Bên bờ hạnh phúc

Tỉnh Vĩnh Long có 4.859 hộ Khmer với gần 21.000 người, chiếm 2,26 % dân số. Đồng bào Khmer sống tập trung ở 48 ấp thuộc 10 xã và 1 thị trấn của 4 huyện Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh và Vũng Liêm. Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer đã được cải thiện đáng kể. Đây là kết quả từ sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào Khmer phát triển sản xuất thông qua các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước ta.

Từ khi chương trình 134 của Chính Phủ về hỗ trợ nhà ở, đất ở cho đồng bào các dân tộc thiểu số được triển khai, ở tỉnh Vĩnh Long có 3.085 hộ Khmer nghèo gặp khó khăn về chỗ ở đã được xây cất nhà, với tổng kinh phí gần 37 tỷ đồng. Trong đó, vốn của Trung ương là trên 30 tỷ đồng, vốn của tỉnh là gần 7 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay, đồng bào Khmer trong tỉnh không còn hộ nào gặp khó khăn về nhà ở. Đây là sự nỗ lực lớn của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề nhà ở cho đồng bào dân tộc Khmer để bà con an cư, lạc nghiệp.

Không chỉ được hỗ trợ về đất ở, nhà ở, những gia đình hộ Khmer có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Riêng trong năm 2010, thông qua sự bảo lãnh của các đoàn thể địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ cho bà con hàng chục tỷ đồng để trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ được giúp vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài việc hỗ trợ vốn cho bà con, một số địa phương còn xây dựng các dự án phát triển sản xuất, nâng cao đời sống trong đồng bào Khmer. Nhiều hộ nghèo còn được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, kể cả công cụ sản xuất để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong đồng bào Khmer hiện nay không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm dần, đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể.

Do hầu hết đồng bào Khmer đều sống ở vùng nông thôn sâu, nên trước đây, hầu hết bà con đều sử dụng nguồn nước từ kênh rạch bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng 9 trạm cấp nước tập trung ở các xã có đông đồng bào Khmer, với kinh phí trên 17 tỷ đồng. Trong đó, có 4 trạm cấp nước lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng tại xã Trà Côn và xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn; 5 trạm cấp nước khác cũng được xây dựng tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình; xã Đông Bình và xã Đông Thành, huyện Bình Minh.

Để khuyến khích người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, số hộ Khmer sống tập trung ở các tuyến dân cư còn được lắp đặt miễn phí đồng hồ nước vào nhà, hỗ trợ lu chứa nước. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ Khmer sử dụng nước hợp vệ sinh toàn đạt trên 70%.

Để nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào Khmer, những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Đó là các công trình điện, chợ, đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ở các xã có đông đồng bào Khmer đã có sự khởi sắc, đi lên.

Những năm gần đây, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer trong tỉnh Vĩnh Long cũng được nâng lên rõ rệt. Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng tại vùng đồng bào Khmer đã phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Tất cả 13 ngôi chùa Khmer của tỉnh đều có tủ sách, báo chí theo ngôn ngữ của người dân tộc Khmer và đều có đội văn nghệ được trang bị đầy đủ các loại nhạc cụ dân tộc. Phong trào văn hóa – văn nghệ ở vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được giữ vững và phát huy, góp phần cổ vũ, nâng cao mức hưởng thụ và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Khmer trong cộng đồng các dân tộc anh em.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *