Bên bờ hạnh phúc

 Được thiên nhiên ban tặng một đặc sản quý – “lúa một bụi đỏ”, tuy nhiên, hiệu quả canh tác nông nghiệp thấp, đời sống khó khăn đó là những gì trước đây bà con trồng lúa huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu gặp phải. Nhưng nhờ những chính sách đầu tư phù hợp của ngành chức năng địa phương cùng với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, giờ đây, vùng đất nhiễm phèn mặn này không những đã sở hữu được Thương hiệu đặc sản Lúa một bụi đỏ mà còn xây dựng được mô hình luân canh có giá trị kinh tế cao, đời sống của bà con nông dân khởi sắc lên theo từng mùa lúa vụ tôm.

 

Nói đến những khó khăn thời quá khứ thì có lẽ vùng đất nào cũng có. Tuy nhiên mỗi nơi mỗi khác. Nếu như đất hoang hóa vừa nhiễm phèn vừa nhiễm mặn được xem là những vùng đất khó khăn nhất trong canh tác nông nghiệp thì chính nơi đây, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu là vùng đất như thế. Đến nay, dù đã qua hơn 30 năm cải tạo, nhưng những dấu vết của một vùng đất khó vẫn còn. Bà con ở đây chia sẻ, sơ dĩ nông dân còn bám trụ với vùng này cho đến ngày nay là nhờ giống lúa “Một bụi đỏ”. Một giống lúa được xem là đặc sản riêng có của vùng đất này. Bởi sau một thời gian dài canh tác, chọn lọc qua nhiều loại giống thì chỉ có lúa Một bụi đỏ là có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và tồn tại được ở đây. Và bà con quan niệm ở đâu cây lúa sống được, ở đó nông dân sống được.

Tuy không ai còn nhớ chính xác lúa Một Bụi Đỏ xuất hiện vào thời gian nào, nhưng bà con Hồng Dân vẫn hay nhắc đến giai thoại về sự xuất hiện của nó. Bà con kể rằng, ban đầu đây chỉ là cây lúa hoang, nhưng do hạt lúa có màu ánh đỏ, trông khác với hạt lúa thông thường, bông chắc đều, cây sống khỏe nên người ta mang về trồng thử. Về sau, để ý thấy gạo trắng, hạt dài, thơm nhẹ nên cứ để dành nhân ra mãi. Có lẽ do lúc phát hiện chỉ thấy có một bụi ,nên người ta truyền tai nhau cái tên “một bụi đỏ” là vậy.

Đầu những năm 1990, phong trào xả mặn nuôi tôm quảng canh phát triển và lan rộng hầu hết các tỉnh ven biển ở ĐBSCL. Tại huyện Hồng Dân, có hơn 2/3 diện tích bị phèn mặn, không canh tác được 3 vụ lúa, nên bà con làm đất nuôi tôm. Khi tình hình dịch bệnh trên tôm xuất hiện ngày càng phức tạp, thì việc nuôi tôm quãng canh hay quãng canh cải tiến cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Còn những hộ không có điều kiện nuôi tôm thì cấy lúa mùa, mỗi năm một vụ rồi bỏ đất trống. Những mô hình hoặc tôm, hoặc lúa đều không phải là những mô hình bền vững cho họ.

Đó cũng là lúc những mô hình hiệu quả hơn, bền vững hơn xuất hiện, như mô hình luân canh lúa – tôm, nghĩa là trong năm bà con chia ra 6 tháng trồng lúa và 6 tháng nuôi tôm. Trong đó, xác định lúa là nguồn thu chủ lực. Và giống lúa Một bụi đỏ được lựa chọn trong mô hình này. Thế nên, việc phục tráng lại giống lúa “một bụi đỏ” để duy trì và phát triển nguồn gen quý, đặc sản quý của địa phương cũng là yên cầu cấp thiết  đối với chính quyền và ngành chức năng nơi đây.

 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu, năm 2006, Sở KHCN Bạc Liêu phối hợp với UNND huyện Hồng Dân mời tư vấn từ Viện nghiên cứu Lúa ĐBSCL và Trường ĐHCT để phục tráng lại giống Lúa Một Bụi đỏ này. Đến năm 2009, giống lúa “Một bụi đỏ” mới được đưa vào sản xuất ở địa phương.

Theo Thạc sĩ Võ Đăng Ký – Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu: khi người dân chuyển sang tôm lúa, thấy cây lúa này thích ứng cao với môi trường, giá trị hàng hóa tăng cao, trong quá trình phục tráng có 2 dòng 1 bụi đỏ gồm HD5 và HD6, tuy nhiên hiệu quả của giống HD6 tốt hơn nên chọn giống này,…đặc điểm của gạo một bụi đỏ dẻo thơm hạt dài, được đánh giá cao không thua kém gạo thơm các nước trong khu vực.

Năm 2012 là năm thứ 3, mô hình luân canh lúa – tôm được đưa vào sản xuất đại trà tại huyện Hồng Dân, chính quyền và ngành chức năng địa phương đang tổ chức nhân rộng mô hình. Bởi nhiều bà con cho biết so với trước đây, hiệu quả của mô hình luân canh này đã mang lại giá trị cao hơn, bà con dễ làm giàu hơn.

Với những diễn biến của tình hình tiêu thụ lúa gạo thời gian qua cho thấy, xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam là một mục tiêu quan trọng mà ngành sản xuất lúa gạo nước ta cần hướng đến. Thấy được vấn đề này, song song với vấn đề cải thiện chất lượng, ngành chức năng ở Bạc Liêu cũng đã có những sự chuẩn bị cần thiết để tạo dựng thương hiệu gạo Một bụi đỏ Hồng trên thị trường. Cụ thể là đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lúa với thương hiệu gạo Một bụi đỏ Hồng Dân.

Được biết , tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận tháng 6/2008, đây là thương hiệu gạo thứ 2 trên toàn quốc được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Việc phục tráng giống lúa “một bụi đỏ” và mô hình luân canh Tôm – lúa, không chỉ đã giúp bà con nông dân gia tăng hiệu quả canh tác, cải thiện thu nhập, mà còn đưa tên lúa Một bụi đỏ – đặc sản của Bạc Liêu – từng bước trở thành một trong những giống lúa thơm có chất lượng cao nhất của Việt Nam.

 Trước thập niên 70 của thế kỷ trước, Bạc Liêu được biết đến với những đồng lúa mùa thẳng cánh cò bay. Ngày nay, lúa Một bụi đỏ Hồng Dân cũng là một thương hiệu có nhiều tiềm năng ở vùng đất này. Trong năm 2011, giống lúa này được trồng trên 24 ngàn ha, mục tiêu của ngành nông nghiệp Bạc Liêu là đến năm 2015 sẽ mở rộng ra diện tích hơn 27 ngàn ha ở 02 huyện Hồng Dân và Phước Long. Để xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, có đủ số lượng và chất lượng cho nhu cầu thị trường, hiện nay ngành chức năng địa phương đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nhân rộng mô hình này.

 Theo đó, thành lập các tổ chức hợp tác sản xuất là một việc làm cần thiết để phát triển vùng nguyên liệu cho giống lúa đặc sản của địa phương. Thông qua các tổ chức này, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến sẽ được nhanh chóng triển khai đến từng hộ nông dân. Đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiêu thụ dễ dàng tiếp cận, ký kết các hợp đồng tiêu thụ. Qua hơn 03 năm thực hiện, những việc làm này đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân.

 

Với việc lựa chọn hướng đi hợp lý, ngành chức năng và bà con nông dân ở Bạc Liêu đã phát huy được tiềm năng của giống lúa đặc sản của địa phương. Trong bối cảnh nhiều giống lúa có chất lượng cao của nước ta ngày càng bị mai một so với các loại gạo nhập khẩu, thì gạo Một bụi đỏ Hồng Dân được xem là một điểm sáng trong việc xây dựng thương hiệu hạt gạo ở ĐBSCL. Đồng thời, nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học và nhà nông đã xây dựng được một mô hình luân canh lúa – tôm hiệu quả ở một vùng đất chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, qua đây cũng thấy rằng một trong những cái khó của việc xây dựng thương hiệu lúa gạo là khâu tiêu thụ. Mặc dù đã cải thiện phẩm chất hạt gạo, quy trình canh tác an toàn, thương hiệu đã được thị trường biết đến nhưng sự tham gia của các doanh nghiệp vẫn chưa làm an tâm người sản xuất. Được mệnh danh là một trong những loại gạo ngon nhất nước ta hiện nay, lúa Một bụi đỏ Hồng Dân đang rất cần có những chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, phát huy tiềm năng của giống lúa này ở những vùng đất nhiễm phèn, mặn ở bán đảo Cà Mau./

 Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *