Bên bờ hạnh phúc

 Với tình hình ngày càng khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản, thì nhiều bà con nuôi thỏ ở xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, đã tìm được hướng đi khá ổn định cho riêng mình, bằng cách hợp tác lại với nhau. Tìm hiểu về tổ hợp tác chăn nuôi thỏ tại đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn câu chuyện này.

 

Gần 10 năm trước, những mô hình nuôi thỏ quy mô khá lớn xuất hiện rãi rác ở các địa phương trong tỉnh, như Vũng Liêm, Mang Thít, Bình Minh, Trà Ôn,… Tuy nhiên, sau nhiều đợt dịch bệnh trên thỏ, nhiều hộ đã bỏ nghề chuyển sang nghề mới. Câu chuyện tương tự như vậy cũng diễn ra tại xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Nhưng có điều bà con ở đây đã duy trì được đàn thỏ và đưa mô hình này ngày càng phát triển.

Cách nay gần 5 năm, sau đợt dịch bệnh dữ dội, làm thỏ chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi quyết định bỏ nghề. Nhưng cũng từ ấy, cái duyên của nghề nuôi thỏ lại đến với bà con xã Chánh An, mà cụ thể là ông Nguyễn Văn, Cần ở ấp Vàm Lịch. Trong nhà ông thường nuôi vài con thỏ để ăn thịt. Tuy nhiên, sau đợt dịch lần đó, thỏ nhà ông không bị thiệt hại, thế là ông để dành nhân giống nuôi thêm. Mặt khác, vào lúc đó, giá thỏ tăng lên liên tục, nên kích thích ông giữ nguyên ý nghĩ hình thành mô hình nuôi thỏ như hiện nay.

Thỏ sinh sản rất nhanh, chẳng bao lâu, đàn thỏ gia đình ông lên đến hàng trăm con nái sinh sản, mỗi tháng xuất bán vài trăm thỏ thịt, lợi nhuận thu được rất khá. Nhiều bà con lân cận thấy nuôi thỏ có hiệu quả, bắt đầu đến nhà ông cần mua con giống và học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ. Đến nay, trong toàn xã Chánh An có trên 100 hộ tham gia nuôi thỏ, với quy mô từ vài chục đến vài trăm con nái. Tập trung nhiều ở 3 ấp, Vàm Lịch, Mỹ Long, Mỹ Chánh.

Như hộ của anh Nguyễn Hữu Thoại, ở ấp Mỹ Long, thấy ông Cần nuôi đạt hiệu quả, năm 2008, anh đầu tư chuồng tại và mua 15 thỏ sinh sản về nuôi. Đến nay, đàn thỏ nhà anh được trên 40 con nái, mỗi tuần xuất bán trên 50 thỏ thịt, thu lãi vài triệu đồng. Theo anh kể, vốn đầu tư ban đầu cho 1 con thỏ sinh sản khoảng 600.000 đồng. Thỏ từ 8 tháng đến 1 năm tuổi bắt đầu sinh sản. Mỗi tháng thỏ sinh sản 1 lần, mỗi lần từ 6 đến 10 con. thỏ con chỉ trong vòng 2 tháng đến 3 tháng là có thể xuất bán. như vậy, anh tính toán với giả cả hiện nay – khoảng 53.000 đống/kg thỏ thịt, mỗi con nái chỉ cần sinh sản 2 lứa là có thể lấy lại tiền vốn đầu tư. Thời gian về sau là thời gian thu lãi. Bà con ở đây còn tính toán, nếu nuôi được 10 con thỏ sinh sản sẽ có lãi nhiều hơn nuôi 1 con heo, mà vốn đầu tư cũng như công sức cũng khá nhẹ nhàng. Vì lẽ đó, mô hình rất nhanh được nhân rộng ra nhiều hộ khác tại địa phương.

Một điều khác khiến bà con  cảm thấy lạ so với những trường hợp mà bà con từng gặp, đó là, mặc dù giá thỏ thịt có tăng nhưng nếu nuôi ít thì khó bán, giá lại thấp. Hễ có số lượng nhiều thì giá bán được tăng lên từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Vì vậy, đang trong lúc vườn nhãn bị dịch bệnh nguy hiểm, nhiều nhà vườn phá bỏ vườn nhãn, chuyển sang trồng rau lang, làm chuồng nuôi thỏ.

 

Về sau, tự bà con cảm thấy cần phải hợp tác lại để có điều kiện thuận lợi hơn trong việc hợp đồng mua bán, cũng như trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Do vậy bà con xin thành lập tổ hợp tác. Hiện toàn xã có 2 tổ hợp tác nuôi thỏ. Trong đó, tổ hợp tác ấp Vàm Lịch do ông Nguyễn Văn Cần làm tổ trưởng hoạt động có hiệu quả và mang lại niềm tin cho các hộ thành viên. Bởi gần đây nhất, vào giữa năm 2011, có đợt dịch bại huyết trên thỏ, hầu hết bà con ngoài tổ hợp tác đều bị thiệt hại, nhưng bà con trong tổ thì vẫn an toàn, do tiêm ngừa kịp thời và đúng bệnh.

Hiện nay chỉ riêng Tổ Hợp tác này có gần 30 hộ thành viên, với tổng đàn gần 500 thỏ sinh sản, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 con thương phẩm, tương đương 2 tấn thỏ thịt, với giá cả và đầu mối tiêu thụ khá ổn định. Vì vậy, những hộ thành viên của tổ đều rất phấn khởi và cùng mong muốn tổ hợp tác của mình được phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Việc xây dựng và hỗ trợ cho các tổ hợp tác và Hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn phát triển có hiệu quả, đó còn là một trong các tiêu chí khá quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *