Bên bờ hạnh phúc

Cùng với những chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể cũng đã có nhiều hình thức vận động kêu gọi cộng đồng xã hội cùng chung tay đem đến cuộc sống tốt hơn cho người nghèo. Là nơi tập hợp những tấm lòng nhân ái và những trái tim yêu thương, biết chia sẻ khó khăn với những người nghèo khó, bệnh tật, 5 năm qua, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long đã trở thành chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho những người nghèo khó chẳng may đau ốm, bệnh hoạn.

Với tinh thần nhân ái sâu sắc, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo đã tập hợp vào ngôi nhà chung của Hội nhiều trái tim cùng chung nhịp đập yêu thương với những bệnh nhân nghèo và những người nghèo khổ. Nhờ đó Hội đã phát huy tốt hiệu quả của những chương trình trọng tâm, góp phần tích cực vào việc giúp những người nghèo khắc phục những khó khăn trong cuộc sống.

Ánh sáng của đôi mắt có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi con người. Tuy nhiên, đa số những người cao tuổi lại dễ rơi vào tình trạng mù lòa, không còn thấy được ánh sáng, do những bệnh về mắt, trong đó thường là do đục thủy tinh thể. Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của họ. Những năm qua, với chương trình đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo đã giúp hơn 12.600 người đã tìm lại được ánh sáng, có cuộc sống bình thường. Hoạt động này đã góp phần cùng ngành y tế hoàn thành chỉ tiêu xóa mù trong toàn tỉnh, đem đến niềm hạnh phúc lớn lao cho nhiều người.

Cũng thông qua hoạt động của hội, hơn 1.700 người khuyết tật trong tỉnh được cấp xe lăn, xe lắc, đã tạo điều kiện cho họ có phương tiện mưu sinh và vượt qua nghèo đói. Cùng những chiếc xe lăn, xe lắc, thanh niên khuyết tật còn được dạy nghề phù hợp để họ cảm thấy cuộc sống của mình còn có ích cho xã hội, từ đó luôn phấn đấu vươn lên vượt qua số phận. Chính chiếc xe lắc đã giúp anh Nguyễn Xuân Trương, ở xã Long Phước, huyện Long Hồ cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn. Từ một người khỏe mạnh, bị tai nạn lao động làm tứ chi bị liệt. Sau thời gian chữa trị, đôi tay của anh đã có thể hoạt động lại bình thường, nhưng đôi chân còn rất yếu, đi lại khó khăn. Không còn đủ sức lao động, anh phải đi bán vé số để kiếm sống, và nhờ có được chiếc xe lắc do Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo hỗ trợ, anh đi lại thuận tiện hơn, có được thu nhập nhiều hơn. Số tiền thu nhập từ việc bán vé số của hai vợ chồng cũng tạm đủ cho cuộc sống hàng ngày và lo cho hai con được đến trường. Cuộc sống được thắp sáng nhờ tình thương của cộng đồng xã hội làm cho anh Trương càng cảm thấy giá trị của sự chia sẻ. Vì vậy, dù sống bằng nghề bán vé số và sức khỏe yếu, nhưng anh luôn tranh thủ thời gian để phụ nấu nướng ở bếp ăn từ thiện của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Long Hồ. Không chỉ vậy, hàng tháng anh còn trích một phần tiền kiếm được để ủng hộ cho những người bất hạnh hơn mình. Trong quá trình đi bán, anh tranh thủ vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền và vật chất cho bếp ăn từ thiện. Chính những người như anh Trương đã góp phần làm cho hoạt động của Hội càng thêm ý nghĩa và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Một điểm cấp cơm, nước chín cho bệnh nhân nghèo

 

Người nghèo còn chẳng may bị bệnh thì nỗi khổ sở càng thêm chất chồng. Đa số bệnh nhân khi nhập viện điều trị với thời gian ít nhất một tuần, có người kéo dài hơn 1 tháng. Tính ra tiền ăn uống có khi còn hơn cả tiền thuốc thang. Người nào khá giả thì xoay sở được, còn người nghèo thì rất vất vả. Bếp ăn từ thiện của hội đã phần nào giúp cho người bệnh vơi đi gánh nặng đó. Toàn tỉnh đã có 8 bếp ăn từ thiện, cấp cơm, cháo, nước chính hàng ngày cho bệnh nhân nghèo. Với phương châm “lá lành đùm lá rách”, từ ngày thành lập đến nay, bếp ăn từ thiện của Hội đã trở thành điểm tựa của bệnh nhân nghèo, và bất cứ ai cần đến. Nấu từng nồi nước sôi, nồi cháo trắng, cơm dẻo… dành cho bệnh nhân đến nhận là công việc hành ngày của những người phục vụ bếp ăn, thể hiện sự san sẻ đầy nghĩa tình của những tấm lòng nhân ái đối với người nghèo.

Vĩnh Long là một tỉnh ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Nhiều vùng nông thôn chưa có điều kiện sử dụng nước sạch. Qua kiểm tra của ngành y tế, tỷ lệ bệnh phụ khoa của phụ nữ ở Vĩnh Long còn khá cao. Do kinh tế còn khó khăn, thiếu hiểu biết và ngại ngùng, nhiều chị em đã âm thầm chịu đựng bệnh tật, thậm chí là bệnh hiểm nghèo hàng chục năm trời. Bức xúc trước tình cảnh một số phụ nữ nghèo còn khá trẻ đã chết vì các bệnh phụ khoa, từ năm 2006, những người làm công tác Hội đã vận động và được sự tài trợ của Ban từ thiện – xã hội, Báo Giác ngộ (TPHCM) giúp chi phí điều trị và phẫu thuật cho chị em phụ nữ tại các bệnh viện ở TPHCM. Thời gian qua, Hội đã phối hợp với Sở y tế và Ủy ban Dân số tỉnh đã tổ chức khám sàn lọc cho gần 2.000 phụ nữ và đã đưa đi phẩu thuật 377 chị. Thông qua chương trình này, nhiều phụ nữ đã được điều trị bệnh và đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Chị Nguyễn Ngọc Phượng, ở ấp Mỹ Phú Tân, xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình đã được hỗ trợ chi phí để điều trị bệnh trong năm 2009. Trước đây, khi phát hiện bị, bệnh chị không dám đi điều trị vì gia đình quá khó khăn, được sự động viên và hỗ trợ của hội, chị đã mạnh dạn đi phẫu thuật và đã hoàn toàn bình phục, có cuộc sống khỏe mạnh. Từ đó, chị Phượng có điều kiện tốt hơn để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Chị đã từng trải qua bệnh tật nên rất thấu hiểu nỗi khổ và khó khăn của những người có hoàn cảnh như mình. Không có tiền của, nhưng giờ đây có được sức khỏe tốt, chị lại san sẻ với người nghèo bằng chính sức lao động của mình. Trong các đợt khám bệnh và phẫu thuật của Hội chị Phượng đều tham gia, giúp đỡ các chị em neo đơn, cùng vượt qua bệnh tật.

Từ năm 2004, Hội còn vận động hỗ trợ được một số ca trẻ em nghèo bệnh tim bẩm sinh. Phẫu thuật thành công, bệnh nhân được cứu sống đã tạo được nguồn động viên to lớn cho những người làm công tác từ thiện này. Vì vậy, dù khó khăn thế nào cũng phải cố gắng tiếp tục thực hiện, bởi nhu cầu vượt lên trên cả sự cấp thiết – đó là quyết tâm và cũng được xem như phương châm của chương trình hoạt động “Trợ giúp phẫu thuật tim cho bệnh nhân nghèo bị bệnh tim” – một chương trình hoạt động được chính thức đề ra từ Đại hội lần thứ I của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long năm 2005. Đến nay, đã có 500 người bị bệnh tim bẩm sinh được cứu sống thông qua chương trình hỗ trợ của Hội.

Cha em Phạm Thị Hiền Ngoan bỏ đi khi biết con gái bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Người mẹ phải một mình tần tảo bán buôn rau cải để nuôi con. Tất cả vì con – niềm vui duy nhất – còn lại của đời chị. Đến lúc tưởng chừng sắp vĩnh viễn xa con, nhờ sự vận động của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, năm 2008 con chị đã được hỗ trợ phẫu thuật. Nhờ đó mà mẹ con mới lại có nhau. Hạnh phúc như vỡ òa, chị vui sướng như không còn ngôn từ nào có thể diễn tả. Giờ đây, ngày ngày chị không còn phải cõng con đi bán nữa mà con chị còn có thể phụ giúp được việc nhà, chia sẻ buồn vui với mẹ…

Em Bùi Thị Phiên ở Long Hồ. Trải qua tuổi thơ nhiều bất hạnh, mẹ mất lúc mới 1 tuổi, ba lại bỏ đi, Phiên sống cùng bà nội già yếu, lại mang trong người trái tim bệnh tật. Năm 2007, em được Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo hỗ trợ phẫu thuật tim. Từ đó em mới trở nên khỏe mạnh và tiếp tục đi học. Ra trường có việc làm ổn định, khiến cho niềm vui càng được nhân lên. Có hiểu được những uẩn khúc trong cuộc đời của Phiên như thế thì mới có thể lý giải được vì sao trong cuộc sống hàng ngày em luôn lạc quan yêu đời, với khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười thường trực trên môi.

Chứng kiến được sự mừng vui, hạnh phúc đến vô cùng của những gia đình nghèo có người thân được trợ giúp phẫu thuật tim và điều trị bệnh mới thấy được những chương trình trợ giúp do Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thực hiện có ý nghĩa to lớn và sâu sắc đến nhường nào. Những người được cứu sống càng biết quý trọng sức khỏe, quý trọng mạng sống của mình hơn, yêu lao động và biết sử quỹ thời gian của mình một cách có ích hơn. Hoạt động của Hội đã thiết thực góp phần vào việc củng cố niềm tin của mọi người vào sức mạnh của lòng nhân ái, của tính cộng đồng trong cuộc sống cuộc sống hôm nay. Đó là ý nghĩa lớn lao, và cũng là lí do để những cán bộ của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các chương trình đầy tâm huyết của hội…

Các chương trình hỗ trợ cho người bệnh nghèo đều cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Đặc biệt, mỗi ca tim được điều trị phải tốn chi phí rất lớn. Đối với những gia đình nghèo khó, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, số tiền ấy chỉ có thể là niềm mơ ước, nếu không may trong nhà có người bị bệnh tim bẩm sinh thì xem như bế tắc, tuyệt vọng, mặc cho cái chết từng ngày, từng giờ đến gần với bản thân, hoặc những người thương yêu nhất của mình. Sẽ vui sướng biết bao, khi người thân của họ được hỗ trợ chi phí chữa trị bệnh tim bẩm sinh, để tiếp tục dành quyền được sống. Thấu hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, chương trình đã nhanh chóng tạo được sự đồng thuận và thu hút được sự chú ý ngày càng nhiều của các nhà hảo tâm. Các tập thể, cá nhân, các tổ chức đoàn thể cũng có những hình thức phong phú để vận động hỗ trợ cho chương trình.

Bệnh tật luôn làm cho bản thân người bệnh và cả gia đình suy giảm đi khả năng sống và phát triển. Các chương trình hoạt động của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo đã khơi dậy lòng nhân ái của mỗi con người, thu hút đông đảo các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân tham gia. Người góp công, người góp của, tất cả đều tham gia hoạt động với tinh thần nhân đạo tự nguyện, tích cực tham gia các hoạt động chăm lo sức khỏe cho người nghèo. Mỗi một người được cứu sống là cả một gia đình và cộng đồng xã hội được tiếp sức, được nâng bước để hướng đến cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa to lớn đó, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực suốt 5 năm qua, chiếm vị trí xứng đáng trong xã hội, là chỗ dựa cho người nghèo khi bệnh hoạn, ốm đau, giúp họ từng bước vươn lên, giữ vững niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Cẩm Âu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *