Bên bờ hạnh phúc

         Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thực trạng ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu khu vực ĐBSCL thời gian qua đòi hỏi ngành chức năng cần phải có giải pháp về quản lý nhà nước cũng như kỹ thuật để nâng cao chất lượng con giống. Bởi đây là yếu tố rất quan trọng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu, đồng thời làm tăng giá trị lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho người nuôi.

 

          ĐBSCL hiện có khoảng 200 trại sinh sản cá tra bột và 4.000 hộ ươm cá giống. Sản lượng cá giống toàn vùng là trên dưới 2 tỉ con mỗi năm, cơ bản đáp ứng cho nhu cầu nuôi. Tuy nhiên do thị trường cá tra nguyên liệu không ổn định khiến người nuôi chưa an tâm đầu tư sản xuất. Nhiều hộ người chưa quan tâm đến chất lượng con giống, điều kiện sản xuất kinh doanh cũng chưa đảm bảo đúng quy định. Từ đó gây hao hụt trong quá trình nuôi, tỷ lệ hao hụt có khi vượt quá 30% số lượng cá thả nuôi.

         Theo Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long: “Trong năm 2012, chúng tôi đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện vệ sinh thú y cũng như điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở SX giống nói chung và cơ sở SX giống cá tra nói riêng. Bên cạnh đó về con giống chúng tôi quản lý nguồn gốc cá bố mẹ và phải tuân thủ theo quy chuẩn là cá tra cỡ tuổi nào mới được đem vào SX, có hồ sơ lý lịch rõ ràng để khi SX đảm bảo cá tra giống không bị suy thoái và đồng huyết .”

          Qua phân tích của các nhà khoa học, để nâng cao chất lượng cá tra giống ở khu vực ĐBSCL và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu cần phải thực hiện song hành hai nhóm giải pháp: Thứ nhất là hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về sản xuất kinh doanh cá tra giống, gắn quy hoạch vùng sản xuất với xây dựng thương hiệu cá tra giống. Thứ hai, nhà nước cần hỗ trợ phát triển các trung tâm giống thủy sản cấp tỉnh; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cho các hộ nuôi; xây dựng các mô hình liên kết giữa nhà sản xuất giống với nhà khoa học để ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết giữa sản xuất giống với nuôi thương phẩm nhằm ổn định cung cầu.

 

          Tổng cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II soạn thảo quy chế quản lý đàn cá tra hậu bị và đàn cá tra bố mẹ nhằm giúp nâng cao chất lượng cá tra giống cung cấp ra thị trường khu vực trong thời gian tới.

          Thạc sĩ Phạm Cử Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Giống quốc gia thủy sản nước ngọt Nam bộ nhận định:“Trong thời gian qua, nhu cầu cá tra rất là cao nhưng chất lượng giống không tốt, chưa đạt. Trong năm 2012 Viện 2 sẽ tiếp tục nghiên cứu đề tài  chọn lọc giống cá tra, làm thế nào để cung cấp chất lượng giống cũng như  số lượng giống cho các tỉnh ĐBSCL, cho nông dân mình để góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản.”

 

          Thông tin vui cho người nuôi cá tra ĐBSCL là hiện nay Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II vừa chuyển giao 85.000 con cá tra bố mẹ đã được chọn lọc di truyền cho các địa phương nuôi cá tra trọng điểm như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ…

         Đàn cá tra bố mẹ nói trên nằm trong dự án “Chuyển giao đàn cá bố mẹ có tính trạng di truyền cao” với số lượng 100.000 con cá tra bố mẹ chất lượng cao để từng bước thay thế đàn cá tra bố mẹ tại vùng ĐBSCL theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT. Đây có thể xem là bước tạo nguồn cá giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người nuôi./.

         Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *