Bên bờ hạnh phúc

Được thành lập không lâu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà máy X55 – quân chủng Hải quân Việt Nam nay đã bước vào tuổi 35. Trong 35 năm qua, với tinh thần tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tập thể cán bộ lãnh đạo, công nhân viên và người lao động nhà máy đã khắc phục mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ an ninh quốc phòng, kết hợp sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Tại đây, hàng trăm con tàu đã lần lượt hạ thủy lướt sóng ra khơi, thỏa sức tung hoành với sông dài biển rộng. Đó là những con tàu ra đi để làm nhiệm vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, hay tàu vận tải, tàu đánh cá của người dân – tham gia phát triển kinh tế biển. Nơi đây cũng là nơi trở về của những chú kình ngư sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ với biển đảo, để được kiểm tra bảo dưỡng định kỳ hoặc được sửa chữa để chuẩn bị cho một chuyến vượt đại dương thắng lợi. Và nơi đây chính là địa chỉ tin cậy của khách hàng trong lẫn ngoài quân đội : Nhà máy X55 – Cục Kỹ thuật Hải quân Việt nam.

Nhà máy X55 Hải quân, có tên doanh nghiệp là Công ty Hải Bình, đóng tại địa bàn quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ. Đây là đơn vị Hải quân duy nhất đứng chân trên đất liền miền Tây Nam bộ với nhiệm vụ trực tiếp là làm công tác tuyên truyền biển, đảo, đảm bảo kỹ thuật, phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân chủng cũng như các đơn vị vũ trang trên địa bàn Quân khu 9 (bảo trì, sửa chữa sữa chữa tàu chiến, tàu vận tải, tàu bổ trợ Hải quân, tàu cảnh sát biển, xe tăng, thiết giáp, vũ khí thiết bị kỹ thuật, tham gia đóng tàu, xuồng quân sự…). Đồng thời, đơn vị còn đóng các loại tàu thuyền, phương tiện thủy vỏ thép, gỗ, hợp kim theo yêu cầu của người dân.

Tàu biển Nghĩa Hải 02 tải trọng 3.000 tấn được đóng bởi Nhà máy X55

Trong mỗi giai đoạn phát triển của mình, nhà máy đều tạo nên bước đột phá ấn tượng bằng những sản phẩm tiêu biểu như : năm 2001, sản phẩm tàu đánh bắt cá xa bờ công suất 600 mã lực, năm 2003, sản phẩm xuồng composite XBL-04, năm 2005 với sản phẩm xuồng composite XBL-06 đều nhận huy chương vàng từ Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ – Việt Nam. Năm 2008, sự kiện hạ thủy con tàu vận tải mang tên Nghĩa Hải 2, có trọng tải 3.000 tấn chính là sự khẳng định đầy thuyết phục về năng lực, uy tín, bản lĩnh của những người lính – người thợ ở nhà máy X55 Hải quân.

Gặt hái được những thành quả ngọt ngào ấy là cả một quá trình tự vượt lên chính mình của tất cả cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động nơi đây. Dù là ở các phòng, ban hay ở các phân xưởng, mọi người đều làm việc bằng tinh thần, ý chí và quyết tâm của một người lính – không khó khăn trở ngại nào có thể khuất phục được họ. Đó chính là yếu tố quan trọng giúp nhà máy dù ở trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn hoàn thành tốt những chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Có lẽ, thế hệ đang gánh vác trọng trách của nhà máy hiện nay không thể nào quên được con đường đầy chông gai thử thách mà thế hệ cha anh họ đã vượt qua. Từ một cơ sở kỹ thuật của hải quân ngụy được tiếp quản sau năm 1975 trở thành một nhà máy cấp khu vực như hiện nay là cả một quá trình phấn đấu gian khổ. Đó là những lúng túng buổi đầu của cán bộ chiến sĩ khi làm quen với nhiệm vụ mới; đó là sự thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật lẫn con người; đó là thời gian phục vụ chiến dịch biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Cam-pu-chia; đó là sự trói buộc của cơ chế bao cấp suốt một thời gian dài dẫn đến thiếu việc làm, thiếu lương cho người lao động… Nhưng vượt lên tất cả những thử thách khắc nghiệt, có khi phải đổ máu hi sinh, lớp người tiên phong ở Xưởng X55 – tên gọi lúc bấy giờ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đáng kể nhất chính là thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong chiến dịch biên giới Tây Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ CQ88, sửa chữa hoán cải phương tiện phục vụ nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Không để khó khăn thiếu thốn trói buộc mình, bằng tất cả nỗ lực, bản lĩnh của người lính “bộ đội cụ Hồ”, họ đã tự cởi trói bằng những giải pháp năng động, tạo việc làm để ổn định đời sống cán bộ chiến sĩ, người lao động và đầu tư mua sắm trang thiết bị, củng cố nhà xưởng, từng bước khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Năm 1995, xưởng X55 – trực thuộc Vùng 5 hải quân nhận quyết định về Cục Kỹ thuật Hải quân. Cũng trong năm này, Xưởng X55 được đổi tên thành Nhà máy X55. Sự kiện trên đã đánh dấu một bước trưởng thành của nhà máy trong quá trình xây dựng và phát triển. Trước đó 2 năm, nhà máy đã chuyển sang chế độ tự hạch toán cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Xí nghiệp sửa chữa tàu Hải Bình thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân được thành lập. Xưởng 55 vừa là một cơ sở đảm bảo kỹ thuật của quân chủng, vừa là một doanh nghiệp nhà nước, thuộc loại hình xí nghiệp quốc phòng. Năm 1999, xí nghiệp được đổi thành Công ty Hải Bình.

Để đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng – an ninh và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhà máy không ngừng được đầu tư nâng cấp, nguồn lực con người luôn được xem trọng. Hiện tại, nhà máy được trang bị khá hiện đại và đồng bộ, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, tạo ra những sản phẩm ngày càng đa dạng phong phú, đảm bảo tiến đô, chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật công nghiệp, tạo được uy tín với khách hàng gần xa. Nhà máy đã sửa chữa được đồng bộ các dạng tàu chiến đấu TP01, H119, H102; các loại tàu kéo cứu hộ HQ956, HQ957, HQ961; sửa chữa cơ động xe tăng – thiết giáp; làm chủ công nghệ đóng mới tàu cá vũ trang có kết cấu trang bị phức tạp dạng C11, 1482A, 1482B, tàu đổ bộ ST 2300; đóng mới tàu vận tải biển có trọng tải 4.000 tấn; đóng mới xuồng composite…

Để đạt được những thành quả đó, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư kịp thời của lãnh đạo Cục Kỹ thuật Hải quân, sự năng động, bản lĩnh của Đảng ủy – Ban Giám đốc nhà máy, phải kể đến sự lao động tận tụy hết lòng vì nhiệm vụ chung của đội ngũ những người thợ – người lính, những công nhân lao động toàn nhà máy. Đặc thù công việc ở tất cả các phân xưởng đều rất nặng nề, từ cơ khí, võ tàu, động lực, đà đốc v.v.. nhưng chẳng ai ngại gì mưa nắng, ngày đêm. Để mỗi con tàu được hạ thủy bình an là cả một quá trình lao động gian nan và đầy trách nhiệm của rất nhiều người.

Tuy có vất vả, khó khăn nhưng tất cả đều phấn đấu vì một mục tiêu chung là vì sự phát triển bền vững của nhà máy. Ngoài việc đảm bảo việc làm, có thu nhập ổn định, ai cũng muốn đóng góp một phần công sức để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cụ thể là làm thế nào để những con tàu vững vàng vượt sóng đại dương, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ với Trường Sa thân thương. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, nhà máy được đánh giá là một điểm sáng của công tác dân vận. Nhà máy thường xuyên ủng hộ các hoạt động chính sách xã hội ở địa phương, tham gia tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động từ thiện nhân đạo, góp phần khắc phục hậu quả thiên tai bảo lũ cho đồng bào.

Mới đây, trong cuộc kiểm tra toàn diện của Cục Kỹ thuật Hải quân, Nhà máy X55 đã được đánh giá luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập được nhiều thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến dịch biên giới Tây Nam, nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa và vùng biển Tây Nam… Với những thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến đấu, chiến đấu, trong sản xuất kinh doanh, trong xây dựng và phát triển, nhà máy đã được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương cao quí. Đặc biệt là huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 2 do Chủ tịch nước trao tặng nhân kỷ niệm 35 năm thành lập đơn vị.

Trong thời gian sắp tới, tuy có nhiều thuận lợi nhưng nhà máy cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần phải vượt qua để tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình. 35 năm – một chặng đường dài với bao khó khăn thách thức, bao sóng gió phải đối mặt của mỗi chặng đường phát triển. Nếu ví nhà máy X55 như một con tàu thì đội ngũ những cán bộ chỉ huy qua nhiều thế hệ chính là những người thuyền trưởng luôn vững vàng tay lái cùng sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết gắn bó của chiến sĩ, công nhân viên và người lao động toàn nhà máy, tất cả vì một nhiệm vụ chung là hướng con tàu X55 tiến sâu vào đại dương vì sự bình yên của biển đảo, góp phần phát triển vùng kinh tế đầy tiềm năng này.

Tuyết Mai
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *