Bên bờ hạnh phúc

 Việc giá dừa khô liên tục sụt giảm mạnh đang làm cho nhà vườn trồng dừa hết sức hụt hẫng. Nếu như thời điểm trước tết nguyên đán 2012, mỗi ha dừa có thể cho thu nhập trên chục triệu đồng thì hiện giờ con số ấy chỉ độ chừng 1-2 triệu đồng.

 

Người dân trồng dừa đang rất muốn biết là vì sao chỉ trong vòng một thời gian ngắn mà giá dừa lại rớt mạnh như vậy? Trong bối cảnh mà giá cả dừa khô còn nhiều bấp bênh như hiện nay thì nên chọn hướng phát triển cây dừa như thế nào là thích hợp? Thực trạng về tình hình tiêu thụ ở Bến Tre sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc này cho nhà vườn trồng dừa ở ĐBSCL. 

Với diện tích trồng khoảng 53 ngàn ha, Bến Tre là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước. Đồng thời đây cũng được xem là đầu mối tiêu thụ dừa của toàn vùng ĐBSCL. Do có lợi thế về thị trường tiêu thụ nên giá dừa khô ở đây không rớt mạnh như những địa phương khác trong vùng. Cụ thể giá dừa khô hiện dao động ở mức từ 20-25 ngàn đồng một chục 12 trái, cao hơn mức giá thu mua ở Vĩnh Long khoảng 10 ngàn đồng một chục. Tuy vậy, mức giá này vẫn được các nhà vườn đánh giá là thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây.

Như vậy, sản lượng dừa ở các nước tăng lên trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới sụt giảm là những nguyên nhân đầu tiên làm ảnh hưởng đến giá dừa bị sụt giảm. Tuy nhiên, cũng theo phân tích của các chuyên gia thì vấn đề tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ dừa khô ở ĐBSCL còn nhiều yếu kém mới là nguyên nhân chính làm cho giá dừa sụt giảm rất mạnh trong một thời gian ngắn.

Khi giá dừa lên cao vào thời điểm cuối năm trước, nhiều doanh nghiệp chế biến tiến hành đẩy mạnh thu mua nguyên liệu. Do dừa khô là sản phẩm không thể để lâu nên buộc các doanh nghiệp phải lưu trử bằng các sản phẩm đã chế biến. Đầu năm 2012, khi tình hình tiêu thụ của các thị trường không thuận lợi, nên đa phần các doanh nghiệp này chỉ tập trung tiêu thụ sản phẩm lưu trử, không mua thêm nguyên liệu. Từ đó giá dừa khô bắt đầu tuột dốc.

Những nguyên nhân trên tuy có làm cho giá dừa sụt giảm nhưng cũng chưa đến mức “thê lương” như hiện nay. Nguyên nhân quan trọng nhất được xác định chính là do thị trường dừa khô hiện nay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sức mua của thương lái Trung Quốc.

Giá dừa sụt giảm mạnh nên hiện nay các nhà vườn chỉ chuyên canh và cả xen canh dừa hầu như không có huê lợi . Từ đó mức đầu tư, chăm sóc cho vườn dừa cũng sẽ có phần giảm đi.  Nếu không được cải thiện, chắc chắn tình trạng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhiều đối tượng dịch hại tấn công, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của vườn dừa. Trước những khó khăn của bà con nông dân trồng dừa, vừa qua UBND tỉnh Bến Tre đã có quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho mỗi ha dừa. Số tiền này nhằm khuyến khích nhà vườn chăm sóc vườn dừa, duy trì được năng suất cho những vụ mùa tiếp theo. 

Qua đợt dừa rớt giá mạnh lần này cũng cho thấy, muốn khai thác hiệu quả cây dừa, khi lập vườn bà con nông dân cũng cần chuẩn bị những phương án để cải thiện thu nhập, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào cây dừa. Trong đó nổi bậc nhất là mô hình nuôi trồng xen canh trong vườn dừa. Hiện nay tại Bến Tre những vườn dừa xen canh cây ăn trái, xen canh ca cao, hoặc nuôi thủy sản nước ngọt đang cho thu nhập gấp nhiều lần so với chỉ độc canh dừa.

 Cụ thể như tại các mô hình trồng dừa xen với ca cao. Mặc dù hiện nay giá ca cao chỉ còn từ 3,5-3,7 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mỗi tháng các vườn dừa có trồng xen cao cao vẫn có thể thu nhập thêm từ 2-3 triệu đồng/ha. Bên cạnh hiệu quả kinh tế thì ở các mô hình này, năng suất dừa được cải thiện đáng kể do được chăm sóc chu đáo hơn.         

Dừa là một trong số ích những loại cây trồng có thể chịu đựng và tồn tại được trong nhiều điều kiện khắt nghiệt, đặc biệt là các vùng đất ở ĐBSCL. Trong bối cảnh những tác động của biến đối khí hậu ngày một rõ rệt thì cây dừa càng khẳng định được giá trị của mình.

 

Với những diễn biến hiện tại cho thấy, để cây dừa phát triển bền vững cần tiếp tục có những chương trình, dự án đa dạng hóa các sản phẩm từ cây dừa. Trước hết là mỗi nhà vườn cần lựa chọn cho mình một biện pháp để gia tăng thu nhập trong vườn dừa. Đồng thời, các doanh nghiệp tiêu thụ cũng cần có những chiếc lược phát triển sản phẩm, chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ. Có như vậy mới có thể tránh được sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường tiêu thụ như hiện nay. Tiềm năng của loại cây công nghiệp này chắc chắn sẽ còn được khai thác hiệu quả hơn nữa nếu có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến sản phẩm./

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *