Bên bờ hạnh phúc

Nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Tôn sư trọng đạo là một nét đẹp văn hóa của người Việt đã tồn tại từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay. Nét đẹp ấy được thế hệ này nối tiếp thế hệ khác xây dựng và phát huy bằng nhiều hình thức khác nhau.

Tình cảm thiêng liêng dành cho những người thầy luôn tồn tại trong lòng mỗi người. Từ trong sâu thẳm tâm thức mỗi chúng ta đều ghi lòng tạc dạ công ơn người thầy. Ý thức tôn sư trọng đạo của dân tộc ta thật đa dạng, chứa chan tình người. Ngày xưa, dẫu đời sống còn nhiều khó khăn, ông cha ta đã dành những tình cảm đặc biệt ưu ái, tốt đẹp nhất đối với người thầy, thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, như : Không thầy đố mày làm nên; Trọng thầy mới được làm thầy… Địa vị, vai trò của người thầy được người đời tôn quý. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, học trò ở xa cũng thu xếp thời gian đến thăm thầy. Từ bao đời nay, đạo thầy trò luôn được giữ gìn. Trong lịch sử dân tộc ta đã có biết bao thầy giáo suốt đời tận tụy với nghề, tận tâm với trò. Tôn sư, trọng đạo là truyền thống, là vấn đề nói mãi chẳng bao giờ cũ.

Người Việt Nam có truyền thống "Tôn sư trọng đạo"

Những năm học gần đây, toàn ngành giáo dục đang tham gia vào cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" ở các trường học nói chung. Từ năm học 2007 – 2008, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tiếp tục bắt tay vào thực hiện cuộc vận động "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội" nhằm chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Năm học 2009 – 2010 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là năm học tập trung cho chủ đề: “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Đối với thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hưởng ứng cuộc vận động này chẳng có gì khác hơn là ngẫm lại đặc điểm nghề mình để lòng mình trong sáng, tự mình đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý giáo dục để góp phần vào sự nghiệp phát triển nền giáo dục.

Có ý kiến cho rằng, nghề dạy học hiện nay đang phải đối đầu với nhiều áp lực; nhưng cũng có ý kiến khác thì cho rằng nghề nào cũng bị vất vả, áp lực chứ không riêng gì nghề giáo. Cùng tốt nghiệp đại học, khi ra trường cùng có mức lương như nhau, nhưng để có tấm bằng đại học thì sinh viên sư phạm không phải đóng học phí như các ngành khác. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp các nghề khác luôn cao hơn nghề giáo. Người thực sự có "tâm" chính là những người chấp nhận và biết đương đầu với khó khăn, thử thách trong nghề nghiệp. Nếu chỉ vì lợi ích vật chất thì không nên chọn nghề dạy học.

Dưới chế độ mới, nhà giáo được vinh danh là người kỹ sư tâm hồn. Nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Là nhà giáo, dù giảng dạy ở cấp học nào thì cũng đã từng là học trò trước khi bước lên bục giảng. Nhờ có công lao của bao thế hệ thầy cô giáo mới có thế hệ nhà giáo hôm nay. Có trọng thầy thì mới được làm thầy. Gần đây, trong cơ chế thị trường, có những nhà giáo chạy theo danh lợi, vô tình đánh mất đi lòng tự trọng và thậm chí mất đi cả lương tâm nghề nghiệp và nhân cách người thầy. Làm sao và làm thế nào để giữ cho môi trường học đường luôn trong sáng, tình thầy trò luôn trong sáng. Điều đó đòi hỏi sự phấn đấu của nhà giáo, sự hưởng ứng của học sinh, của cha mẹ học sinh và của toàn xã hội.

An Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *