Bên bờ hạnh phúc

           Hiện nay, ở các tỉnh Nam bộ , bệnh chổi rồng đã xuất hiện ở khắp các vườn nhãn trong khu vực . Nhiều vườn nhãn có mức độ mắc bệnh lên đến 95-100% , khiến  nhà vườn  trắng tay.

          Trong khi tất cả nhà vườn rất lo lắng vì chưa có thuốc đặc trị,  bệnh chổi rồng  phát triển ngày càng mạnh với cấp độ phải công bố dịch,  đe dọa nghiêm trọng loại cây trồng này ở ĐBSCL. 

                      

         Trước đây, hiện tượng bệnh chổi rồng đã có xuất hiện trên một số vườn nhãn ở các tỉnh phía Nam, nhưng còn rãi rác, mật số chưa cao và tác hại chưa đáng kể. Nhưng giờ đây, loại bệnh này đã thật sự phát triển thành  dịch, gây hại lớn cho các nhà vườn trồng nhãn.

         Theo thống kê của ngành chức năng, toàn khu vực phía Nam có gần 35000 ha đất vườn trồng nhãn, trong đó có gần 90% diện tích nhãn đang bị nhiễm bệnh. Thiệt hại nặng nhất chính là những địa phương lâu nay có thế mạnh về trồng nhãn, như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp và Bến Tre. Riêng ở Vĩnh Long, diện tích trồng nhãn cả tỉnh gần 10000 ha, thì đã có đến hơn 8000 ha bị nhiễm bệnh chổi rồng, trong đó bị nhiễm nặng trên 6000 ha với tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến từ 30-70% , cá biệt có vườn bị nhiễm 90-100 %, tập trung nhiều ở huyện Long Hồ, Mang Thít và Trà Ôn.               

        Có thể khẳng định, hiện nay hầu hết các vườn trồng cây nhãn tiêu da bò đều bị bệnh chổi rồng, tùy theo mức độ nhiễm bệnh mà thiệt hại về năng suất từ 70-80%, thậm chí bị mất trắng 100%.

         Tại Vĩnh Long, bệnh chổi rồng bắt đầu xuất hiện trên cây nhãn từ năm 2006 với tỷ lệ thấp và diện tích bị nhiễm bệnh không đáng kể. Nhưng chỉ mới hơn 5 năm, bệnh chổi rồng đã trở thành phổ biến. Nhiều cây nhãn có đến 95-100% số  bông bị nhiễm bệnh không thể cho trái được.   

        Bệnh chổi rồng gây hại trên cây nhãn chủ yếu là ở lộc non và chồi hoa, làm cho các bộ phận này của cây không phát triển được, nên khả năng đậu trái kém, năng suất giảm nhiều.

         Qua ghi nhận thực tế ở các địa phương, dịch bệnh chổi rồng tràn lan khắp nơi, bệnh lây nhiễm nhanh và hiện chưa có thuốc đặc trị.

        Để đối phó với bệnh chổi rồng,  ngành nông nghiệp Vĩnh long đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tọa đàm, hội thảo , giúp nhà vườn  hiểu rỏ về bệnh này, cũng như tác hại của nó để có biện pháp phòng ngừa là chính,  nhưng xem ra vẫn chưa có kết quả cao  .

        Nguyên nhân là do nhiều nhà vườn thực hiện không đúng cách và nhất là không tập trung đồng loạt; trong khi phần lớn các vườn nhãn được trồng liền kề nên dịch bệnh có cơ hội lây lan.                                

         Trước tình hìnhbệnh chổi rồng ngày càng phát triển mạnh, với diện tích bị mắc bệnh chiếm trên 90% , UBND tỉnh Vĩnh long đã ban hành quyết định số 173/QĐ-UBND, ngày 8/2/2012 về công bố dịch chổi rồng trên cây nhãnở địa phương. Qua đó,  triển khai  kế hoạch, biện pháp dập dịch trên toàn tỉnh, huy động các tổ chức xã hội, đoàn thể hổ trợ nhân dân thực hiện dập dịch; nhằm ngăn ngừa sự lây lan, khắc phục hậu quả và phòng tránh tái diễn.

         Bệnh chổi rồng phát triển và gây hại quanh năm trên cây nhãn , nhưng nặng nhất là vào mùa nắng. Bệnh này thường xuất hiện nhiều trong những vườn nhãn trồng dầy, tán cây rậm rạp, việc chăm sóc và vệ sinh vườn kém. Ngoài ra , còn do kỷ thuật canh tác chưa phù hợp, bón phân không cân đối, vườn cây bị thiếu nước vào những tháng mùa nắng, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng chưa hợp lý; nên sức đề kháng của cây kém, tạo điều kiện cho dịch bệnh tấn công mạnh.

        Qua nghiên cứu của các nhà chuyên môn, tác nhân chính làm cho bệnh chổi rồng phát sinh và phát triển mạnh trên cây nhãn là do một loài vi khuẩn sống ký sinh trên cây ký chủ, chúng lây truyền bệnh chủ yếu qua vết thương của côn trùng chích hút. Đối tượng nhện lông nhung được khẳng định có liên quan rất mật thiết với dịch bệnh này.

         Bệnh chổi rồng trên cây nhãn gây hại  chủ yếu là phần non của lá, chồi non và chồi hoa; từ đó làm cho các bộ phận này không phát triển, mà biến dạng thành chùm, xoắn tít, teo tóp nhỏ đi, không lơn lên được và co cụm lại như bó chổi. Các phân đoạn trên cành, lá, phát hoa đều ngắn, cánh hoa không bung ra mà bị nhỏ lại, và chúng có xu hướng lây lan nhanh khắp vườn. Khi cây bị bệnh chổi rồng nặng, chồi hoa bị nhiễm bệnh sẽ không phát triển và  khả năng đậu trái rất thấp. Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là hạn chế sự có mặt của nhện lông nhung trên vườn nhãn.

       Theo các nhà khoa học, để phòng ngừa nhện lông nhung đạt hiệu quả tốt thì vào các thời điểm cây nhãn ra chồi non và ra hoa, nên phun thuốc trừ nhện; vì nhện lông nhung thường chỉ tập trung ở những bộ phận này.

       Để hạn chế một cách căn cơ bệnh chổi rồng trên cây nhãn, bà con nông dân cần thực hiện tốt qui trình canh tác và phòng trừ  dịch hại tổng hợp .

         Ngoài ra , để phòng trị bệnh chổi rồng thì kỹ thuật canh tác cũng là giải pháp quan trọng. Bà con nhà vườn cần áp dụng kỷ thuật canh tác phù hợp và chăm sóc cây trồng khỏe. Thường xuyên tỉa cành để vườn cây thông thoáng và bón phân cân đối.  Khi  vườn bị bệnh chổi rồng , bà con nên cắt tỉa và loại bỏ hết những cành lá, chồi ngọn và phát hoa có bệnh đem tiêu hủy, sau đó tiếp tục khống chế quần thể nhện bằng thuốc hóa học để bảo vệ các đợt  lá, chồi non và hoa vừa mới nhú . Lưu ý, khi  dùng thuốc hóa học phòng ngừa nhện phải đảm bảo đúng thuốc, áp dụng đúng kỷ thuật  và thực hiện phòng trừ đồng loạt thì mới  đạt  hiệu quả cao.

 

             Hiện nay , việc khắc phục dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có một kết quả nghiên cứu về qui trình phòng trị cụ thể đối với bệnh này. Nhưng thiết nghĩ trước tiên bà con nên tập trung làm theo gợi ý của các nhà chuyên môn, để  hạn chế  sự bộc phát và lây lan của tác nhân gây bệnh.

             Nhìn chung, bệnh chổi rồng trên cây nhãn có thể quản lý và phòng ngừa được.  Để đối phó hữu hiệu với bệnh này thì không chỉ đơn thuần dùng thuốc hóa học để khống chế  nhện lông nhung, mà còn phải kết hợp với biện pháp canh tác tốt, đúng qui trình kỹ thuật, từ khâu chọn giống, thiết kế vườn, mật độ cây trồng, đến chăm sóc, bón phân, phòng ngừa dịch hại và vệ sinh vườn tốt … Bên cạnh đó,  bà con cũng cần phải có sự đầu tư  chăm sóc vườn cây đúng mức, đúng kỹ thuật. Được vậy thì vườn nhãn mới phát triển khỏe, khống chế được dịch hại và cho năng suất cao./

          Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *