.     

          Ở xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân , đời sống một bộ phận dân cư còn rất nhiều thiếu thốn. Chưa có bệnh viện huyện, trang thiết bị cho mạng lưới y tế xã còn nhiều hạn chế, nhất là phương tiện chuyển bệnh và cấp cứu khi chuyển bệnh lên tuyến trên điều trị .

 

             Nhớ lại trước đây, mỗi lần có người bệnh, phương tiện chuyên chở chỉ có xe ôm, hoặc xuồng ghe. Những khi trời mưa, với các phương tiện ấy, phải mất rất nhiều thời gian người bệnh mới được đưa đến trạm y tế. Nhiều trường hợp được đưa đến nơi thì đã không kịp cấp cứu.

          Mô hình xe cấp cứu chuyển bệnh miễn phí cho bà con nghèo đã được nghĩ đến và thực hiện với sự đồng tình hưởng ứng của người dân địa phương .Chiếc xe chuyển viện này đã ra đời và hoạt động từ cuối tháng 12 năm 2010 đến nay, chuyển được hàng trăm ca bệnh đến nơi cấp cứu kịp thời.

          Để có thể làm được điều ấy không phải dễ dàng. Từ công tác vận động gây quỹ cũng gặp không ít khó khăn do bà con địa phương hầu hết đời sống còn hạn chế, nhiệt tình cao nhưng sức góp thấp, phải tranh thủ vận động nhiều nơi. Sau khi có xe thì vấn đề nhiên liệu để xe hoạt động miễn phí cho bà con nghèo chiếm số lượng rất đông cũng là chuyện không dễ dàng … Tuy nhiên, bằng tất cả nhiệt tâm của cán bộ địa phương vì người bệnh nghèo, chiếc xe từ thiện đã phát huy tốt ý nghĩa như dự tính ban đầu.

          Chuyến xe không chỉ mang người bệnh đến nơi điều trị kịp thời, xe còn mang tấm lòng mỗi người dân quan tâm đóng góp quỹ, của những người xây dựng mô hình, mang tình người đến với người lúc ốm đau.         

          Vận động những người có điều kiện để chia sẻ, giúp đỡ người khó khăn, đó luôn là mục tiêu và niềm vui của người làm công tác chữ thập đỏ. Đối với phong trào “mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” cũng vậy. Làm thế nào để có thật nhiều những tổ chức, cá nhân hỗ trợ thường xuyên, bền vững các trường hợp khó khăn, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta về chăm lo đối tượng nghèo đặc biệt khó khăn”… – đó là yêu cầu được đặt ra.

          Sau gần 3 năm thực hiện, tỉnh Vĩnh Long có hơn 800 địa chỉ nhân đạo được các tổ chức cá nhân nhận giúp đỡ thường xuyên. Nổi bật có thành phố Vĩnh Long, huyện Vũng Liêm, huyện Tam Bình. Trong đó, các cấp Hội chữ thập đỏ huyện Tam Bình có 139 địa chỉ nhân đạo được các tổ chức, cá nhân trợ giúp. Những nạn nhân chiến tranh, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, bị thiên tai thảm họa, người khuyết tật nghèo, người già cô đơn v.v…  lần lượt được giúp đỡ, cưu mang.

          Người có lòng nhân ái và người có hoàn cảnh khốn khó có khi chưa từng quen biết, nhưng qua chiếc cầu nối của cán bộ chữ thập đỏ địa phương, mối quan hệ trở nên gắn bó,  khó khăn được sẽ chia, giúp đỡ…

          Nhờ sự tích cực vận động của người cán bộ chữ thập đỏ này, một nhà hảo tâm tận nước ngoài xa xôi, dù chưa gặp mặt nhưng đặt trọn niềm tin vào ông, đã gửi tiền về để mỗi tháng ông đến trao cho các địa chỉ nhân đạo, như trường hợp của Bà Lưu Thị Tư ở xã Tường Lộc huyện Tam Bình .

 

          Bà Tư đã 80 tuổi, sống đơn chiếc một mình trong căn nhà rách nát với đủ thứ bệnh tật nhưng lại không có nguồn thu nhập nào. Nhờ phần tiền mỗi tháng này giúp bà lo thuốc thang. Phong trào đã phát huy tốt ý nghĩa nhân văn cao đẹp.

          Ở đâu có sự khó khăn, nơi đó có tình người . Điều ấy dường như đã trở thành chân lý đối với việc vận động, khơi dậy lòng nhân đạo, giúp những cán bộ chữ thập đỏ vững tin công tác. Hội chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Long đạt nhiều kết quả đáng kể trong thời gian qua cũng nhờ có một đội ngũ tình nguyện viên đầy nhiệt huyết luôn sát cánh. Họ sẵn sàng góp tiền của, công sức cho các trường hợp khổ đau, khốn khó.

          Họ gồm 17 người , phần nhiều là lớn tuổi. Không chỉ góp tiền của, công sức của bản thân, gia đình, bè bạn ,mà họ cũng thường xuyên vận động mọi người cùng giúp đỡ các hoàn cảnh hoạn nạn.

          Có người tuổi đã hơn 80 như bà Trương Kim Lan. Mỗi tháng bà dùng lương hưu và sinh hoạt phí của gia đình mà các con cho để chu cấp cho 3 địa chỉ nhân đạo, giúp họ dần ổn định cuộc sống. Bà cũng góp tiền mua đất làm nơi mai táng miễn phí cho người nghèo, lặn lội tham gia cùng đoàn cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung, tham gia tổ chức mỗ mắt miễn phí cho người nghèo…

          Hoặc ni sư Thích Nữ Trí Tiên hỗ trợ 260 căn nhà tình thương và nhiều hoạt động cứu trợ khác. Bà Quách Thanh Vân vận động bạn bè và thân nhân tổ chức mỗ mắt miễn phí, tặng nhà, xây cầu đường v.v…

 

          Qua 5 năm, ban bảo trợ của Hội chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Long vừa góp tiền  vừa vận động các nơi đóng góp được hơn 19, 5 tỉ đồng phục vụ các công tác xây dựng nhà cửa, chăm sóc sức khỏe, cứu trợ người nghèo khó… Nhờ đội ngũ này, công tác nhân đạo từ thiện của Hội chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Long gặp nhiều thuận lợi.

          5 năm qua, cuộc vận động “toàn dân hiến máu tình nguyện” ở Vĩnh Long nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, đạt hiệu quả cao, tăng 17900 đơn vị máu so với  5 năm trước. Công tác tuyên truyền vận động của hội chữ thập đỏ lan tỏa sâu và rộng đến các vùng nông thôn.

          Nhiều nông dân quanh năm tay lấm chân bùn, học không cao, tiền bạc không nhiều, nhưng sẵn sàng hiến máu để giúp người đau ốm. Họ lại vận động tiếp người thân trong gia đình. Có những gia đình vợ, chồng, con cái, dâu rể cùng hiến máu tình nguyện đã 4 hoặc 5 lần đến hơn 10 lần mỗi người.  Từ đó, có những xóm ấp có hàng chục, hàng trăm người hiến máu tình nguyện, những câu lạc bộ với nhiều thành viên sẵn sàng hiến máu khi có nhu cầu cứu người.

 

          Ở đâu đó, có những mạng người đã được cứu sống từ những suy nghĩ và hành động giản đơn nhưng đáng quý này.      

          5 năm qua, những mô hình, những đội nhóm tự nguyện giúp người đã cùng với tổ chức Hội chữ thập đỏ địa phương hoàn thành sứ mệnh của mình – tất cả vì công tác nhân đạo.   Những con người nhân ái , với những mô hình nhân văn đã sẻ chia và tạo niềm tin cuộc sống./

          Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *