Bên bờ hạnh phúc

Ngày 26 tháng 4 vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh 1992-2012 và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất.

Hai mươi năm qua, thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và khu vực kéo dài, thêm vào đó là thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra trên cây trồng vật nuôi ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Vượt qua những khó khăn thách thức, tỉnh Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Diện mạo của tỉnh, từ thành thị đến nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống mọi mặt  của nhân dân không ngừng được cải thiện nâng lên. Đây là tiền đề để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long xây dựng tỉnh nhà đạt được những thành tựu to lớn hơn trong chặng đường tiếp theo.

 

Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Thế nhưng trước kia, tiềm năng mặt nước hầu như bị bỏ ngõ. Từ năm 2000 trở lại đây, phong trào nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi cá tra theo hình thức thâm canh và bán thâm canh phát triển mạnh mẽ, với diện tích lên đến vài ngàn ha. Nghề nuôi cá tra xuất khẩu đã trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

 Những năm mới tái lập tỉnh, phần lớn diện tích vườn của Vĩnh Long là vườn tạp, hiệu quả kinh tế thấp. Toàn bộ diện tích vườn tạp trước kia đã được thay thế bằng những vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao. Vĩnh Long trở thành tỉnh có diện tích cây ăn trái đứng thứ hai so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thư tư cả nước. Cây ăn trái được xem là thế mạnh kinh tế thứ hai sau cây lúa. Một ha vườn cho thu nhập đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.

 Sau tái lập tỉnh, phong trào đưa cây rau màu xuống ruộng diễn ra khá mạnh mẽ, nhiều nhất là ở hai huyện Bình Minh và Bình Tân. Cây rau màu phát triển thành vùng chuyên canh, cho thu nhập cao gấp đôi ba lần so với cây lúa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đồng ruộng đã giúp nhiều nông dân ở đây ăn nên làm ra. 

 Những năm đầu mới tái lập tỉnh, nông dân tỉnh Vĩnh Long chỉ sản xuất được 1 vụ lúa trong năm mà năng suất cũng rất bấp bênh, bình quân không quá 4 tấn/hécta. Nhưng đến nay, bà con đã chuyển lên sản xuất 3 vụ ăn chắc trong năm, năng suất đạt trên 5 tấn rưỡi/hécta, cá biệt có hộ đạt 6 -7 tấn/ha. Đây là kết quả của nhiều chương trình dự án phát triển sản xuất, như : Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi, chương trình giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất.

 Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Vĩnh Long, quy mô từ nhỏ bé, phát triển lớn dần. Quyền tự chủ của các cơ sở sản xuất kinh doanh được xác lập theo cơ chế mới. Việc thực hiện cổ phần hóa, cải thiện môi trường đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Nhiều đơn vị đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Khu công nghiệp Hòa Phú, tuyến công nghiệp Cổ Chiên, khu công nghiệp Bình Minh mở ra tạo ra năng lực sản xuất mới, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương.

Những năm đầu mới tái lập, hoạt động thương mại của tỉnh Vĩnh Long bắt đầu tiếp cận với cơ chế thị trường. Từ năm 2000 trở lại đây, hoạt động nội thương trên địa bàn diễn ra hết sức sôi động. Mạng lưới cung ứng vật tư, trao đổi mua bán hàng hóa được tăng cường đến tận vùng sâu. Các siêu thị ở thành phố Vĩnh Long và mạng lưới chợ nông thôn phát triển mạnh đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

 Hoạt động ngoại thương của tỉnh cũng không ngừng phát triển, thị trường xuất khẩu được củng cố và mở rộng. Hàng hóa xuất khẩu ngày càng phong phú đa dạng dựa trên tiềm năng thế mạnh của tỉnh như : Gạo, thủy sản đông lạnh, giày da, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, rau quả, nấm rơm muối. Một số mặt hàng xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới không chỉ thu được ngoại tệ mà còn giải quyết đầu ra nông sản của nông dân.

 

Từ nguồn vốn huy động được, hai mươi năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, như : Phát triển hệ thống giao thông, lưới điện, bưu chính viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà ở, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Những công trình này đã và đang phát huy hiệu quả, cải thiện và nâng cao đáng kể đời sống người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn. 

 Thị xã Vĩnh Long được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại 3, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh đang được đề nghị công nhận đô thị loại 4, trong tương lai trở thành thị xã, là kết quả từ sự nỗ lực quy hoạch, xây dựng chỉnh trang đô thị của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. 

 Khi mới tái lập, tỉnh Vĩnh Long vẫn còn không ít gia đình thiếu đói. Nhưng đến nay, tình trạng thiếu đói trong dân không còn. Chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là cuộc vận độngNgày vì người nghèo đã phát huy cao độ truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Hàng ngàn tỷ đồng từ sự chung tay góp sức của cộng đồng đã hỗ trợ các hộ nghèo vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Huân chương Độc lập hạng nhất, danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, là niềm cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long. Những thành tựu đạt được 20 năm qua, là tiền đề để tỉnh Vĩnh Long bứt phá trên chặng đường tiếp theo.

 

Với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đang quyết tâm tận dụng thời cơ, đẩy lùi thách thức, huy động và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội , xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển đi lên./.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *