Bên bờ hạnh phúc

Hiện nay, tỷ lệ hạt lúa bị thất thoát trong khâu thu hoạch và xử lý sau thu hoạch còn ở mức cao. Theo điều tra, tùy theo từng mùa vụ mà tỷ lệ hạt lúa bị thất thoát từ 5 – 12% sản lượng. Vì vậy, vấn đề làm thế nào để giảm thất thoát khi thu hoạch lúa đang là yêu cầu cấp thiết, nhằm giúp cho bà con nông dân tránh được tình trạng bị “mất mùa trong nhà”.

Trong canh tác lúa, có những khoản chí phí xem như là bắt buộc, bà con nông dân phải chấp nhận, nhưng cũng có những loại chi phí lẽ ra không đáng có. Chẳng hạn như lượng lúa bị rơi vãi trên đồng, thất thoát trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và phơi sấy. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hàng năm, ở ĐBSCL, lượng lúa bị thất thoát do rơi vãi trong lúc thu hoạch lên tới hơn 3 triệu tấn. Riêng ở Vĩnh Long thì tỷ lệ này là trên 100.000 tấn. Có rất nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự mất mát này, nhưng cái chính là do lúa bị rơi vãi trên đồng trong suốt thời gian từ lúc trổ chín đến khi thu hoạch và làm khô hạt lúa còn chiếm một tỷ lệ khá lớn. Đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này nhưng xem ra chưa được căn cơ, khoa học và còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Qua khảo sát của các nhà chuyên môn thì số lượng lúa bị thất thoát nhiều nhất vẫn là ở thời điểm thu hoạch và quá trình làm khô hạt lúa. Thực tế cho thấy, lúa khi thu hoạch tỷ lệ lúa bị thất thoát từ 2,2 đến 3,5% tùy từng vụ. Một phần do bà con còn sử dụng giống yếu cây, muối hạt, kế đến là đa số nông dân có thói quen để lúa chín hết 100% số hạt rồi mới thu hoạch. Đến khi thu hoạch chủ yếu do làm thủ công bằng tay nên thao tác cắt lúa của người nông dân chưa được “mềm mại”. Các yếu tố này tập trung lại kết hợp với điều kiện đất đai, thời tiết và thực hiện kỹ thuật canh tác chưa tốt; đã tạo nên sự thất thoát hạt lúa khá lớn trong khi thu hoạch là điều khó tránh khỏi. Do vậy vấn đề là làm thế nào để giảm bớt sự tổn thất này trong thu hoạch lúa cho bà con nông dân đang là yêu cầu cấp thiết.

Đối với biện pháp thu hoạch thủ công hoặc sử dụng máy cắt xếp dãy, khi cắt lúa xong phải đem tuốt ngay, không nên phơi mớ ngoài đồng

 

Biện pháp đầu tiên để khắc phục tình trạng thất thoát trong thu hoạch mà các nhà chuyên môn khuyến cáo là bà con nông dân nên thu hoạch lúa đúng độ chín, khi quan sát đồng ruộng thấy lúa chín từ 80 – 85% là bà con đã có thể thu hoạch được. Không nên để lúa chin hết bông mới cắt, khi cắt lúa cũng phải nhẹ nhàng, có như thế mới giảm được rơi rụng hạt. Bên cạnh đó cũng nên theo dõi thời tiết để chọn ngày thu hoạch thích hợp. Đó là lúc trời nắng tốt để có điều kiện thuận lợi trong các khâu bó gom, tuốt, vận chuyển và phơi, sấy.

Đối với biện pháp thu hoạch thủ công hoặc sử dụng máy cắt xếp dãy, khi cắt lúa xong phải đem tuốt ngay, không nên phơi mớ ngoài đồng. Bởi tác hại của việc phơi lúa mớ sẽ làm cho hạt lúa bên trên mặt quá khô. Ngược lại, lúa ở bên dưới khô ít. Cho nên lúa khô không đồng đều. Ngoài ra, hạt lúa ở phía trên chịu sự tác động của nhiệt độ cao do ánh nắng mặt trời vào ban ngày nhưng lại hút sương ẩm, chịu nhiệt độ thấp vào ban đêm nên khi xay chà dễ bị gãy, tỷ lệ gạo nguyên đạt thấp.

Ngoài ra, khi tuốt lúa nên sử dụng những thùng tuốt có khích thước dài, người vận hành máy phải nhuần nhuyễn. Nghĩa là phải nạp lúa vào thùng tuốt đều tay và cho máy chạy vừa phải. Nếu không hạt lúa sẽ theo rơm ra ngoài. Chú ý, khi tuốt lúa phải trãi bạt hoặc lưới phía dưới và xung quanh thùng tuốt, sau đó gom lúa lại để giảm bớt lúa rơi vãi ra nền đất . Tốt nhất nen thu hoạch lúa bằng máy để rút ngắn các công đoạn như bó, gom, tuốt… giúp cho tỷ lệ lúa bị hao hụt do rơi vãi ít hơn. Việc cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa, mà nhất là việc sử dụng máy gặt đập liên hợp đã trở nên rất phổ biến trong cả khu vực ĐBSCL nói chung, và Vĩnh Long nói riêng. Thực tế đã cho thấy, việc cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp giúp cho bà con nông dân rút ngắn được thời gian thu hoạch lúa khá nhiều, bỏ qua nhiều công đoạn như gom, bó và tuốt lúa; nhất là không phơi lúa mớ ngoài đồng, nên hạt lúa sẽ ít bị hao hụt do rơi rụng.

Ngoài các yếu tố về kỹ thuật để làm hạn chế sự thất thoát trong lúc thu hoạch lúa; thì việc làm khô hạt lúa cũng rất quan trọng. Bởi trong giai đoạn này, nếu không thực hiện tốt thì tỷ lệ lúa bị mất mát cũng sẽ rất lớn, chiếm từ 1,5 – 2 % do rơi vãi. Nhưng nếu tính cả những tổn thất về chất lượng tùy theo mùa vụ, thì tỷ lệ này còn có thể lên đến trên 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình làm khô hạt lúa không kịp thời, làm khô lúa không đúng kỹ thuật

Theo các chuyên gia nông nghiệp, lúa mới thu hoạch có độ ẩm cao nên một số giống lúa có thể nẩy mầm, lên men và nấm bệnh dễ phát triển, làm hư hạt. Thông thường độ ẩm của lúa khi vừa thu hoạch từ 20 – 25% . Do đó, sau khi thu hoạch trong vòng 48 giờ phải làm khô lúa ngay, trong quá trình làm khô lúa phải đảm bảo cho độ ẩm thoát ra từ. Hiện có 2 biện pháp làm khô hạt lúa cơ bản. Đó là phơi nắng và sấy lúa. Song, tất cả phải đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật thì mới đạt hiệu quả cao, giảm bớt sự tổn thất cả về số lượng lẫn chất lượng lúa. Độ ẩm an toàn của lúa để bảo quản từ 2 – 3 tháng là 13 – 14%, nếu hơn 3 tháng thì độ ẩm tốt nhất là 12%.

Nói chung, thất thoát trong thu hoạch lúa sẽ làm giảm đáng kể thu nhập của bà con nông dân. Do vậy, để hạn chế sự tổn thất này, bà con cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp từ khâu chon giống ít đổ ngã để gieo sạ, áp dụng tốt kỹ thuật canh tác; đến lúc thu hoạch và làm khô hạt lúa cũng phải đảm bảo đúng đúng kỹ thuật. Điều cần lưu ý là khi thu hoạch không nên cắt lúa sớm và cũng không quá trễ mà phải cắt đúng độ chín của bông lúa, để hạn chế sự hao hụt do rơi rụng hạt ngoài đồng. Bên cạnh đó, nên tăng cường đầu tư hơn nữa khoa học công nghệ vào trong canh tác lúa và từng bước cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa. Mặt khác, bà con cũng cần thay đổi thói quen cũ và thay vào đó là tư duy khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây la những việc làm cần thiết mà bà con nên thực hiện để giảm bớt sự thất thoát hạt lúa trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch.

Quốc Chiến
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *